Ông đánh giá thế nào về những chuyển biến trong công tác cải cách thủ tục hành chính về thuế, hải quan?
Từ thông tin thu thập của các DN Nhật Bản, tôi cho rằng, Hải quan Việt Nam thời gian gần đây đã giảm nhiều thủ tục rườm rà, không cần thiết, rút ngắn thời gian làm thủ tục thông quan hàng hóa cho DN.
Đặc biệt, vào cuối tháng 11 vừa qua, Cục Hải quan TPHCM đã phối hợp với Hiệp hội DN Nhật Bản tại TPHCM tổ chức hội nghị đối thoại tháo gỡ vướng mắc cho các DN Nhật Bản. Tại Hội nghị này, ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM đã cam kết tiếp tục đồng hành hỗ trợ DN, đồng thời sẽ đơn giản hơn nữa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi tốt nhất cho cộng đồng DN.
Tuy nhiên, để thực sự hiệu quả, chúng tôi kiến nghị cần có cải thiện mạnh mẽ hơn, tiếp tục tinh giảm thủ tục, triển khai đồng bộ các chính sách. Về phía DN Nhật Bản chúng tôi nhận thấy, các DN, đặc biệt là chủ các DN thường xuyên nắm bắt chính sách mới để triển khai thực hiện tốt các chính sách của cơ quan Thuế và Hải quan triển khai.
Ông có thể nói rõ hơn về những chuyển biến này, cũng như môi trường đầu tư tại TPHCM?
Hàng năm Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) đều tham khảo ý kiến của DN Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam, trong đó có vấn đề liên quan đến chính sách thuế, hải quan… Những vấn đề này liên qaun trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, chi phí của DN, nên họ rất quan tâm. Việc cải thiện trong hai lĩnh vực này đã có sự chuyển biến rõ rệt.
Như tôi đã nói ở trên, nhiều thủ tục rườm rà, không cần thiết đã được lược bỏ. Các DN Nhập Bản đều đánh giá môi trường đầu tư ở TPHCM rất tốt, phần đông các DN sẽ mở rộng đầu tư tại Việt Nam, cũng như thu hút các DN mới đầu tư vào Việt Nam.
Tại một số hội nghị đối thoại năm trước, một vài DN phản ánh vẫn còn tình trạng DN phải tốn chi phí không chính thức khi thực hiện thủ tục hải quan, thủ tục thuế, tình trạng này đến nay thế nào thưa ông?
Trước khi tham dự hội nghị đối thoại với chính quyền TPHCM, Hiệp hội DN Nhật Bản thường tập hợp các ý kiến góp ý của DN hội viên. Năm nay, không có DN nào đề cập, phản ánh về chi phí không chính thức, cũng như việc gây phiền hà, khó khăn của cơ quan Thuế và Hải quan.
Cùng với đó, qua các kỳ hội nghị đối thoại giữa cơ quan Thuế và Hải quan, lãnh đạo các đơn vị này đều khẳng định, trong quá trình làm thủ tục, nếu DN phát hiện tình trạng gây phiền hà, cũng như phát sinh chi phí không chính thức, các DN mạnh dạn thông báo cho lãnh đạo các đơn vị này để được giải quyết, xử lý ngay… Qua đó cho thấy, lãnh đạo hai đơn vị đã có quan điểm giải quyết rõ ràng, tình hình đã được cải thiện, những tồn tại của những năm trước đây giờ đã được cơ quan Thuế và Hải quan chỉ đạo khắc phục, hạn chế triệt để tình trạng phiền hà, sách nhiễu, tạo môi trường đầu tư bình đẳng giữa các DN.
Vậy các DN Nhật Bản sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ -rung đang diễn ra?
Trước mối quan hệ căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc hiện nay, có sự dịch chuyển từ các DN Nhật Bản đầu tư ở Trung Quốc sang Việt Nam rất nhiều. Tuy nhiên, từ trước đó, các DN Nhật Bản có nhà máy sản xuất tại Trung Quốc cũng đã có xu hướng dịch chuyển nhà máy sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Như vậy, thay vì thu hút đầu tư trực tiếp các DN từ Nhật Bản sang Việt Nam, sẽ có làn sóng DN Nhật Bản đầu tư tại Trung Quốc chuyển dịch sang Việt Nam. Theo tôi, môi trường đầu tư của Việt Nam cần hoàn thiện hơn nữa để đón được các làn sóng đầu tư từ Trung Quốc qua.
Xin cảm ơn ông!