BPO - Huyện Chơn Thành (nay là thị xã Chơn Thành) được thành lập trên cơ sở chia tách một phần phía Nam của huyện Bình Long cũ theo Nghị định số 17/2003/NĐ-CP ngày 20-2-2003 của Chính phủ. Ngày 2-5-2003,kèo thẻ vàng lễ công bố Nghị định số 17 của Chính phủ được tổ chức, Chơn Thành chính thức ra mắt các cơ quan lãnh đạo Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể và các địa phương theo cơ cấu đơn vị hành chính mới. Sau 20 năm thành lập, Chơn Thành ngày nay phát triển mạnh mẽ và thay đổi toàn diện, khẳng định vị thế là địa phương trọng điểm công nghiệp, đô thị của tỉnh Bình Phước cũng như vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ.
Bộn bề ngày “ra riêng”
Ngày mới thành lập, cũng như bao địa phương khác, Chơn Thành là huyện thuần nông, nông nghiệp chiếm 60% trong cơ cấu kinh tế. Cơ sở hạ tầng tuy đã được đầu tư nhưng còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Đời sống người dân tuy đã được cải thiện nhưng thu nhập thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Thành lập Chơn Thành để tập trung đầu tư, phát huy tiềm năng và thế mạnh của vùng đất nơi đây, nâng cao đời sống người dân là mong muốn của bao thế hệ lãnh đạo và nhân dân tỉnh Bình Phước cũng như huyện Chơn Thành lúc bấy giờ.
Ông Bùi Thanh Phong, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước nhớ lại: “Chơn Thành, Hớn Quản, Bình Long trước đây là 3 huyện, sau giải phóng nhập lại thành huyện Bình Long thì quá rộng lớn. Sau gần 30 năm giải phóng, người dân được hưởng hòa bình, độc lập, tự do nhưng sự phát triển của Bình Long khi đó chưa có. Chính vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khi đó bàn, đề ra chủ trương tách huyện Chơn Thành và nhận được sự đồng tình rất cao, cũng như quyết tâm đưa Chơn Thành đi lên”.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và lãnh đạo tỉnh chúc mừng Chơn Thành lên thị xã từ ngày 1-10-2022 - Ảnh: Thanh Mảng
Ngay từ khi thành lập, Chơn Thành đã định hướng đi lên bằng con đường công nghiệp và dịch vụ. Trong những năm đầu thành lập, Chơn Thành được tỉnh tập trung mọi nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là giao thông, điện và thực hiện mời gọi nhiều nhà đầu tư đến với Chơn Thành. Trong quá trình phát triển các khu công nghiệp theo quy hoạch của tỉnh, Chơn Thành đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân và nhận được sự đồng thuận rất cao. Nhân dân sẵn sàng bàn giao, giải phóng mặt bằng để làm công nghiệp, sẵn sàng hiến đất để mở rộng đường, kéo điện nên các khu công nghiệp trên địa bàn huyện hình thành rất nhanh.
Xác định cán bộ là “gốc” của mọi công việc, một trong những nghị quyết đầu tiên của Đảng bộ huyện Chơn Thành là tập trung cho công tác tư tưởng và ổn định tổ chức, cán bộ. Mặc dù bộn bề với những khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, nơi làm việc nhưng đội ngũ cán bộ mới của Chơn Thành dần được tuyển dụng, bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu công việc. Rất nhiều người trong lớp cán bộ trẻ của Chơn Thành ngày ấy đã và đang giữ trọng trách, vị trí chủ chốt ở các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể và các địa phương Chơn Thành ngày nay.
Ông Nguyễn Văn Tính, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, nguyên Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Huyện ủy Chơn Thành cho biết: “Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến đội ngũ cán bộ, làm sao phải chuẩn hóa được vì khi ấy cán bộ vừa thiếu vừa yếu, chỉ vài đồng chí có trình độ đại học. Chính vì vậy, chúng tôi tập trung gửi đi học, tỉnh mở lớp là chúng tôi xin cho cán bộ đi học, cùng với đó là tuyển con em địa phương vào làm việc. Những người học ngoài tỉnh có nhu cầu xin vào làm việc, chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận. Từ đó đội ngũ cán bộ được hình thành, phát triển và được chuẩn hóa rất nhanh”.
Bứt tốc phát triển
Với những lợi thế về vị trí địa lý, đường giao thông, đất đai, nguồn nhân lực, chỉ thời gian ngắn sau thành lập, Chơn Thành đã thu hút được rất nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước để dần hình thành các khu công nghiệp. Đến nay, trên địa bàn Chơn Thành có 4 khu công nghiệp đi vào hoạt động. Các khu công nghiệp: Chơn Thành I, Chơn Thành II, Minh Hưng - Hàn Quốc, Minh Hưng III đã được lấp đầy. Đặc biệt là dự án Khu liên hợp công nghiệp và đô thị Becamex - Bình Phước quy mô hơn 4.633 ha, với tổng mức đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng, là dự án lớn của tỉnh cũng như thị xã Chơn Thành.
Chơn Thành đang đổi mới từng ngày - Ảnh: Tấn Tài
Công nghiệp phát triển mạnh là điều kiện tốt để các lĩnh vực xây dựng, thương mại, dịch vụ, đô thị phát triển theo. Đến cuối năm 2022, tổng giá trị sản xuất các ngành trên địa bàn Chơn Thành đạt 35.645 tỷ đồng, tăng 15 lần so với năm 2013 và gấp 116 lần so với ngày mới thành lập huyện. Giá trị công nghiệp, xây dựng đạt 27.241 tỷ đồng, gấp 273 lần so với năm 2003. Tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt hơn 10.340 tỷ đồng, gấp 61 lần so với năm 2003. Đáng chú ý là công nghiệp, dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế và đạt gần 82%, nông nghiệp chỉ còn 18%. Thu ngân sách năm 2003 đạt 5,9 tỷ đồng, đến cuối năm 2022 đạt hơn 794 tỷ đồng, gấp 132 lần. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 84 triệu đồng, gấp hơn 15 lần so với ngày mới thành lập huyện.
“Tôi đã nghỉ hưu rồi nhưng vẫn theo dõi sự phát triển của các địa phương. Lãnh đạo tỉnh rất vui và đánh giá cao Chơn Thành sau 20 năm đã phát triển vượt bậc, đổi mới toàn diện, có chiều sâu trên tất cả lĩnh vực. Tôi cũng kỳ vọng và tin tưởng Chơn Thành sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, nhất là về công nghiệp, dịch vụ, đô thị trong tương lai”. |
Ông NGUYỄN TẤN HƯNG nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước |
Cùng với tăng trưởng kinh tế, các lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng được Chơn Thành quan tâm đầu tư phát triển. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; phòng, chống dịch bệnh được đảm bảo. Đến cuối năm 2022, tất cả địa phương của Chơn Thành đã về đích nông thôn mới, trong đó 2 phường Minh Hưng và Thành Tâm đạt nông thôn mới nâng cao và thị xã Chơn Thành đang hoàn thiện hồ sơ để được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Bằng mọi nguồn lực, với nhiều hình thức, cách làm, hàng trăm hộ nghèo của Chơn Thành đã thoát nghèo trong 20 năm qua và nhiều xã, phường hiện không còn hộ nghèo. Nếu năm 2003, Chơn Thành có 759 hộ nghèo, chiếm 7,1%, đến nay hộ nghèo chỉ còn 22 hộ, chiếm 0,07% và 108 hộ cận nghèo, chiếm 0,36%. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được chú trọng. |
Ông Hà Duy Đạt, Chủ tịch UBND thị xã Chơn Thành cho biết: “Chơn Thành có vị trí thuận lợi, là trung tâm kết nối vùng Đông Nam Bộ với Tây Nguyên và nước bạn Campuchia. Tỉnh xác định Chơn thành là địa phương công nghiệp nên đã quan tâm đầu tư rất lớn. Thành tựu này là mong đợi của nhân dân, là sự quyết tâm, sáng tạo, kỳ vọng của các thế hệ lãnh đạo. Điều này góp phần củng cố thêm niềm tin, tạo động lực, khí thế mới, là tiền đề quan trọng để Đảng bộ, chính quyền, dân và quân Chơn Thành tiếp tục phấn đấu, phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới”.
Thời cơ mới, vận hội mới
Trung tâm thị xã Chơn Thành và khu vực lân cận ngày nay có nhiều dự án khu dân cư, trung tâm thương mại, dịch vụ có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, mang dáng dấp của đô thị hiện đại. Chính sự phát triển đó, ngày 5-10-2020, Chơn Thành đã được Bộ Xây dựng công nhận đạt tiêu chí đô thị loại IV. Từ ngày 1-10-2022, Chơn Thành chính thức trở thành thị xã và là một trong 3 thị xã của tỉnh. Đây là dấu mốc quan trọng, mở ra thời cơ, vận hội mới, một tương lai tươi sáng cho sự trưởng thành và phát triển của Chơn Thành nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung.
Dự án Khu liên hợp công nghiệp và đô thị Becamex - Bình Phước đã thu hút được 56 dự án từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới - Ảnh: Tấn Tài
“Trước mắt, Chơn Thành sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra. Đẩy mạnh các dự án đầu tư công, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị; thu hút mời gọi đầu tư; cải cách hành chính, chuyển đổi số, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Về lâu dài, Chơn Thành sẽ tập trung phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ, phấn đấu trở thành đô thị loại III vào năm 2030” - ông Hà Duy Đạt cho biết thêm.
Tiếp tục phát triển công nghiệp và xây dựng đô thị “năng động, sinh thái, thông minh”, phấn đấu đến năm 2025 đạt tiêu chí đô thị loại III và đủ điều kiện nâng cấp lên đô thị loại III trong giai đoạn 2026-2030 là mục tiêu Chơn Thành đang hướng tới. Với những thành quả đạt được cùng sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, sự đoàn kết, thống nhất, năng động, sáng tạo, Đảng bộ thị xã Chơn Thành sẽ lãnh đạo xây dựng địa phương trở thành đô thị khang trang, giàu mạnh, xứng tầm vị thế là động lực, trung tâm kinh tế, công nghiệp của tỉnh Bình Phước.