Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm nông dân tỉnh Bắc Kạn đang thu hoạch lúa mùa năm 1950. (Ảnh: Tư liệu-TTXVN)
Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2020) và 109 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 - 5-6-2020), Ban tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức triển lãm với chủ đề “Hồ Chí Minh-Đẹp nhất tên Người” tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1) từ nay đến hết ngày 10-6.
Triển lãm gần 150 ảnh giới thiệu khái quát cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu từ thuở niên thiếu đến lúc vào Sài Gòn và lên tàu Amiral Latouche Treville ra nước ngoài tìm con đường cứu dân, cứu nước.
Cuộc đời của Người gắn liền với sự nghiệp giải phóng dân tộc, lãnh đạo toàn dân kháng chiến, giành độc lập, tự do, hòa bình và thống nhất đất nước.
Tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, triển lãm còn giới thiệu hoạt động của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong việc thực hiện lời Bác, quyết tâm xây dựng Thành phố, xây dựng đất nước ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn."
Nhiều tác phẩm ảnh cũng phản ánh về công tác xây dựng hệ thống chính trị, giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội, tạo sức bật cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội.
Ngoài ra, triển lãm giới thiệu các tập thể, cá nhân điển hình, tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; giới thiệu sự phát triển nhanh của Thành phố với nhiều công trình, kiến trúc mới, hiện đại, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng đô thị thông minh, thể hiện sức sống vươn lên của Thành phố mang tên Bác trong xu thế hội nhập với thế giới.
Tương tự, trên tuyến đường Đồng Khởi, Triển lãm giới thiệu bộ ảnh đen trắng với chủ đề “Bác Hồ - Một tình yêu bao la." Đó là tình cảm yêu thương của Bác đối với đồng bào, đồng chí và nhân loại, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, thành phần, màu da; đặc biệt, đối với thiếu niên nhi đồng, phụ nữ, thanh niên công nhân, đồng bào các dân tộc thiểu số, cán bộ, chiến sĩ giải phóng quân... Nhiều hình ảnh khác cũng thể hiện sinh động tình cảm của Bác đối với nhân dân các nước trên thế giới và lãnh đạo các nước bạn dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tại khu vực đối diện Công viên Chi Lăng, Triển lãm cũng trưng bày hình ảnh “Chủ tịch Hồ Chí Minh với nền văn hóa Việt Nam”, giới thiệu sự quan tâm sâu sắc của Bác trong xây dựng, phát triển văn hóa Việt Nam; các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị, di sản văn hóa dân tộc. Triển lãm cũng hướng đến những giá trị giáo dục, đào tạo, rèn luyện con người Việt Nam phát triển toàn diện, có tri thức, đạo đức, sức khỏe, có tình cảm chung thủy, lối sống lành mạnh, có nhân cách trong sáng.
Theo Trung tâm Triển lãm Thành phố, các tác phẩm ảnh đã khắc hoa được giá trị nhân văn cao cả của Bác Hồ, là tài sản tinh thần to lớn của dân tộc Việt Nam. Tư tưởng, tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi tỏa sáng, trường tồn trong từng cử chỉ, hành động, việc làm và mối quan hệ với đồng bào, đồng chí, bạn bè quốc tế.
Tại Nghệ An, trong ngày 15-5, tại Quảng trường Hồ Chí Minh, Triển lãm tranh cổ động kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai mạc.
Triển lãm giới thiệu 115 tác phẩm cổ động xuất sắc của các họa sỹ chuyên nghiệp và không chuyên trên toàn quốc, được tuyển chọn từ các cuộc thi sáng tác tranh cổ động do Cục Văn hóa cơ sở tổ chức.
Thông qua hình ảnh và câu từ, các tác phẩm trưng bày tại Triển lãm nhằm giới thiệu, tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân về tinh thần đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đẩy mạnh học tập và làm việc theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; bảo vệ chủ quyền biên giới biển, đảo...
Các họa sỹ, các tác phẩm trưng bày tại Triển lãm đã khắc họa rõ nét những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam; khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, uy tín, khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách của Người; nêu bật những truyền thống quý báu, bài học kinh nghiệm trong suốt chặng đường đấu tranh giải phóng dân tộc, tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình ra đi tìm đường cứu nước, lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc.
Tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung đến từ Trung tâm văn hóa nghệ thuật tỉnh Hà Nam, chủ nhân bức tranh "Người đi tìm hình của Nước" chia sẻ, mình vẽ về Bác bằng niềm tự hào, hạnh phúc. Từng nét vẽ trong tranh đều thể hiện sự khát khao, chí lớn của Bác ra đi tìm đường cứu nước, xóa bỏ áp bức bóc lột đối với nhân dân ta.
Ông Hồ Mậu Thanh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An cho biết triển lãm là dịp để mỗi người hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời và sự nghiệp Cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, góp phần làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ thực sự đi vào đời sống nhân dân; là nền tảng tinh thần vững chắc trong đời sống xã hội; củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; phát huy truyền thống yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn; xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu bảo vệ, phát triển bền vững đất nước.
Phát biểu tại Triển lãm, Cục trưởng cục Văn hóa cơ sở-Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Thị Thu Hương nhấn mạnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đời đời ghi nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, không ngừng đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đoàn kết một lòng giữ vững chủ quyền biên giới biển, đảo và chiến thắng dịch COVID-19, hướng tới mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; nâng vị thế của đất nước ta trong khu vực và thế giới.
Tại Triển lãm, Ban Tổ chức cũng đã trao 2 giải nhất, 3 giải nhì, 4 giải ba, 10 giải khuyến khích cho các tác giả đoạt giải cho 2 cuộc thi sáng tác tranh cổ động chào mừng 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Triển lãm sẽ diễn ra đến hết ngày 30-5.