Theo IATA, các khoản hỗ trợ nói trên được phân bổ dưới dạng cho vay 50,4 tỷ USD, hỗ trợ việc làm 34,8 tỷ USD, cho vay có bảo đảm 11,5 tỷ USD hoặc theo hình thức bơm vốn 11,2 tỷ USD. Trong tổng số 123 tỷ USD nói trên, 67 tỷ USD sẽ phải trả và tổng số tiền nợ của ngành này sẽ lên tới gần 550 tỷ USD, tăng 28%.
Tổng giám đốc IATA, ông Alexandre de Juniac, nhận xét thách thức tiếp theo sẽ là làm thế nào để ngăn chặn các công ty sụp đổ dưới sức ép của các khoản nợ do việc viện trợ tạo ra. Còn theo ông Brian Pearce, giám đốc tài chính của tổ chức tập hợp 290 hãng hàng không thành viên này, nói trong một cuộc họp báo rằng các khoản viện trợ đã được phân phối "khá không đồng đều" trên khắp thế giới.
IATA cho biết, Chính phủ Mỹ dẫn đầu với chương trình "Cares act" với một khoản viện trợ chiếm tới 1/4 tổng doanh thu hàng năm của các công ty trong lĩnh vực này trên thế giới. Châu Âu đứng ở vị trí thứ hai với 15% và tiếp theo là châu Á với khoảng 10%. Tuy nhiên, các khoản viện trợ này ở châu Phi, Trung Đông hoặc Mỹ Latinh chỉ chiếm khoảng 1% tổng doanh thu hàng năm của các công ty trong năm 2019.
Ông de Juniac cho rằng, các chính phủ không đáp ứng đủ nhanh hoặc chỉ với số lượng hạn chế, các vụ phá sản chắc chắc sẽ xảy ra. Tuy nhiên, theo ông Pearce, IATA không có số liệu chính xác về số lượng các công ty sẽ phá sản. "Nếu không có sự cải thiện trong quá trình khởi động lại, theo đó các chuyến bay nội địa được nối lại từ tháng 6/2020 và các chuyến bay quốc tế tái khởi đồng vào tháng 7/2020, thì một số vụ phá sản sẽ xảy ra", ông Brian Pearce nói thêm.
Theo IATA, ngành vận tải hàng không đã bị tê liệt do các nước đóng cửa biên giới, qua đó cản trở các hoạt động đi lại kể từ đầu tháng 3/2020 ở hầu hết mọi nơi trên thế giới. IATA cho rằng ngành này không thể trở lại mức trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát cho đến trước năm 2023./.
Theo TTXVN