(CMO) Những chiến công vang dội, tinh thần yêu nước của vị anh hùng áo vải Nguyễn Trung Trực đã được sử sách chứng ghi, được người dân tôn thờ. Kể từ thời điểm giặc Pháp đưa ông ra pháp trường xử tử, người dân đã âm thầm thờ cúng ông và tục lệ này được duy trì đến ngày hôm nay. Trong tâm thức của người dân, cụ Nguyễn đã hoá thần và trách nhiệm của hậu thế phải trân trọng, tri ân.
Năm 1868, giặc Pháp đưa Anh hùng Nguyễn Trung Trực ra pháp trường (nằm ở vị trí Bưu điện TP Rạch Giá ngày nay) xử tử sau hàng loạt cuộc tấn công vào đồn địch của ông cùng nghĩa quân. Sự hy sinh oanh liệt của vị anh hùng đã thổi bùng ngọn lửa kháng Pháp khắp vùng Nam kỳ lục tỉnh thời bấy giờ.
Để bày tỏ lòng ngưỡng mộ với tinh thần vì dân vì nước, dù bị giặc Pháp khủng bố, ngăn cấm, nhiều người dân vẫn bí mật lập đền thờ, làm lễ giỗ và nhắc nhở đời sau phải phụng thờ, xem ông như một vị thần, một phần trong gia tiên thất tổ mà làm tốt việc khói hương, giỗ tổ.
Tại TP Rạch Giá - nơi có mộ phần và đền thờ cụ Nguyễn, vào các ngày 26-28/8 âm lịch hàng năm, lễ giỗ cụ được long trọng tổ chức, thu hút hàng triệu lượt người đến chiêm bái. Chung một tấm lòng thành kính, những dòng người nối nhau đến viếng cụ như con cháu ở xa về thăm lại ông bà, cứ thế từ sáng đến đêm vẫn không ngớt lượt người đến dâng hương trong suốt 3 ngày diễn ra lễ hội.
Lễ giỗ cụ Nguyễn Trung Trực tại TP Rạch Giá là ngày hội lớn của người dân miền Tây. |
Tại các địa phương như Long An, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu..., đều lập đền thờ cụ Nguyễn. Cụ được kính trọng gọi là ông, hoặc ông Nguyễn, được người dân của các vùng ấy xem như vị thần thành hoàng của xóm làng. Đa phần các đền thờ này đều có người chăm sóc hàng ngày, được dân trong vùng gửi gắm niềm tin vị anh hùng dân tộc sẽ phù hộ cho vùng đất ấy mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an. Tuỳ vào từng địa phương, lễ giỗ cụ Nguyễn sẽ được tổ chức vào nhiều khoảng thời gian khác nhau, những vật phẩm dâng cúng được người dân cùng nhau đóng góp, cùng với nhiều hoạt động khác như gói bánh, dệt chiếu, biểu diễn sân khấu hoá về những giai thoại chiến công của cụ Nguyễn.
Cho đến ngày nay, nhiều gia đình ở miền Tây Nam Bộ vẫn treo ảnh cụ Nguyễn thờ chung bên cạnh ông bà, gia tiên. Những lúc khó khăn người ta lại khấn vái mong ông phù hộ, bảo vệ, lúc làm ăn thuận lợi thì thắp nén nhang, làm cỗ trả lễ. Dù làm bất cứ ngành, nghề gì người dân vẫn xem cụ như chỗ dựa tinh thần. Không chỉ giới hạn trong việc sinh hoạt tín ngưỡng của một gia đình, tục thờ cụ Nguyễn tại gia từ lâu đã có sức lan toả rộng trong cộng đồng dân cư và có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tinh thần của người dân Nam Bộ. Không chỉ thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân những anh hùng bảo vệ độc lập dân tộc, tín ngưỡng đó còn thể hiện trách nhiệm của các thế hệ cháu con đối với các bậc tiền nhân./.
Hữu Nghĩa