Học sinh Trường THPT Thới Bình hào hứng với chuyên đề “Giáo dục & Tri thức” trên Báo Cà Mau.
Phát hành số đầu tiên vào ngày 20/11/2014, đến nay chuyên đề “Giáo dục & Tri thức” trên Báo Cà Mau gần 1 tuổi, đã khẳng định được vị trí trong lòng bạn đọc, nhất là nhà giáo, học sinh, sinh viên. Phát hành vào thứ Tư hằng tuần, chuyên đề “Giáo dục & Tri thức” có sự đan cài, xen kẽ vừa phản ánh, thông tin, kết hợp với những bài viết phân tích, đánh giá, thể hiện những khoảnh khắc, cái nhìn, sự chiêm nghiệm về lĩnh vực giáo dục qua những “Góc nhìn sự kiện”, “Trên đường phát triển”, “Chia sẻ kinh nghiệm”, “Ngưỡng cửa vào đời”…
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, rất nhiều nhà giáo, học sinh, sinh viên, nhất là ở các xã, huyện vùng sâu, vùng xa chưa có điều kiện tiếp cận được với những thông tin hữu ích mà báo mang lại. Cô Lê Minh Huệ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thới Bình, cho rằng, do nhiều trường học chưa chú trọng, quan tâm đến việc phát động phong trào đọc báo trong nhà trường. Công tác phát hành báo chí về trường học gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều trường ở xa trung tâm huyện, mỗi kỳ báo ra phải vài ngày sau, thậm chí cả tuần sau báo mới về được trường. Như vậy, những thông tin “nóng” của báo không kịp thời đến được với học sinh và giáo viên.
Học sinh Trường THPT Thới Bình hào hứng với chuyên đề “Giáo dục & Tri thức” trên Báo Cà Mau.
Bên cạnh đó, việc sinh hoạt, tổ chức các hoạt động báo chí trong trường học chưa có nhiều hình thức đa dạng, phong phú nên chưa cuốn hút được học sinh, sinh viên tham gia; chủ yếu dừng lại ở việc cấp phát báo cho học sinh các lớp mỗi kỳ báo phát hành hay đọc phát thanh, cắt dán những bài viết hay ở bảng tin Ðoàn… chứ chưa có nhiều trường tổ chức sâu rộng để giáo viên, học sinh, sinh viên tham gia viết bài cộng tác với chuyên đề “Giáo dục & Tri thức”. Trong khi đó, chuyên đề “Giáo dục & Tri thức” trên Báo Cà Mau là diễn đàn giáo dục, chủ yếu đăng tải bài viết của nhà giáo, học sinh, sinh viên nhưng số lượng bài viết của đối tượng này lại chưa đáp ứng được yêu cầu.
Thầy Lê Huy Hân, Bí thư Ðoàn Trường THPT Lê Công Nhân, cho biết: “Nhà trường cũng đã tổ chức phát động học sinh, giáo viên viết tin, bài cộng tác với chuyên đề “Giáo dục & Tri thức” trên Báo Cà Mau. Thế nhưng, công tác này chưa đem lại hiệu quả bởi công việc giảng dạy chiếm phần lớn thời gian của giáo viên nên không có điều kiện để hướng dẫn kỹ năng viết cho học sinh hay biên tập tin, bài của các em để gửi cộng tác. Do đó, hoạt động báo chí ở nhà trường chưa thu hút được nhiều học sinh tham gia”.
Ðể chuyên đề “Giáo dục & Tri thức” trên Báo Cà Mau đến với đông đảo học sinh, sinh viên, nhà giáo, theo cô Huệ, cần có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo, các tổ chức đoàn thể trong trường học. Ðặc biệt, cần đa dạng các hình thức tổ chức sinh hoạt báo chí sôi nổi, hấp dẫn. Nên đưa nội dung sinh hoạt báo chí vào các buổi sinh hoạt 15 phút đầu giờ hằng tuần, các hoạt động ngoại khoá và xem đây là nội dung bắt buộc gắn liền với thi đua. Mỗi lớp cần chuẩn bị nơi để báo, làm sao cho tất cả các thành viên trong lớp có thể tranh thủ đọc bất cứ lúc nào. Hiệu quả nhất là nên tổ chức phát động phong trào đọc - viết cộng tác với báo để vừa giúp các em nắm bắt được thông tin, vừa rèn luyện cho các em kỹ năng viết, quan sát hiện tượng cuộc sống…
Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa Báo Cà Mau với Sở GD&ÐT trong việc đưa chuyên đề “Giáo dục & Tri thức” về trường học cần chặt chẽ hơn nữa. Từng tháng, từng quý các trường cần báo cáo cụ thể tình hình mua, tổ chức sinh hoạt báo chí cho học sinh… để có biện pháp chỉ đạo kịp thời. Biểu dương, khen thưởng đối với các trường thực hiện tốt việc mua, sinh hoạt báo chí cho học sinh hiệu quả… Ðồng thời, cần có biện pháp rút ngắn thời gian chuyển phát báo đến với giáo viên, học sinh ở những trường cách xa trung tâm./.