【xem tỷ số giải ngoại hạng anh】Nạn hít keo đeo bám trẻ lang thang
(CMO) Tại Công viên Hồng Bàng, ngay trung tâm TP Cà Mau, sẽ không khó bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ lang thang, vừa đi vừa kê mặt vào chiếc túi ni-lông. Những người buôn bán tại đây đều biết rằng, đó chính là những đứa trẻ nghiện hít keo. Chúng có mặt ở đây nhiều năm rồi, nhưng đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa có hướng giải quyết.
Sau hơn 1 giờ chờ đợi, khoảng 9 giờ tối, chúng tôi bắt gặp 2 đứa trẻ lang thang đang hít keo. Bộ dạng thẫn thờ, vừa đi vừa cầm bịt ni-lông kê lên mũi hít, giống như người bệnh cầm bình ôxy để thở. Khi đến những chỗ đông người, chúng cho bịt keo vào trong túi, đứng khoanh tay để xin tiền, ánh mắt lúc nào cũng láo liên, vẻ mặt đờ đẫn, chỉ nói đúng một câu: “Cho con xin mấy ngàn đi cô, chú”, rồi im lặng, sau đó bỏ đi.
Gia cảnh đáng thương
Dõi theo chúng một vòng tại Công viên Hồng Bàng, bất ngờ chúng phát hiện ra chúng tôi. Cứ tưởng bọn trẻ sẽ bỏ đi, nhưng chúng lại tự nhiên tiến đến gần. “Chú chụp hình tụi con hả?”, đứa lớn nhanh nhảu hỏi. Sau một, hai câu làm quen, chúng đồng ý trò chuyện với chúng tôi với một điều kiện, phải cho cả hai đứa tiền để mua cơm. Đứa con gái lớn giới thiệu tên Ngọc, năm nay 14 tuổi, còn đứa nhỏ tên Tủn, 11 tuổi, hoàn cảnh gia đình ly tán nên chúng bỏ ra đường lang thang.
Tủn và Ngọc thản nhiên ngồi hít keo tại Công viên Hồng Bàng. |
Mở đầu câu chuyện, Tủn nói: “Em hít keo được mấy tháng rồi, sáng 1 chai, chiều 2 chai”. Thằng nhóc vừa nói vừa xoè bàn tay ra đếm, trạng thái mơ hồ, dường như chúng không kiểm soát được lời nói của mình. Mượn bọc ni-lông có đổ keo trong ấy để xem, vừa cầm lên tay, mùi keo nồng nặc xộc lên đến khó thở.
“Một ngày mấy chai, tiền đâu tụi con mua, chẳng lẽ xin được tiền rồi không cần ăn cơm mà để mua keo hít?” - tôi hỏi. Hai đứa vẫn ậm ờ, có lẽ do dùng keo một thời gian khá dài nên bây giờ chúng bị ảnh hưởng ít nhiều, đứa lớn 14 tuổi mà vóc dáng chỉ bằng đứa trẻ chỉ 7-8 tuổi. “Có ăn cơm, mua cơm rồi mới mua keo để hít!”, vẫn là câu nói chỏng chơ sau một thời gian suy nghĩ.
Hầu hết trẻ hít keo đều có hoàn cảnh giống nhau, đó là gia đình ly tán, cha hoặc mẹ đi tù, hoặc có đứa mồ côi cả cha lẫn mẹ. Người thân còn lại của chúng là những người lao động chân tay, người thì đi ăn xin, người gom nhặt ve chai, bọn nhóc nói họ không cần chúng nữa, do đã có người đi "bước nữa". Bị bỏ rơi, không nơi nương tựa nên bọn trẻ tụm lại tham gia vào nhóm hít thứ keo độc hại này.
Đang nói chuyện thì Tủn đứng dậy bỏ đi vào bụi cây gần đó, thoáng nhìn theo thấy nó lấy cái bọc ni-lông ra, chắc là tới giờ phải hít rồi. Anh bạn tôi hỏi Ngọc: “Nếu cho tụi con chỗ ở, cho cơm ăn, áo đẹp, tụi con có muốn không?”. Dường như biết chúng tôi nói đến trung tâm dành cho trẻ em cơ nhỡ nên Ngọc lắc đầu nguầy nguậy, giọng như giận dỗi: “Không, không vào đó đâu”.
Thầm đoán ra, tụi nhỏ nãy giờ không được hít keo nên tâm trạng trở nên khó chịu. Biết vậy nên chúng tôi giả vờ tạm biệt đám nhóc, đợi chúng đi xa dần, bắt đầu theo dõi từ xa, mục đích là tìm hiểu nơi bọn trẻ ngủ và sinh hoạt sau khi đi xin về. Nhưng bọn trẻ tinh ranh đã nhanh chóng phóng lên xe ôm ngay trước cổng Bưu điện Cà Mau, chiếc xe lao đi với tốc độ rất nhanh không thể đuổi theo kịp.
Khó dứt được... keo
Anh Hà Nhật Tính, Phó Bí thư Đoàn phường 9, cho biết: “Tôi đã nhiều lần cùng lực lượng chức năng của phường tham gia các đợt vận động, không đếm hết những lần mời chúng lên trụ sở để làm việc nhưng dường như chẳng khuyên can gì được bọn trẻ này”.
Có những lần bắt quả tang đám nhóc này đi trộm vặt, nhưng lực lượng chức năng mời về phường lập biên bản xong rồi cũng thôi, vì hiện tại chúng chẳng biết sợ là gì, nhất là những đứa lớn tuổi, gan lì. Không khó khăn tìm gặp chúng tại con hẻm Đập Lớn, khu vực giáp ranh Phường 4 và Phường 9, cũng là nơi tụ tập của bọn trẻ. Bước chân tới đầu hẻm, có thể thấy được vỏ những chai “keo chó” vứt lung tung, đi vào khoảng 5-10 m thì đây giống như “đại bản doanh” của nhóm hít keo, nằm dọc theo hàng ba trong hẻm, bọn trẻ ngủ ngon lành không biết trời trăng gì, chẳng ai biết được đêm hôm qua chúng đã đi đâu.
Bà T, buôn bán ngay đầu hẻm Đập Lớn, chứng kiến cảnh ăn ngủ của bọn trẻ hằng ngày, bức xúc: “Không phải đứa nào cũng mồ côi cha mẹ hay dân bụi đời hết đâu, có những đứa cha mẹ đến tận nơi bắt về, nhưng chỉ được vài hôm lại thấy chúng quay lại. Mới mấy bữa trước, Công an Phường 4 đến đây dẫn tụi nó về phường, nhưng rồi đâu lại vào đấy”.
Không riêng bà T, rất nhiều người dân bức xúc chẳng hiểu vì sao lực lượng chức năng qua nhiều năm rồi cũng không thể giải quyết triệt để vấn nạn này. Bọn trẻ đang chết dần, chết mòn vì chất gây nghiện cực độc kia trong thời gian dài nhưng chưa được cơ quan chức năng xử lý.
Thời gian qua, có nhiều đối tượng lớn tuổi dẫn dắt những trẻ nhỏ tuổi lang thang (dưới 15 tuổi) tham gia vào nhóm hít keo, đồng thời tổ chức trộm cắp vặt. Mong các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, tránh để những hậu quả đáng tiếc xảy ra với các em.
Khánh Phương
Bà Bùi Lệ Oanh, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau, cho biết: “Đã nhiều năm nay, chúng tôi ra quân, tập trung những đứa trẻ này về mái ấm tình thương, nhưng cũng chỉ được vài ngày thì các em lại trốn ra. Có động viên, khuyên nhủ nhưng vẫn chưa đủ, số ít em trên 15 tuổi có thể đưa đến trại giáo dưỡng, nhưng những em nhỏ hơn chỉ có thể giao cho gia đình quản lý hoặc gửi vào trung tâm bảo trợ xã hội”. |