815 triệu USD được cam kết rót vào lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo | |
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT: Đưa hàng tỷ USD đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo | |
Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và tận dụng thời cơ để bứt phá từ đại dịch |
Toạ đàm “Định hướng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo sau đại dịch Covid-19”. Ảnh: H.Dịu |
Ngày 27/11, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Ngày hội Đổi mới Sáng tạo Techfest Việt Nam 2020, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Toạ đàm đối thoại chính sách “Định hướng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo sau đại dịch Covid-19”.
Phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS. Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Nếu như năm 2012, Việt Nam có khoảng 400 công ty khởi nghiệp thì đến năm 2019, cả nước có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo với các lĩnh vực như: công nghệ, thương mại điện tử, công nghệ giáo dục, công nghệ nông nghiệp, công nghệ tài chính, công nghệ y tế và du lịch.
Cũng về vấn đề này, TS. Chử Đức Hoàng, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF) cho biết, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam về cơ bản đã tương đối hoàn chỉnh cả về khung pháp lý, cơ sở hạ tầng và chính sách. Trong đó, Chính phủ cũng đã ban hành các nghị quyết, nghị định để thúc đẩy, hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp như về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ, bảo lãnh tín dụng...
Đặc biệt, theo các chuyên gia, nguồn vốn cho khởi nghiệp sáng tạo ngày càng đa dạng, bao gồm nhiều loại hình: quỹ đầu tư, nhà đầu tư thiên thần, nguồn vốn từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, nguồn ưu đãi tín dụng…
Nhờ đó, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam trong năm qua đã được xếp hạng vào Top 100 hệ sinh thái sáng tạo mới nổi trên thế giới, trong đó Việt Nam đứng vào vị trí khoảng 71-80.
Tuy nhiên, năm 2020, kinh tế thế giới không thể đoán định được những thay đổi do tác động của đại dịch Covid-19, trong đó có Việt Nam và các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam.
Theo ông Trần Trí Dũng, chuyên gia của Chương trình Khởi nghiệp Thụy Sỹ (Swiss EP), cộng đồng khởi nghiệp vẫn luôn phải đứng trước nhiều rủi ro về sự sai lệch giữa thực tế với kế hoạch cũng như bất trắc khó lường. Hơn nữa, đại dịch cũng khiến tâm lý nhà đầu tư có nhiều thay đổi, giao thương quốc tế khó khăn khiến nhà đầu tư và dự án khởi nghiệp khó gặp nhau, dẫn đến các quyết định đầu tư sẽ mất nhiều thời gian hơn…
Mặc dù vậy, bên cạnh khó khăn, PGS. TS. Trần Thọ Đạt cho rằng, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam cũng có những cơ hội và đón nhận những dấu hiệu tích cực nhờ những thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19 cũng như thuận lợi nhờ xu hướng biến dịch về địa chính trị, địa kinh tế trên thế giới.
Ông Trần Trí Dũng nhận định, Covid-19 là cơ hội để các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng lọc và gắn kết đội ngũ nhân sự. Nhưng bên cạnh đó, những nhà sáng lập cũng phải lên phương án thích ứng, phát triển, sáng tạo sản phẩm, đổi mới mô hình kinh doanh phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Vị này cùng đề nghị, để hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp vượt qua “cơn bão” Covid-19, các chính sách hỗ trợ cần nhiều hơn và chủ động hơn, cần độ trễ trong việc thiết kế chính sách, xây dựng đối thoại công – tư để hiểu nhu cầu của doanh nghiệp khởi nghiệp, nhà đầu tư…