Ngày 13-10 hàng năm được chọn là ngày Doanh nhân Việt Nam,ếPhạmChiLanDoanhnghiệpViệtNamđđủlớnđủtrưởkq dua nhằm khuyến khích và tôn vinh vai trò của những doanh nhân với đất nước, với Nhân dân. Hành trình 20 năm qua (13/10/2004 - 13/10/2024) là một bức tranh nhiều màu sắc có hạnh phúc pha lẫn nhọc nhằn, nỗ lực của mỗi doanh nhân trên khắp cả nước. Nhân dịp này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan (ảnh), nguyên Phó Chủ tịch VCCI, nguyên thành viên Tổ tư vấn Thủ tướng Phan Văn Khải đã có những chia sẻ và gửi gắm niềm tin với các doanh nghiệp, doanh nhân cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng. Thời gian qua, đội ngũ doanh nhân đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, ngày càng khẳng định vai trò, đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nhân vẫn còn lắm khó khăn. Quan điểm của bà như thế nào ? - Qua quá trình theo dõi và đồng hành cùng các doanh nhân Việt Nam trong suốt thời gian phát triển của họ thì tôi thấy số phận của họ “3 chìm, 7 nổi, 9 lênh đênh”. Tuy nhiên, người Việt Nam có tinh thần kinh doanh bất diệt, trong bất cứ hoàn cảnh nào họ vẫn có thể làm được. Đó là tinh thần kinh doanh rất quả cảm. Thứ hai, họ rất sáng tạo. Thứ ba, họ biết cách liên kết, hợp tác, kết nối với nhau để chung tay làm. Thứ tư, tinh thần vì cộng đồng. Đó là những phẩm chất tuyệt vời của những người làm doanh nhân ở nước ta. Trong thời đại hiện nay thì rõ ràng là doanh nhân còn vất vả hơn nhiều, doanh nhân phải bươn chải với sóng gió của thị trường. Mấy năm gần đây, số doanh nghiệp thành lập mới thấp hơn số doanh nghiệp ngưng hoạt động hoặc giải thể. Nguyên nhân do những vấn đề môi trường kinh doanh trong nước và môi trường bên ngoài. Trong nước thì “thể chế nào doanh nghiệp nấy. Chừng nào thể chế chưa thật hoàn thiện để tạo môi trường kinh doanh tốt đẹp thì chúng ta chưa thể có những doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ như chúng ta mong muốn được”. Cho nên nếu muốn cho đội ngũ doanh nhân thật mạnh thì cũng rất cần đổi mới liên tục về mặt thể chế để nâng cấp lên. Như bà vừa phân tích thì cải cách thể chế đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các doanh nhân, doanh nghiệp phát triển ? - Tất cả các doanh nhân đang tham gia hoạt động trên thương trường có những thách thức vô cùng to lớn vì sự cạnh tranh trên toàn cầu diễn ra chưa bao giờ gay gắt như thế này. Và ngay cả những người chỉ kinh doanh trên đất Việt Nam cũng đang phải cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài vào làm ở Việt Nam. Lâu nay, các cơ hội đó được các nhà đầu tư nước ngoài khai thác rất nhiều, các doanh nghiệp Việt Nam chưa có nhiều cơ hội để khai thác. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc đổi mới liên tục về mặt thể chế để nâng cấp lên lại càng cần thiết, vì chúng ta cạnh tranh trên thương trường không phải chỉ các doanh nghiệp, doanh nhân đi ra cạnh tranh trên thương trường. Nhà nước Việt Nam phải cạnh tranh về mặt thể chế với các nước khác để tạo môi trường tốt hơn thì mới thu hút được đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, có thêm những hiệp định mới với các nước, doanh nghiệp của mình mới ra được thị trường, sản phẩm của mình mới đi ra được các thị trường khác nhau. Trong suốt những năm vừa qua, chúng ta có thành tựu rất lớn về xuất khẩu, nhưng 75% xuất khẩu của Việt Nam là do các nhà đầu tư nước ngoài làm. Phần của người Việt Nam làm được mới chỉ là 25%. Trong phát triển công nghiệp hơn 50% công nghiệp chế tạo là nằm trong tay các nhà đầu tư nước ngoài. Chúng ta phải có thể chế đủ tốt, ít nhất là tương tự những cái chúng ta đã cho nhà đầu tư nước ngoài để các doanh nghiệp Việt có được những ưu đãi, như vậy họ phát triển thì mới tăng dần tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp Việt Nam vào nền kinh tế, mới có một nền kinh tế Việt Nam thịnh vượng như Bác Hồ gọi là “kinh tế tài chính vững vàng, thịnh vượng”. Cuối tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Theo bà, điều này sẽ tác động như thế nào đến hoạt động của các doanh nhân ? - Điều tôi rất mừng là trong thời gian gần đây, Thủ tướng Chính phủ có mời các doanh nghiệp lớn, lần đầu tiên, Thủ tướng chính thức đưa ra lời chào mời đối với các doanh nhân lớn hãy tham gia vào các dự án lớn của đất nước. Những dự án đó, thông thường, Chính phủ chỉ mời các doanh nghiệp nhà nước và các nhà đầu tư nước ngoài, rất ít khi nghĩ đến khu vực tư nhân Việt Nam có khả năng làm. Thủ tướng Chính phủ mời như vậy, tôi nghĩ đây là một cái chuyện quý. Bây giờ, doanh nghiệp Việt Nam đã đủ lớn, đủ trưởng thành để có thể làm được những việc lớn. Đây sẽ là cơ hội để cho các doanh nhân Việt Nam có thêm sự tự tin và niềm tin Chính phủ sẽ tạo điều kiện, sẽ tạo một môi trường tốt đẹp để cho mình có thể tham gia và lớn lên. Và không chỉ là những doanh nhân được mời hôm đó đâu, mà lời mời đó tôi hiểu là cho cộng đồng doanh nghiệp. Vì các doanh nhân lớn họ cũng biết rõ họ muốn làm việc gì, họ phải kết hợp, hợp tác trung bình hoặc quy mô nhỏ hơn, cùng nhau cộng tác trong một mạng lưới. Chứ còn đơn độc một mình doanh nghiệp thì không ai làm nổi bất cứ một việc gì. Nhiều doanh nghiệp chọn Hậu Giang để đầu tư. Với những cơ hội cũng như tạo điều kiện của Chính phủ cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân như hiện nay thì bà có những chia sẻ gì với họ, đặc biệt là những doanh nhân kế thừa, những doanh nhân thế hệ trẻ ? - Tôi không ước ao gì hơn được thấy cải thiện của chúng ta càng ngày càng tốt hơn. Các doanh nhân phát huy được hết tài năng, trí tuệ của mình. Đặc biệt trong thời đại hiện nay, đối với doanh nghiệp, doanh nhân, phải là công nghệ. Công nghệ phải qua tay những người được đào tạo tốt, được tạo điều kiện tốt để phát huy. Còn thử thách thì rất nhiều nhưng chừng nào mà doanh nhân Việt Nam vẫn còn giữ những tố chất rất cơ bản của mình về tinh thần doanh nghiệp của người Việt Nam, sự dũng cảm trong lao vào kinh doanh chấp nhận rủi ro và sự sáng tạo trong công việc của mình thì đều có thể vượt qua. Thời nay, thời của công nghệ, đổi mới, sáng tạo, có nhiều cơ hội, những cái mới có thể đưa vào để sáng tạo hơn trong đơn vị của mình, biết liên kết với nhau, hợp tác với nhau. Tôi rất vui thấy các doanh nghiệp ngày càng tăng cường ý thức hợp tác, liên kết hơn rất nhiều chứ không phải chỉ tham gia hiệp hội. Có trách nhiệm chung với cộng đồng xã hội, môi trường, đất nước với sự phát triển chung thì chắc chắn các doanh nghiệp sẽ phát triển và thành công được. Còn với các Hiệp hội, rất mong các Hiệp hội vừa phát huy vai trò là đơn vị tập hợp, kết nối, tạo sự hợp tác giữa các đơn vị với nhau. Đồng thời, cũng là những đơn vị cùng nhau bền bỉ, lên tiếng tiếp để đóng góp giúp cho nhà nước tạo môi trường kinh doanh tốt hơn cho các doanh nghiệp phát triển. Chặng đường tới còn nhiều gian lao, thử thách đối với doanh nhân Việt Nam, nhưng tôi có niềm tin vô cùng to lớn với giới doanh nhân hiện nay, vì bên cạnh những người đã chèo chống bao nhiêu năm nay thì chúng ta đang có lực lượng doanh nhân trẻ đầy khả năng học hỏi, sáng tạo, có tinh thần dám nghĩ, dám làm không kém gì những người đi trước nhưng lại có điều kiện học tập tốt hơn để học hỏi, tiếp cận những cái mới, ứng dụng công nghệ mới để có thể chiến đấu trên thương trường, đóng góp cho sự phát triển kinh tế của đất nước trong tương lai. Xin cảm ơn bà ! MỘNG TOÀN thực hiện |