Trong các danh sách được công bố lần này, nhiều cái tên được vinh danh trong năm 2020 tiếp tục được bình chọn trong năm 2021 như: Công ty CP Dược Hậu Giang; Công ty CP Traphaco, Công ty CP Pymepharco, Công ty CP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco, Công ty CP Dược phẩm Imexpharm, Công ty CP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định… (Top 10 Công ty sản xuất dược phẩm uy tín năm 2021); Công ty CP Dược liệu Trung ương 2, Tổng công ty Dược Việt Nam – CTCP, Công ty CP Dược phẩm Thiết bị Y tế Hà Nội, Công ty CP Dược phẩm Trung ương CPC1, Công ty CP Dược - Thiết bị Y tế Đà Nẵng… (Top 10 Công ty phân phối, kinh doanh dược phẩm; trang thiết bị, vật tư y tế Việt Nam uy tín năm 2021); Công ty CP Traphaco, Công ty CP Dược phẩm OPC, Công ty CP Dược phẩm Nam Hà, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Dược phẩm Tâm Bình,…. (Top 5 Công ty Đông dược Việt Nam uy tín năm 2021). Đáng chú ý, trong hạng mục thứ 2 về Top 10 Công ty phân phối, kinh doanh dược phẩm; trang thiết bị, vật tư y tế Việt Nam uy tín năm 2021, đứng đầu top này lại là một “tân binh” (Công ty CP Vacxin Việt Nam), còn quán quân của vị trí này năm 2020 lại “biến mất” không dấu vết trong bảng xếp hạng (Công ty CP Y dược phẩm Vimedimex). Trong hạng mục thứ 3 về Top 5 Công ty Đông dược Việt Nam uy tín năm 2021, Công ty TNHH Nhất Nhất đã thay thế cho cái tên Công ty TNHH Dược phẩm Hoa Linh (năm 2020). Sự thay đổi này cho thấy doanh nghiệp nào có sự thích ứng linh hoạt với diễn biến của dịch Covid-19 sẽ nhận được sự quan tâm lớn của người tiêu dùng. Đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu đã khiến cả thế giới nhận ra tầm quan trọng hàng đầu của việc chăm sóc sức khỏe và ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe theo những cách chưa từng có trong tiền lệ. Một mặt, nó nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngành Dược phẩm và các loại thuốc cải tiến trong việc đảm bảo an toàn và an ninh toàn cầu. Mặt khác, nó cũng bộc lộ những lỗ hổng trong nền kinh tế toàn cầu, bao gồm cả các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Trước tác động của đại dịch, ngành Dược gặp không ít khó khăn khi đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nguyên liệu và vận chuyển tăng cao, sự thay đổi thói quen, nhu cầu sử dụng thuốc cùng với đó là các quy định phòng chống dịch bệnh siết chặt của Chính phủ, người dân hạn chế đến các cơ sở điều trị bệnh,... thị trường dược phẩm bị trì trệ nặng nề. Kết quả khảo sát của Vietnam Report thực hiện trong tháng 11/2021 với các doanh nghiệp dược về tác động của Covid-19 đến ngành Dược trong năm 2021 cho thấy, 57,14% doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh doanh xấu đi một chút; 14,29% doanh nghiệp đánh giá không bị ảnh hưởng và chỉ có 7,14% doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh doanh tốt hơn một chút. Trong làn sóng Covid-19 lần thứ tư, khi mà nhiều tỉnh, thành phải thực hiện giãn cách xã hội, có nhiều doanh nghiệp vẫn đạt công suất từ 100%-120%, thậm chí gần 140%, nhưng có những doanh nghiệp lại có kết quả kinh doanh thụt lùi, do phải đóng cửa, tạm ngưng sản xuất và công suất chỉ đạt từ 60%-80%. Các doanh nghiệp vẫn hoạt động tốt cho rằng, cứu cánh của họ chính là yếu tố nội tại, tốc độ ứng phó và sự thích ứng, trong đó, việc áp dụng kỹ thuật số hóa giúp doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động, nhân viên của họ vẫn làm việc từ các địa điểm xa, còn công ty vẫn có thể truy cập dữ liệu đã phân loại để diều hành; bên cạnh đó là công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm; tiềm lực tài chính của doanh nghiệp; khả năng quản lý rủi ro trong doanh nghiệp; sự tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ và cải tiến quy trình vận hành; hoạt động marketing … Đánh giá về tiềm năng tăng trưởng năm 2022 của ngành Dược, các chuyên gia và doanh nghiệp đều cho rằng khả năng kiểm soát dịch bệnh vẫn là yếu tố hàng đầu. Mặc dù dịch bệnh hiện nay đang diễn biến phức tạp, xuất hiện thêm những chủng mới nhưng với việc Chính phủ thúc đẩy hoàn thành bao phủ vắc xin vào cuối năm 2021, bổ sung gói kích thích kinh tế mới, chuyển chiến lược từ "Zero Covid" sang “sống chung an toàn với dịch” theo Nghị quyết 128/NQ-CP sẽ giúp cho nền kinh tế nói chung và ngành dược nói riêng phục hồi và tạo đà tăng trưởng trong năm 2022. Các chuyên gia và doanh nghiệp đều đánh giá triển vọng tăng trưởng của ngành Dược trong năm 2022 sẽ có nhiều tín hiệu tích cực hơn so với năm 2021. Nếu như kết quả khảo sát trong năm 2021 được đánh giá là khó có những đột phá, phân hóa giữa các doanh nghiệp, thì kết quả khảo sát năm 2022 đã nổi bật, tích cực hơn so với năm 2021 với 62,5% chuyên gia và doanh nghiệp đánh giá tăng trưởng khả quan, tốt hơn một chút, 12,5% lựa chọn tăng trưởng mạnh, tốt hơn nhiều và chỉ có 6,25% đánh giá tăng trưởng sẽ thấp hơn một chút so với năm 2021. |