游客发表
发帖时间:2025-01-10 14:56:31
Gánh nặng hơn 4 triệu người hưởng lương
Tại Chương trình tiết kiệm, chống lãng phí vừa được ban hành, Chính phủ đã yêu cầu trong năm 2018 cả nước sẽ phấn đấu giảm khoảng 2,5% số đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL); giảm 1,7% biên chế công chức; 2,5% biên chế sự nghiệp so với số giao năm 2015.
Sở dĩ, câu chuyện tinh giản biên chế trở thành vấn đề nóng, được Chính phủ đẩy mạnh như vậy bởi hiện nay, không kể công an, quân đội, hiện cả nước có khoảng 4 triệu người hưởng lương và các khoản phụ cấp có tính chất như lương, trong đó có khoảng 2,5 triệu viên chức đang làm việc tại 58.000 ĐVSNCL. Từng kiến nghị trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, trong bối cảnh ngân sách khó khăn, không còn cách nào khác là phải tiết kiệm chi, đẩy mạnh khoán chi thường xuyên và sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Nếu không tinh giản biên chế, thì không thể cơ cấu lại ngân sách.
Theo nhiều chuyên gia, tiết kiệm chi tiêu từ tinh gọn bộ máy trong thời gian vừa qua là việc làm ý nghĩa, nhất là trong nhiều năm qua, mục tiêu cải tiến tiền lương không thực hiện được, cũng không cải cách được. Chừng nào chưa cải cách bộ máy, chưa tinh giản biên chế, thì không thể cải cách tiền lương. Tiết kiệm ngân sách có thể được triển khai tích cực hơn nữa nếu việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế được triển khai đồng bộ và quyết liệt hơn.
Theo ông Đinh Duy Hòa, chuyên viên cao cấp, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ, để giải quyết bài toán tinh giản biên chế, phải phân tích dưới những góc độ khác nhau. Dưới góc độ công ăn việc làm, đã là người thuộc diện tinh giản biên chế tức là Nhà nước nói chung, từng cơ quan Nhà nước nói riêng đã tính hết các khả năng để lưu lại, giữ lại người đó trong cơ quan, tổ chức nhà nước để tiếp tục làm việc nhưng không thành, buộc phải đưa ra khỏi bộ máy. Vấn đề này được quy định rất rõ trong khoản 2 Điều 3 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế. Tiếp theo là dưới góc độ chính sách, tức là giải quyết chính sách cho người lao động dôi dư. Những chính sách này được quy định trong Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, trong đó đáng chú ý là chính sách về hưu trước tuổi, chính sách thôi việc.
“Cần nhấn mạnh ý nghĩa của các chính sách này là ở chỗ Nhà nước chấp nhận chi một khoản tiền khá lớn để tạo một số thuận lợi bước đầu nhằm động viên những người thuộc diện dôi dư khi ra khỏi bộ máy và tìm kiếm việc làm thích hợp nếu muốn. Điều này thể hiện tính nhân văn của Nhà nước ta”, ông Đinh Duy Hòa nhận xét.
Đổi mới cơ chế xác định và giao biên chế
Để tinh giản biên chế hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng trước hết cần quản lý cán bộ công chức, viên chức theo vị trí việc làm. Việc này không thể chỉ chung chung mà phải làm rõ ràng, rành mạch.
Theo ông Đinh Duy Hòa, cần đánh giá đúng, thực chất cán bộ công chức, viên chức. Muốn thế, trước hết phải đổi mới cách đánh giá để tránh tình trạng đánh giá chung chung. Đánh giá cần đặt trọng tâm vào kết quả làm việc của công chức hàng tháng, có các tiêu chí rõ ràng. Mặt khác, người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải có bản lĩnh dám chịu trách nhiệm trong đánh giá công chức, có như vậy mới tránh được việc đánh giá qua loa, hình thức.
“Kinh nghiệm cho thấy đây không phải là vấn đề dễ khắc phục. Cơ chế lấy phiếu tín nhiệm vào quy hoạch công chức lãnh đạo, lấy phiếu tín nhiệm khi bổ nhiệm mới, bổ nhiệm lại... đang ảnh hưởng ít nhiều tới trách nhiệm người đứng đầu trong đánh giá công chức và gắn liền là xác định người phải tinh giản biên chế. Dĩ hòa vi quý, hình thức, ai cũng tốt cả đang là tương đối phổ biến trong đánh giá công chức cuối năm ở các cơ quan công quyền”, ông Đinh Duy Hòa thừa nhận.
Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính cũng nhận định, để quản lý biên chế, Nhà nước chỉ giao biên chế đối với các ĐVSNCL có vai trò phục vụ công tác quản lý nhà nước; xác định số lượng, nhu cầu, phân loại viên chức theo vị trí việc làm. Đổi mới cơ chế xác định và giao biên chế theo hướng quản lý, giám sát chặt chẽ biên chế của các ĐVSNCL do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên…
“Trước tiên, cần hoàn thiện các quy định của pháp luật về tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các ĐVSNCL theo từng ngành, lĩnh vực. Trên cơ sở đó, sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL của từng ngành, lĩnh vực theo nguyên tắc pháp luật chuyên ngành không quy định việc thành lập tổ chức bộ máy các ĐVSNCL. Trường hợp cần thiết phải thành lập mới ĐVSNCL, đơn vị đó phải tự đảm bảo toàn bộ về tài chính (trừ trường hợp phải thành lập mới để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu)”, ông Nguyễn Trường Giang đề xuất.
Đại diện Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp cũng cho rằng, một ĐVSNCL có thể cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại nhằm giảm mạnh đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ. Cũng cần cơ cấu lại hoặc giải thể các ĐVSNCL hoạt động không hiệu quả. Cùng với đó, đẩy mạnh xã hội hóa, chuyển các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác đủ điều kiện thành công ty cổ phần.
Chừng nào chưa cải cách bộ máy, chưa tinh giản biên chế, thì không thể cải cách tiền lương. Tiết kiệm ngân sách có thể được triển khai tích cực hơn nữa nếu việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế được triển khai đồng bộ và quyết liệt hơn. |
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接