Tình hình giông,ảnhgicvớbong da ưap lốc xoáy và sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh đang diễn ra khá phức tạp, thế nhưng còn một bộ phận người dân vẫn lơ là trong việc ứng phó. Vấn đề này đặt ra nhiều thách thức trong thời gian tới.
Ngành chức năng khuyến cáo người dân cần chủ động phòng, chống thiên tai, nhất là mé hoặc đốn cây có tán cao to xung quanh nhà.
Còn sự chủ quan
Từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh liên tục có những cơn mưa to kèm theo gió mạnh, lốc xoáy đi qua làm sập và tốc mái nhiều căn nhà của người dân. Dù tình hình thiên tai diễn ra gay gắt nhưng công tác chủ động phòng, chống chưa được người dân quan tâm nhiều.
Ông Trần Thanh Lâm, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A, chia sẻ: Có lẽ từ trước đến giờ, người dân chưa từng trải qua cơn bão, lốc xoáy nào nghiêm trọng nên dù địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhưng theo quan sát thì có không ít hộ dân còn chủ quan. Cụ thể là khi đi vận động bà con mé những nhánh cây cao xung quanh để đề phòng gió lớn làm đổ ngã vô nhà nhưng bà con không làm. Khi lực lượng địa phương tiến hành mé cây giùm thì bà con đòi bồi thường nên cũng không thực hiện được. Ngoài ra, nhiều trường hợp có nhà xiêu vẹo được địa phương đề nghị chằng chống cho kiên cố thì bà con lại phớt lờ nên hậu quả là những cơn lốc xoáy đi qua địa bàn huyện gần đây đã làm cho nhiều căn nhà bị sập hoàn toàn hoặc tốc mái, gây nhiều thiệt hại về vật chất.
Ông Lê Như Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, thông tin: Theo đánh giá chung thì hiện ý thức về phòng, chống thiên tai của người dân địa phương còn rất hạn chế. Một mặt là bà con chưa bị ảnh hưởng từ đợt giông hay lốc xoáy nào lớn; mặt khác, công tác dự báo tình hình của cơ quan chức năng trong thời gian qua chưa thật sự chính xác nên sau nhiều lần ở trong tư thế sẵn sàng đón bão nhưng kết quả là không thấy gì. Do đó, giờ dự báo có bão là bà con không mấy tin tưởng nên chính quyền địa phương đang gặp khó trong công tác tuyên truyền.
Việc người dân huyện Phụng Hiệp còn chủ quan trong phòng, chống thiên tai đang đặt ra nhiều lo ngại cho ngành chức năng địa phương và tỉnh. Bởi từ đầu năm đến nay, Phụng Hiệp là một trong những địa phương thường chịu ảnh hưởng của tình hình giông, lốc xoáy và có nhiều căn nhà của người dân bị sập, tốc mái chiếm số lượng nhiều của tỉnh. Theo thống kê sơ bộ của ngành chức năng huyện, từ đầu năm đến nay, giông lốc đã làm sập và tốc mái hơn chục căn trên địa bàn huyện, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Ngoài thiên tai về giông, lốc xoáy thì tình hình sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh cũng diễn ra gay gắt, trong đó tập trung nhiều ở huyện Châu Thành, Châu Thành A và Phụng Hiệp. Dù tình hình sạt lở bờ sông đã và đang làm ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, thế nhưng nhiều bà con tuy có lo lắng nhưng chưa chịu di dời đến nơi ở an toàn theo khuyến cáo của chính quyền địa phương mà vẫn còn bám trụ ở lại nên nguy cơ ảnh hưởng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Ông Tống Hoàng Khôi, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, cho hay: Tình hình sạt lở bờ sông trên địa bàn huyện từ đầu năm đến nay diễn ra nhiều và mức độ ảnh hưởng lớn hơn so với những năm trước. Hiện tại, đã ghi nhận 17 điểm sạt lở, ước thiệt hại trên 800 triệu đồng. Ngoài ra, địa phương cũng ghi nhận có 49 điểm nằm trong tình trạng nguy cơ sạt lở cao. Thế nhưng, khi tiến hành vận động bà con ở những khu vực sạt lở và nguy cơ sạt lở cao cần di dời đến nơi ở an toàn thì gặp nhiều khó khăn, bà con không chịu đi mà muốn bám trụ lại với ngôi nhà và mảnh vườn của mình nên đặt ra không ít lo ngại cho địa phương.
Cần có giải pháp hữu hiệu
Trước thực trạng ý thức chưa cao của một bộ phận người dân về tác động nguy hiểm của thiên tai trong quá trình sản xuất, sinh hoạt, đồng thời thiếu tính chủ động và kỹ năng ứng phó nên khả năng làm gia tăng rủi ro, dẫn đến thiệt hại sẽ còn rất lớn. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra trong lúc này là cần có giải pháp hữu hiệu từ các ngành, các cấp từ tỉnh đến cơ sở để có thể chủ động phòng, chống trước tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường theo chiều hướng cực đoan như hiện nay.
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh, cho rằng: Giải pháp trước tiên là các địa phương phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại, sự ảnh hưởng của thiên tai để người dân biết và nâng cao nhận thức trong chủ động phòng ngừa. Bên cạnh đó, trong quá trình tuyên truyền các địa phương cần thay đổi hình thức, nội dung sao cho người dân dễ tiếp cận, trong đó có thể chiếu những đoạn video về những thảm họa, thiệt hại do thiên tai gây ra. Khi được thấy trực tiếp như thế thì bà con sẽ lo sợ và có sự chủ động hơn. Mặt khác, chính quyền địa phương cũng cần thông tin thêm cho người dân hiểu là việc dự báo tình hình thời tiết chỉ mang tính dự báo để ngành chức năng và người dân có sự chuẩn bị trước, nếu đúng như dự báo thì chúng ta không rơi vào cảnh bị động, bất ngờ mà ứng phó hiệu quả, giảm thiệt hại; còn trường hợp không như dự báo thì chúng ta nên mừng chứ không vì thế mà mất niềm tin, tạo sự lơ là.
Ngoài thay đổi hình thức, nội dung tuyên truyền, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh còn đề xuất các địa phương nên triển khai đánh giá nhanh về chỗ ở an toàn của người dân. Việc làm này ngoài cung cấp thông tin sơ bộ về số lượng hộ gia đình có chỗ ở không an toàn, chỗ ở cần di dời khẩn cấp thông qua việc sử dụng các biểu mẫu đánh giá nhanh để tổ chức phỏng vấn, khảo sát từng hộ gia đình ở những nơi có nguy cơ cao và đưa ra đánh giá, nhận định. Đồng thời, qua đây còn là một hình thức tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác phòng, chống thiên tai, giúp người dân bước đầu có sự chủ động để bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của gia đình trước các rủi ro thiên tai, từ đó tăng cường ý thức chấp hành thực hiện các chỉ đạo, hướng dẫn của chính quyền nơi cư trú.
Bên cạnh những giải pháp trên, hiện các ngành liên quan của tỉnh cũng có những cách làm giúp người dân, cán bộ nâng cao nhận thức và trang bị những kiến thức cơ bản trong phòng, tránh thiên tai. Ông Lê Thanh Trí, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, cho hay: Đơn vị đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện công tác tập huấn cho người dân về một số kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu khi gặp sự cố do thiên tai gây ra. Nếu làm tốt công tác này sẽ giúp cho việc xử lý về sau được thuận lợi hơn cho người bị nạn. Cùng đề cao tính chủ động trong ứng phó thiên tai, bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, cho biết: Vào mùa mưa bão, sở luôn đề nghị các trường học trên địa bàn tỉnh có kế hoạch ứng phó nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, cũng như các trang thiết bị dạy học. Đặc biệt khi thông báo có bão thì phân công thêm cán bộ trực tại các trường học để xử lý khi có tình huống xấu xảy ra.
Theo dự báo của cơ quan chức năng, tình hình thời tiết năm 2018 tiếp tục diễn biến bất thường, trong đó khả năng có 2-3 cơn bão ảnh hưởng đến các tỉnh Nam bộ. Bên cạnh đó, tình hình mưa lớn, giông lốc, sạt lở, triều cường dâng cao sẽ còn diễn ra gay gắt và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân trên địa bàn tỉnh. Do đó, việc nâng cao nhận thức cho người dân để chủ động cảnh giác với thiên tai là vấn đề cấp bách trong lúc này… |
Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC