- Chị ơi, xnhận định xsmb hôm nay em chỉ đổi được một cọc tiền 200 ngàn đồng và một cọc tiền 100 ngàn đồng mới thôi. Tiền 50 ngàn đồng mới năm nay hiếm quá, em không đổi được. Chị cần thì em chia cho một nửa nhé. - Thế thì chết chị rồi em ơi. Bên nhà chồng chị, trẻ con đông như quân Nguyên, cứ 100 với 200 ngàn đồng thì tiền thưởng tết của vợ chồng chị cộng lại cũng không đủ lì xì rồi! Đó là đoạn đối thoại giữa đứa cháu họ của tôi với cô bạn là thủ quỹ của một cơ quan. Và để không phải “chết vì lì xì”, nó vội vã phóng xe đi tìm “mối” đổi tiền mới khác. Không biết tự bao giờ, cái phong tục rất đẹp - lì xì đầu năm mới lại trở thành gánh nặng đối với không ít cá nhân, gia đình, nhất là trong bối cảnh kinh tế ngày càng khó khăn do dịch bệnh, thất nghiệp, khủng hoảng việc làm như hiện nay. Với nhiều người, trong đó có cháu tôi, những phong bao đủ màu sắc, nhỏ nhắn, xinh xắn không còn là phương tiện chứa đựng tâm ý của người trao tặng, là biểu trưng của sự may mắn và hàm chứa tình cảm giữa người thân, bạn bè, đồng nghiệp nữa, mà đã trở thành áp lực, nỗi lo lắng ngay từ khi tết chưa về! Từ ý nghĩ xấu xí về “lì xì” Tục “lì xì” đầu năm mới bắt nguồn từ một câu chuyện bên Trung Quốc. Khi vào Việt Nam, nó vẫn mang ý nghĩa văn hóa, nhân văn rất đẹp. Đó là dịp để không chỉ người lớn tặng quà và mong cầu những điều tốt lành, may mắn cho trẻ nhỏ mà còn là dịp để mọi người tặng quà, tri ân ông bà, cha mẹ và những người mình yêu quý kèm theo lời chúc an lành, may mắn. Dần dà, tục lệ rất đẹp này bị nhuốm màu tiền bạc. Cả người lì xì, mừng tuổi lẫn người được nhận đều chỉ quan tâm đến cái ruột bên trong mỗi bao lì xì hơn là lời chúc đi kèm. Và đã có biết bao câu chuyện cười ra nước mắt từ lì xì. Ảnh minh họa: T.L Đứa cháu tôn thờ chủ nghĩa độc thân của tôi nói năm nay sẽ không ra khỏi nhà để khỏi phải “đau não” vì chuyện lì xì. Rồi cháu kể “tai nạn” tết năm ngoái. Sau nhiều năm không gặp nhau vì cô bạn cùng lớp lấy chồng xa, tết năm ngoái nghe nói gia đình bạn về TP. Đồng Xoài thăm cha mẹ nên mồng hai tết, cháu đến thăm. Lâu ngày gặp nhau, câu chuyện cuốn lấy hai người. Giữa lúc chuyện cao trào, bé gái đứng cạnh giậm chân hét lên: - Con chờ mỏi cả chân mà sao cô chưa lì xì vậy! Hai cô bạn buông nhau ra và đều vô cùng ngượng ngùng. Mẹ của bé quát to: - Nhím, ai dạy con như vậy? Hư này! Một cái phát vào mông khiến bé gái khóc ré lên và cũng khiến cô gái độc thân thấy mình là “tội đồ” nên cuống quýt ôm lấy bé, vội vàng mở túi xách. Nhưng thật không may là cô gái không mang theo tiền, đành tẽn tò nói với bé, cũng là nói với cô bạn: - Cô đoảng quá, không mang theo bóp rồi. Để hôm sau cô lì xì Nhím hai bao liền nha! Quả là một tình huống “khó đỡ”! Nhưng tình huống đó là do trẻ con gây nên. Còn có biết bao tình huống dở khóc, dở cười do chính người lớn gây nên. Nào chuyện vợ thắc mắc sao chồng lì xì bên nội nhiều mà bên ngoại ít khiến không khí 3 ngày tết căng như dây đàn; chuyện ba mẹ nói với nhau trước mặt con rằng “nhà ấy năm nào cũng chỉ lì xì con mình 20 ngàn đồng nên chả việc gì mình phải bỏ 50 ngàn đồng”; chuyện cha mẹ khoe tết năm nay thằng Tý “thu nhập” cao hơn năm trước 3 triệu đồng, hơn cả tiền thưởng tết của mẹ; chuyện so bì số tiền lì xì của người này với người khác... Có người vì sợ chuyện lì xì mà 3 ngày tết chỉ ru rú ở nhà. Ngược lại, có người lại chủ động “lên kế hoạch” đưa con đi những đâu để được nhận lì xì nhiều hơn! Rồi chuyện nhân viên tặng bao lì xì mệnh giá cao cho con sếp để mong được chiếu cố, lên chức trong năm mới. Doanh nghiệp, tổ chức thì cố ý đặt những chiếc bao lì xì nặng tiền ở vị trí dễ nhìn thấy nhất trên giỏ quà gửi đến các quan chức, mong được thuận lợi trong công việc… Chưa kể việc lì xì bằng tiền mới đã tạo cơ hội cho không ít kẻ “đục nước béo cò”, làm dịch vụ phi pháp đổi tiền mới. Từ những chuyện xấu xí trong việc lì xì đầu năm, đã có những ý kiến đề nghị Nhà nước công bố bỏ tục lệ này vì cho rằng, bỏ lì xì là bỏ đi nỗi phiền toái, bỏ đi gánh nặng trong những ngày đầu năm mới. Và khi đạo diễn Lê Hoàng nêu quan điểm trong một chương trình đối thoại: “Nếu một cái tết không phải lì xì, nhiều công dân sẽ cảm thấy nhẹ trong người, lâng lâng như được sống trên mây. Vì tiền lì xì mà trong ngày xuân, rất nhiều người không dám đi thăm bạn bè”, đã nhận được sự đồng tình của không ít người. Để “lì xì” không trở thành gánh nặng Ai cũng hiểu, lì xì, mừng tuổi đầu năm mới là một tục lệ đẹp. Ý nghĩa của tục lệ này không nằm ở số tiền mừng mà ở thành ý tốt đẹp của con người. Nhưng rồi sự thực dụng của một số người đã làm méo mó bản chất tốt đẹp của nó, khiến không ít người nghĩ rằng lì xì giá trị càng cao thì càng chứng tỏ khả năng tài chính cũng như thành ý của mình với đối tượng nhận quà. Rồi từ trao đổi vô tư của người lớn trong gia đình về những phong bao lì xì, đã vô tình tạo nên suy nghĩ của trẻ, rằng lì xì là một cách kiếm tiền trong dịp tết. Và hành xử của những đứa trẻ, như đòi được lì xì, bóc phong bao lì xì trước mặt khách, so sánh số tiền lì xì... như nêu trong bài đã tạo nên những tình huống “khó quên” cho cả chủ và khách ngay trong những ngày đầu năm mới. Lì xì phải là niềm vui, là may mắn tốt lành với cả người trao và người nhận. Vì thế, mỗi người cần thay đổi suy nghĩ về cách thức lì xì, mừng tuổi, sao cho vừa giữ được ý nghĩa văn hóa, nhân văn, vừa tránh được những phiền hà. Thay vì lì xì bằng tiền mặt, hãy tặng nhau một cuốn sách, một cây bút, một dụng cụ học tập hay món đồ chơi cho trẻ. Một tấm khăn, chiếc áo, đôi dép cho người lớn tuổi hay cặp vé xem phim, nghe hòa nhạc cho những đôi lứa yêu nhau… tùy khả năng tài chính cũng như mối quan hệ của mỗi người trong ngày đầu năm mới sẽ khiến cả người tặng và người nhận không phải bận lòng đằng sau mỗi chiếc bao lì xì. Thời khắc năm mới xuân Giáp Thìn 2024 đã đến. Một tết an lành, hạnh phúc, hẳn là không thể thiếu việc thăm hỏi, tặng quà người thân, đồng nghiệp, bạn bè. Việc lì xì, mừng tuổi ngày xuân là mang tới niềm vui, hạnh phúc cho người khác và cho chính mình. Hãy giữ mãi nét đẹp lì xì bằng một tình cảm chân thành, ấm áp trong ngày xuân cho mình và cho mọi người. |