Cuối tuần qua,ĐiểmnghẽnkếtnốivớiCảnghàngkhôngquốctếLongThàti le bd tv Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đã khởi công Gói thầu xây dựng Nhà ga hành khách tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành và Gói thầu xây dựng Nhà ga hành khách T3 (Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất).
Với công suất 20 triệu lượt hành khách/năm đối với Nhà ga T3 (Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất) và 25 triệu lượt hành khách/năm đối với Nhà ga hành khách (Cảng hàng không quốc tế Long Thành) sau khi hoàn thành với thời gian lần lượt là 20 tháng và 39 tháng, sẽ là những đầu mối giao thông hàng không lớn, phức tạp bậc nhất tại khu vực phía Nam.
Vào thời điểm này, cùng với việc cần có giải pháp hữu hiệu để hoàn thành 2 gói thầu quan trọng nói trên đúng tiến độ, chất lượng, một bài toán khó khác đang đặt ra với cơ quan quản lý nhà nước về giao thông; UBND TP.HCM và UBND tỉnh Đồng Nai là công tác tổ chức, kết nối giao thông khi xuất hiện thêm những áp lực giao thông rất lớn.
Đó là việc kết nối Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất với trung tâm TP.HCM khi Nhà ga T3 đưa vào khai thác và kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành với TP.HCM khi sân bay mới này được đưa vào hoạt động.
Nếu như việc kết nối Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất với trung tâm TP.HCM trong giai đoạn trước mắt được xử lý không quá phức tạp bằng việc hoàn thành đúng tiến độ Dự ánđường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoà, thì việc kết nối giữa Cảng hàng không quốc tế Long Thành với TP.HCM là thách thức lớn khi có tới 80% lưu lượng hành khách quốc tế đi và đến sân bay này đều có nhu cầu đi đến TP.HCM.
Được biết, việc kết nối giữa Cảng hàng không quốc tế Long Thành với TP.HCM được thực hiện qua 2 phương thức vận tải gồm đường bộ (qua tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành) và đường sắt (đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và tuyến đường sắt nhẹ trên cao Thủ Thiêm - Long Thành).
Do phương thức kết nối bằng đường sắt vẫn ở thì tương lai xa (mới dừng ở bước nghiên cứu ban đầu), nên việc kết nối giữa Cảng hàng không quốc tế Long Thành với TP.HCM hiện trông đợi hoàn toàn vào tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với quy mô 4 làn xe đã được Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư, đưa vào khai thác từ năm 2016.
Điều đáng nói là, kể từ khi đưa vào khai thác đến nay, lưu lượng phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây liên tục tăng cao (trung bình khoảng 10,45%/năm).
Cụ thể, phạm vi cao tốc từ TP.HCM (nút giao An Phú) đến Long Thành (nút giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu) dài khoảng 26 km đã khai thác vượt quá 25% so với năng lực thông hành của tuyến, chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải, nhất là khi Cảng hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn I dự kiến đưa vào khai thác cuối năm 2025 sẽ tiếp tục tăng áp lực lên đoạn tuyến cao tốc này.
Trên thực tế, không phải đợi đến năm 2025, mà hiện tại, tình trạng ùn tắc giao thông trên đoạn tuyến TP.HCM - Long Thành, đặc biệt là đoạn qua địa phận TP.HCM đang là nỗi ám ánh của người dân với điểm nghẽn lớn nhất là nút giao An Phú. Tình hình trầm trọng tới mức, đơn vị khai thác phải khuyến cáo các phương tiện lựa chọn lộ trình thích hợp khi tham gia giao thông trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vào dịp lễ 2/9 vừa qua.
Tới nay, công tác mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM đi Long Thành từ 4 làn xe lên 8 làn xe đã được lên kế hoạch đầu tư, trong đó Dự án Mở rộng đoạn nút giao An Phú đến đường Vành đai 2 dài khoảng 4 km (km0+00 - Km4+00) sẽ do UBND TP.HCM thực hiện; Dự án Mở rộng đoạn từ vành đai 2 - Long Thành dài 22 km sẽ do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) triển khai đầu tư. Tuy nhiên, đến thời điểm này, cả 2 dự án vẫn chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt để có thể triển khai trên thực địa, trong khi quỹ thời gian chỉ còn khoảng 39 tháng.
Nếu không có giải pháp đột phá để rút ngắn tiến độ mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành, trong đó có việc ưu tiên bố trí vốn, lựa chọn đơn vị thi công, thì khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành được hoàn thành, tuyến đường này sẽ là điểm nghẽn kết nối nghiêm trọng. Khi đó, thay vì mở ra không gian phát triển mới về kinh tế- xã hội, điểm nghẽn kết nối nói trên sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư công trình, ảnh hưởng tới nỗ lực đẩy mạnh thu hút đầu tư tại khu vực đầu tàu kinh tế phía Nam như kỳ vọng ban đầu.