Từ nay đến Tết Nguyên đán, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chủ động thực hiện chương trình bình ổn thị trường, chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng, không để thiếu hàng sốt giá.
Mặt hàng thiết yếu tăng khoảng 10%
Theo dự báo, nguồn cung hàng hóa thời điểm từ nay đến Tết Nguyên đán khá dồi dào. Riêng mặt hàng thịt lợn, mặt bằng giá tăng thời gian qua đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp và một số trang trại nhỏ tăng lượng chăn nuôi, có kế hoạch cung ứng vào dịp Tết nên khả năng nguồn cung sẽ tăng vào dịp Tết Nguyên đán để đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng.
Theo nhận định của Bộ Công thương, tăng trưởng kinh tế tốt, thu nhập của người dân tăng, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp sẽ tạo niềm tin ổn định hơn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, với tác động của giá thịt lợn tăng dẫn đến giá một số nhóm hàng thực phẩm khác cũng tăng thời gian gần đây sẽ phần nào ảnh hưởng đến sức mua hàng hóa dịp Tết Nguyên đán. Dự kiến sức mua sẽ tăng khoảng từ 10 - 12% so với cùng kỳ năm trước, tăng khoảng 15 - 20% so với tháng bình thường. Dự báo nhu cầu của người dân sẽ tập trung cao điểm vào tuần từ 16 - 23 tháng 1 (tức ngày 22 đến 29 tháng Chạp) để phục vụ các đợt lễ từ ngày ông Công ông Táo đến cận Tết.
Đến thời điểm hiện nay, theo báo cáo từ một số bộ, ngành tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá gần đây, nguồn hàng đã được các doanh nghiệp chủ động lên kế hoạch chuẩn bị cùng với các chương trình phục vụ Tết khá chu đáo, sẽ đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Giá hàng hóa dự báo sẽ không có biến động lớn.
Bộ Công thương dự báo giá các mặt hàng thiết yếu tăng khoảng 7 - 10%, riêng mặt hàng thịt lợn có thể tăng 10 - 15% so với ngày thường, một số mặt hàng bánh kẹo, rượu bia tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm trước. Tại các điểm bán hàng bình ổn, giá cả được niêm yết rõ ràng và doanh nghiệp đã cam kết bán hàng theo đúng giá niêm yết, giữ ổn định dịp Tết. Thị trường các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết sẽ không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến, gây bất ổn thị trường.
Nhiều địa phương không sử dụng ngân sách bình ổn thị trường
Đến thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phân phối tại địa phương đã chuẩn bị nguồn hàng dự trữ phục vụ dịp Tết. Giá trị tổng lượng hàng dự trữ của các doanh nghiệp ước tăng khoảng 20 - 25% so với tháng bình thường trong năm. Các mặt hàng dự trữ chủ yếu là các hàng hóa thiết yếu như: gạo, thịt gia súc, gia cầm, trứng, đường, dầu ăn, bánh mứt kẹo… Riêng mặt hàng thịt lợn, nhiều địa phương đã chỉ đạo doanh nghiệp trên địa bàn chủ động tìm kiếm, ký kết hợp đồng cung ứng nhằm đảm bảo nguồn cung trong thời gian tới.
Theo Bộ Công thương, chương trình bình ổn thị trường năm nay cũng có nhiều điểm mới. Nguồn vốn dùng để mua dự trữ hàng hóa chủ yếu từ nguồn xã hội hóa, hạn chế sử dụng nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Nhiều địa phương trước đây không thực hiện chương trình bình ổn giá, năm nay đã kết nối doanh nghiệp với các tổ chức tín dụng, hoàn toàn không sử dụng vốn ngân sách. Một số địa phương đã đề nghị sở tài chính hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá, điều chỉnh giá nếu cần thiết, mức tăng không quá 10%/lần.
Đối với mặt hàng thịt lợn, nhiều địa phương đã chủ động các chương trình bình ổn giá. TP. Hà Nội dự báo nhu cầu tiêu dùng của người dân Hà Nội dịp Tết khoảng 22,3 nghìn tấn lợn hơi/tháng, dự kiến thiếu khoảng 3.500 tấn lợn hơi. Thành phố đã chủ động bù đắp bằng tăng cung ứng các sản phẩm thịt khác thay thế, như sản lượng thịt bò tăng 0,6%, gia cầm tăng 18%, thủy sản tăng 5,9%... TP. Hồ Chí Minh đã huy động các doanh nghiệp chủ lực tham gia bình ổn thị trường, dự trữ các mặt hàng trong đó có thịt lợn (Vissan dự trữ 3.600 tấn thịt lợn). Tại Đồng Nai, Sở Tài chính đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng nguồn dự phòng khoảng 30 tỷ đồng để bình ổn giá. Bắc Ninh đã dự trữ, thực hiện bình ổn giá 10 nhóm hàng với số tiền hơn 750 tỷ đồng, trong đó ngân sách hỗ trợ dự trữ là 75 tỷ đồng lãi suất 0%. Mặt hàng thịt lợn, tỉnh dự trữ hơn 241 tỷ đồng, trong đó ngân sách hỗ trợ dự trữ là hơn 21 tỷ đồng.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, để bình ổn thị trường giá cả, khâu quan trọng nhất vẫn là lưu thông phân phối. Theo ông, cần đẩy mạnh tổ chức kết nối giao thương, ổn định thị trường giữa các địa phương, các doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp kinh doanh phân phối. Đồng thời, phát triển hệ thống phân phối theo chuỗi, khép kín, đưa hàng bình ổn tới tay người tiêu dùng, chú trọng tới người dân vùng sâu, vùng xa, vùng bão lũ, biên giới, hải đảo… Việc liên kết hệ thống phân phối không chỉ bình ổn giá mà còn đưa sản phẩm có giá hợp lý nhất tới tay người tiêu dùng, giảm bớt các khâu trung gian. Như vậy cả người tiêu dùng và người nông dân đều được lợi.
Đến thời điểm hiện nay, theo báo cáo từ một số bộ, ngành tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá gần đây, nguồn hàng đã được các doanh nghiệp chủ động lên kế hoạch chuẩn bị cùng với các chương trình phục vụ Tết khá chu đáo, sẽ đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Giá hàng hóa dự báo sẽ không có biến động lớn. |
Minh Anh