Thành phố Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề, trong đó có 321 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận. Đây chính là điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện Chương trình OCOP, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững.
Hà Nội cũng đã có 2.167 sản phẩm OCOP, chiếm 22% của cả nước. Các chủ thể OCOP ở Hà Nội sau khi được công nhận đã không ngừng nâng cao về chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nghiên cứu thiết kế mẫu mã bao bì, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm. Mặc dù các làng nghề trên địa bàn Hà Nội đã có nhiều sản phẩm được chứng nhận là sản phẩm OCOP, nhưng việc tiêu thụ không hề dễ dàng. Vì vậy, để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, TP. Hà Nội đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, cùng với việc nhân rộng tại khu vực nội thành, Hà Nội luôn chú trọng phát triển các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại khu vực ngoại thành, gắn với các địa điểm kinh doanh, du lịch làng nghề, du lịch nông thôn. Tính đến hết năm 2023, TP. Hà Nội có trên 100 Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Trong số này, Hà Nội đã phát triển trên 20 điểm OCOP gắn với du lịch, làng nghề như: Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc; làng nghề gốm sứ Bát Tràng; làng cổ Đường Lâm - thị xã Sơn Tây; làng nghề may Vân Từ, nghề gỗ Sơn Hà - huyện Phú Xuyên; làng nghề sơn mài Hạ Thái, Thường Tín; du lịch cộng đồng xã Hồng Vân, huyện Thường Tín; Cửa hàng Khánh Phát - xã Tản Lĩnh, Ba Vì giới thiệu sản phẩm OCOP từ sữa, sản phẩm huyện Ba Vì… Theo đánh giá của các huyện, xã, việc phát triển các Điểm OCOP giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn, làng nghề là cơ hội tốt để giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước biết đến những sản phẩm chất lượng do các nghệ nhân, làng nghề sản xuất. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để tiêu thụ sản phẩm có thế mạnh của địa phương, cũng như các khu vực khác của Hà Nội. Các đơn vị phân phối nhận định, việc nhân rộng các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP được mở, tại khu vực ngoại thành có ý nghĩa quan trọng trong phát triển hệ thống phân phối hàng Việt trên toàn thành phố, giúp nhân dân, người lao động khu vực ngoại thành nhận biết, lựa chọn là địa điểm mua sắm uy tín, phục vụ nhu cầu người tiêu dùng với những sản phẩm OCOP của những đơn vị sản xuất uy tín đã được đánh giá, phân hạng…
Cùng với việc mở nhiều Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP khu vực ngoại thành, về phía Sở Công Thương Hà Nội cũng thường xuyên cung cấp thông tin danh sách trên 4.000 sản phẩm OCOP của Hà Nội và 20 tỉnh, thành phố đến doanh nghiệp, đơn vị quản lý, vận hành các Điểm OCOP để chủ động kết nối, tiêu thụ sản phẩm theo nhu cầu. Đồng thời, đưa đoàn doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP các địa phương đi làm việc trực tiếp tại đơn vị quản lý, vận hành các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Qua đấy, nhiều sản phẩm như miến dong Tài Hoan, bí xanh thơm (tỉnh Bắc Kạn); bánh tráng Tân Nhiên (Tây Ninh)… đã vào được hệ thống chuỗi cửa hàng của BigGreen; quầy hàng OCOP tại siêu thị Big C, siêu thị Đức Thành… Ở chiều ngược lại các đơn vị quản lý, vận hành Điểm OCOP đã chủ động liên hệ với các chủ thể để kết nối sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành phố: An Giang, Nghệ An, Lào Cai, Bắc Kạn, Đồng Tháp… sau các cuộc khảo sát, giới thiệu kết nối sản phẩm do Sở Công Thương Hà Nội cùng Sở Công Thương các tỉnh tổ chức, triển khai. Sản phẩm OCOP là sản phẩm được sản xuất từ những làng nghề truyền thống, nhiều năm qua Hà Nội đã công nhận những sản phẩm truyền thống của các làng nghề này, qua đó đã tạo cơ hội cho sản phẩm của các làng nghề này phát triển, giải quyết công ăn việc làm cho bà con nông dân và phát triển được kinh tế hộ gia đình. Tuy nhiên, khâu tiêu thụ các sản phẩm OCOP vẫn gặp nhiều khó khăn, do đó, việc mở thêm các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP là rất cần thiết. Đây cũng là một trong những kênh quảng bá và tiêu thụ sản phẩm hiệu quả, nhất là ở những khu vực có địa danh du lịch và thắng cảnh. Theo bà Trần Thị Phương Lan – quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, việc mở rộng các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn Hà Nội nói chung và khu vực ngoại thành nói riêng cũng gặp những khó khăn nhất định. Việc vận động các đơn vị có địa điểm kinh doanh phát triển thành Điểm giới thiệu và bán sản phảm OCOP gặp khó khăn. Nguyên nhân do, các đơn vị chưa sẵn sàng kết nối sản phẩm OCOP, sản phẩm mới, ưu tiên vị trí thuận lợi để trưng bày đến người dân, mà những vị trí tốt thường được các nhãn hàng lựa chọn và có những chính sách ưu đãi đối với cửa hàng. Do đó rất khó khăn trong việc vận động các chủ thể ưu tiên cho sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, đơn vị cũng gặp khó khăn trong việc vận động đơn vị tham gia phát triển Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP bố trí kinh phí để mua thêm giá, kệ trưng bày; bổ sung, thay thế bảng, biển theo quy định. Tiếp tục nhiệm vụ phát triển các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trong thời gian tiếp theo, bà Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở Công Thương tiếp tục chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, vận động, hướng dẫn các đơn vị có các địa điểm, cửa hàng kinh doanh tham gia phát triển thành Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP để góp phần tăng cường nhận diện sản phẩm OCOP, giúp người tiêu dùng nhận biết, ưu tiên lựa chọn tiêu dùng. Đồng thời, tiếp tục đưa đoàn doanh nghiệp phân phối Hà Nội tham gia trao đổi, ký kết ghi nhớ hợp tác khai thác tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh, thành để từ đó tìm những sản phẩm OCOP mới, chất lượng, giá cả phù hợp để đưa về thị trường Hà Nội phục vụ người tiêu dùng Thủ đô trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. |