| Tiếp tục xây dựng hệ thống kho dự trữ quốc gia đồng bộ, tiên tiến, hiện đại hóa và cơ sở vật chất. Ảnh: tư liệu |
Kết quả tích cực trên các mặt công tác Thời gian qua, nguồn lực dự trữ quốc gia (DTQG) được sử dụng và phát huy hiệu quả, là một trong những công cụ tài chính hữu hiệu nhằm thực hiện vai trò của Nhà nước trong điều hành kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Trong giai đoạn 2013 - 2023, hoạt động DTQG đã đạt được nhiều kết quả tích cực, gồm: Hệ thống chính sách, pháp luật về DTQG được thể chế ở khung pháp lý cao nhất đó là Luật DTQG (được Quốc hội thông qua năm 2012). Triển khai Luật DTQG, Chính phủ đã ban hành 3 nghị định hướng dẫn thi hành Luật; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định về chức năng, nhiệm vụ của dự trữ nhà nước (DTNN), quyết định phê duyệt quy hoạch, chiến lược, quy chế để quản lý, điều hành hoạt động DTQG. Bộ Tài chính cũng đã ban hành gần 40 thông tư hướng dẫn các hoạt động DTQG. Nhìn chung, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về DTQG đã được ban hành đầy đủ, kịp thời, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, qua đó tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao. Quy mô DTQG đã từng bước được phát triển và củng cố. Đến cuối năm 2020, ước tổng mức DTQG tăng gấp gần 1,5 lần năm 2015 và gấp khoảng 2 lần so với năm 2010, góp phần tạo sự chủ động cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc quản lý, điều hành, xuất cấp, sử dụng hàng DTQG. Trong thời gian qua, nguồn lực DTQG được quản lý và sử dụng kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ phát sinh của ngành. Từ năm 2013 đến nay, Tổng cục DTNN đã xuất cấp lượng hàng hóa trị giá trên 20.500 tỷ đồng, trong đó, xuất cấp khoảng 1.418.000 tấn gạo, trị giá khoảng 14.800 tỷ đồng (khoảng 538.000 tấn gạo để cứu trợ khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; khoảng 820.000 tấn gạo để hỗ trợ học sinh ở khu vực kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các dự án trồng rừng và xuất khoảng 60.000 tấn gạo để cứu trợ, viện trợ) cùng nhiều mặt hàng vật tư, thiết bị cứu hộ cứu nạn khác. Riêng năm 2023, ngành Dự trữ đã xuất cấp xuất cấp lương thực, vật tư, thiết bị DTQG trị giá khoảng 1.448 tỷ đồng, gồm: 108.118 tấn gạo trị giá khoảng 1.300 tỷ đồng và vật tư, thiết bị trị giá khoảng 148 tỷ đồng. Hàng DTQG được xuất cấp góp phần ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân các vùng bị thiên tai, dịch bệnh; góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh; tăng cường quan hệ quốc tế và thực hiện tốt các nhiệm vụ quan trọng khác được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Trong những năm qua, công tác quản lý chất lượng và bảo quản hàng DTQG được quan tâm, tăng cường triển khai theo đúng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Hệ thống kho từng bước được đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp sửa chữa và thực hiện thuê kho bảo quản của các doanh nghiệp theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẵn sàng xuất cấp trong mọi tình hình huống đột xuất, cấp bách. Phát huy vai trò dự trữ quốc gia Hoạt động DTQG có vai trò quan trọng đối với việc phát triển bền vững, bảo đảm ổn định chính trị - kinh tế - xã hội. Ðể phát huy vai trò của DTQG, cũng như để đáp ứng mục tiêu yêu cầu, nhiệm vụ DTQG trong giai đoạn tới, ngành DTNN sẽ tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trước hết, cần đổi mới, cải cách thể chế để quản lý chặt chẽ nguồn lực DTQG; thường xuyên rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản chỉ đạo điều hành của cấp có thẩm quyền về DTQG để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao. Hai là, khẩn trương xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch hành động triển khai Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2030 và Quy hoạch tổng thể kho DTQG thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, huy động, sử dụng nguồn lực DTQG; qua đó xây dựng lực lượng DTQG có quy mô đủ mạnh, cơ cấu hợp lý, danh mục mặt hàng chiến lược, thiết yếu. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng hệ thống kho DTQG đồng bộ, tiên tiến, hiện đại hóa và cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng để phục vụ ngày càng tốt hơn nữa cho hoạt động quản lý nguồn lực DTQG nhằm sẵn sàng, chủ động xuất cấp nhanh chóng, kịp thời hàng DTQG khi có tình huống đột xuất, cấp bách xảy ra. Tiếp đến, thúc đẩy xã hội hóa và thu hút nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước cho DTQG để tăng cường tiềm lực và đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng cho DTQG. Ngành DTNN cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ để nâng cao chất lượng bảo quản hàng DTQG; chú trọng áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, phù hợp với điều kiện khí hậu và kinh tế - xã hội của Việt Nam, cơ giới hóa trong quá trình nhập, xuất, bảo quản nhằm kéo dài thời hạn lưu kho của hàng hóa; đảm bảo hàng DTQG khi xuất kho luôn đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng theo quy định. Tổng cục DTNN nói riêng và toàn ngành DTNN nói chung cũng cần tiếp tục đổi mới, cải tiến quy trình làm việc, quy trình phối hợp, chuẩn hóa nghiệp vụ trong ứng dụng công nghệ thông tin theo lộ trình, kế hoạch đã đề ra; xây dựng hệ thống điện tử kết nối và liên thông từ Trung ương tới địa phương, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin gắn chặt với cải cách hành chính; đồng thời, tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thông tin các dữ liệu bảo mật của ngành DTNN; đảm bảo cung cấp các thông tin nhanh chóng, chính xác, kịp thời phục vụ công tác quản lý, điều hành hoạt động DTQG. Tăng tổng mức dự trữ quốc gia Tổng cục Dự trữ Nhà nước đề ra mục tiêu, đến năm 2025, tổng mức dự trữ quốc gia gấp khoảng 2 lần năm 2020 và đến năm 2030, tổng mức dự trữ quốc gia gấp 2 lần năm 2025. |
|