游客发表
发帖时间:2025-01-12 13:21:33
Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội (QH) cho thấy, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, một số trường hợp thất thoát, lãng phí là rất lớn, nghiêm trọng, làm mất đi cơ hội phát triển. Đây là cuộc giám sát có quy mô và huy động một lực lượng lớn tham gia. Đoàn giám sát nhận khoảng 570 báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH), cùng hệ thống các Phụ lục kèm theo đồ sộ khoảng 100 nghìn trang tài liệu. Đoàn giám sát đã nhận diện những hạn chế, vướng mắc, tồn tại đang tiềm ẩn rủi ro lãng phí, thất thoát của một số lĩnh vực cụ thể cần phải tiếp tục đi sâu giám sát chuyên sâu để nhận diện, khẳng định thực trạng và đề ra các giải pháp giải quyết căn cơ, cụ thể.
Thảo luận tại QH, nhiều ĐBQH đánh giá cao nỗ lực của QH và các cơ quan chuyên môn đã hoàn thiện báo cáo rất công phu và kết quả giám sát bám sát tình hình thực tế. Có ĐB đánh giá cao những kết quả tích cực trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) như việc tiết kiệm kinh phí ngân sách.
Khắc phục tình trạng dự án treo, chậm tiến độ gây lãng phí, thất thoát nguồn lực Nhà nước. |
Tuy nhiên, ĐB cũng chỉ ra những điều “đau lòng”, khi “báo cáo tổng hợp 93 trang, nhưng tồn tại và nguyên nhân liệt kê đến 60 trang và nhìn đâu cũng thấy thất thoát, lãng phí”. Sự lãng phí, thất thoát trên tất cả các lĩnh vực được các ĐBQH chỉ ra, như: lãng phí nguồn nhân lực, lãng phí trong sử dụng đất, về quy hoạch treo, dự án treo, lãng phí trong sử dụng trụ sở công…
Theo ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), đất nước đang có nhiều ưu tiên để thực hiện, từ quy hoạch tổng thể quốc gia, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, tuy nhiên, điều quan trọng là cần có nguồn lực tài chính để đảm bảo thực hiện các mục tiêu trên. “Do đó, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có ý nghĩa rất quan trọng, tạo điều kiện cởi các nút thắt, tạo nguồn lực tăng trưởng cho đất nước”- ĐB Phạm Trọng Nhân nói.
Tại QH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có phát biểu làm rõ hơn một số vấn đề ĐB nêu. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp thu và hoàn thiện báo cáo trình Chính phủ trình Quốc hội.
Đánh giá về công tác THTK, CLP nhiệm kỳ qua, theo Bộ trưởng, chúng ta đã đạt kết quả rất tốt. Bộ trưởng điểm lại những kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ qua, như: Tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 6,8%; thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 6,9 triệu tỷ đồng (gấp 1,66 lần của nhiệm kỳ trước), chiếm 25% GDP; nợ công giảm từ 63,7% GDP xuống còn 55,9% GDP năm 2020. Tỷ trọng chi đầu tư từ 22,9% đã lên đến 29% GDP. Bội chi NSNN là 3,37% GDP.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, nước ta là nước đang phát triển và đổi mới mạnh mẽ, nên vấn đề quy định của pháp luật thường đi sau thực tiễn, do đó cần thiết phải được hoàn thiện kịp thời, tạo đà cho phát triển, làm nền tảng cho tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Bộ trưởng bày tỏ mong muốn Quốc hội thấu hiểu, chia sẻ, giúp đỡ hỗ trợ Chính phủ để hoàn thiện pháp luật nhanh nhất, tạo đường băng cho phát triển.
Cuộc vận động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí Trong báo cáo giám sát, Đoàn giám sát đã đề xuất từ năm 2023 phát động trong toàn quốc Cuộc vận động về thực hành tiết kiệm (THTK), chống lãng phí (CLP). Chính phủ tổ chức phong trào thi đua về THTK, CLP trong sản xuất, tiêu dùng ở mọi cấp, mọi ngành và trong nhân dân. Hầu hết các ý kiến ĐBQH đều đánh giá cao đề xuất này. Các ĐBQH đề nghị, cùng với việc tăng cường quản lý, thúc đẩy tuân thủ pháp luật thì cuộc vận động và phong trào thi đua sẽ góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và xây dựng văn hóa để việc THTK, CLP đạt hiệu quả thực chất hơn nữa, nhất là sau chương trình giám sát của Quốc hội. |
Để công tác THTK, CLP đạt hiệu quả, Bộ trưởng cho rằng, cần phải hoàn thiện các quy định pháp luật; nâng cao công tác quản trị điều hành của cơ quan quản lý, cũng như giải quyết các vấn đề do lịch sử để lại.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã nêu những bất cập tồn tại trong một số quy định hiện hành, như Luật Đầu tư công, câu chuyện về “con gà - quả trứng” - có dự án mới có vốn, hay có vốn mới có dự án để thực hiện. Hoặc những vướng mắc trong luật này quy định về sửa chữa các công trình, đường giao thông, khiến cho địa phương rất khó khăn. Lắng nghe những vướng mắc từ cơ sở, vừa qua, Bộ Tài chính đã dự thảo quy định và đề nghị, việc sửa chữa dưới 15 tỷ đồng thì không phải thực hiện theo Luật Đầu tư công, để tháo gỡ những khó khăn hiện nay.
Về định mức sử dụng xe ô tô công, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính đã khẩn trương xây dựng nghị định về định mức sử dụng xe ô tô để thay thế Nghị định số
04/2019/ NĐ-CP của Chính phủ. “Nghị định đang được Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện để trình Chính phủ ký ban hành vào tháng sau. Bộ Tài chính đã công khai trên Cổng thông tin điện tử, tổ chức hội thảo lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương để hoàn chỉnh nghị định” - Bộ trưởng nói.
Ai sẽ chịu trách nhiệm về tồn tại, thất thoát, lãng phí? ĐB Lê Hữu Trí (Khánh Hòa), ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) và nhiều ĐB khác đặt câu hỏi ai là người chịu trách nhiệm về những tồn tại, hạn chế. ĐB Lê Hữu Trí nêu con số trong báo cáo về thất thoát, lãng phí trong sử dụng vốn NSNN, quản lý đất đai tại các lâm trường, các dự án chậm tiến độ, dự án phải điều chỉnh quyết định đầu tư, dự án dang dở, gây thất thoát, lãng phí. Bên cạnh đó, quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp, nhất là trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục chưa được tiết kiệm, chưa có hiệu quả, còn thất thoát, lãng phí… Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát đã chỉ ra rất cụ thể các mặt còn tồn tại, gây thất thoát, lãng phí và cũng chỉ rõ nguyên nhân của các tồn tại đó. Điều đó cho thấy QH đã chọn trúng và đúng vấn đề giám sát. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng đặt ra tiếp theo là ai sẽ chịu trách nhiệm về những thiệt hại, tổn thất, lãng phí đó; giải pháp để xử lý tiếp theo các tồn tại đó như thế nào? Các ĐB mong muốn QH, Chính phủ quyết liệt chỉ đạo làm rõ các vi phạm, thất thoát, lãng phí, trong đó cần thiết phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và các phương án khắc phục, xử lý đối với trên 3.000 dự án sử dụng vốn nhà nước có thất thoát, lãng phí; trên 79.000 ha đất nông, lâm nghiệp đã quyết định thu hồi nhưng có phương án sử dụng… Tập trung xử lý các dự án không hiệu quả, chậm tiến độ, vi phạm trong quản lý, sử dụng đất, các dự án BT, BOT đang triển khai dở dang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc... Có ĐB cho rằng, chuyên đề này giống như “liều thuốc kháng sinh cực mạnh, đặc trị”, nhưng phải làm rõ trách nhiệm thuộc về ai thì mới xử lý triệt để được “căn bệnh” này. Việc xử lý đúng là không dễ nhưng với những dự án, công trình cố ý làm sai; các công trình giao thông “biết thừa có vấn đề mà vẫn làm”, thì có thể truy được trách nhiệm. Trên thực tế, theo phân tích của các ĐBQH, hiện nay việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật trong thực hành tiết kiệm chưa nghiêm, dẫn đến sự lãng phí trên nhiều lĩnh vực ngày càng nghiêm trọng. Điều đó cho thấy hệ thống pháp luật, chính sách, biện pháp tổ chức THTK, CLP chưa bảo đảm tính pháp chế, tính kỷ luật, kỷ cương và chưa đạt hiệu quả. Vì vậy, Chính phủ cần sớm rà soát các hệ thống pháp luật hiện hành, các chính sách quản lý nhà nước trên các lĩnh vực gây ra sự lãng phí lớn tài sản của nhà nước và xã hội. Tiếp tục hoàn thiện các quy định liên quan THTK, CLP, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thực tiễn để kịp thời điều chỉnh các bất cập, mâu thuẫn nhằm soát, hạn chế sự lãng phí nguồn lực quốc gia và xã hội. Điều quan trọng cốt lõi hơn là Đảng và Nhà nước cần có chiến lược xây dựng cho được trong nhận thức và hành động của mỗi cá nhân, mỗi cơ quan, mỗi tổ chức và toàn xã hội văn hóa tiết kiệm, ý thức tiết kiệm, tư duy làm việc hiệu quả dù là việc nhỏ nhất, gắn với việc thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật và có chế tài mạnh đối với các hành vi gây lãng phí, thất thoát mới tạo được sự chuyển biến tích cực về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian tới. |
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接