Nhiều “nút thắt”
Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp Nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương: Trong năm vừa qua, Việt Nam sản xuất thịt bò chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước. NK bò thịt chính ngạch chủ yếu từ thị trường Ấn Độ, Mỹ, Úc vẫn tiếp tục gia tăng. Ngoài ra bò thịt còn được NK theo đường tiểu ngạch từ Lào, Campuchia… Mặc dù vậy, tiêu thụ thịt bò vẫn chiếm tỷ lệ thấp trong cơ cấu tiêu thụ thịt. Hiện nay, tiêu dùng thịt bò chỉ khoảng 3,27kg/người/năm, vẫn thấp hơn rất nhiều so với nhiều nước trên thế giới. Với dân số hơn 90 triệu dân, dư địa thị trường của ngành chăn nuôi bò còn khá lớn.
Phát biểu tại Tọa đàm “Phát triển ngành công nghiệp bò và sữa hiện đại, hội nhập và bền vững tại Việt Nam” do Ngân hàng TPCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TNHH Một thành viên ANZ và Hiệp hội Thịt và Gia súc Úc (MLA) đồng tổ chức ngày 9-11 tại Hà Nội, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đánh giá: Mặc dù thị trường tiêu thụ còn rộng mở, song hiện nay phát triển ngành chăn nuôi bò trong nước tồn tại khá nhiều “nút thắt”.
Đầu tiên là chất lượng con giống. Việt Nam đã cải tạo đàn bò rất lâu nhưng giống vẫn chưa được đồng đều và chất lượng giống chưa cao so với yêu cầu thực tế. Bên cạnh đó, vấn đề tổ chức lại sản xuất chăn nuôi bò cũng như ứng dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại trong quá trình chăn nuôi, giết mổ, chế biến nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, giảm giá thành cũng gặp nhiều khó khăn.
Liên quan tới vấn đề này, ông Tiến nhìn nhận: Ngành chăn nuôi bò Việt Nam ngoài một số DN lớn đã và đang đầu tư chăn nuôi bò sữa, bò thịt tập trung quy mô lớn, phần lớn chăn nuôi bò thịt trong nước là chăn nuôi nông hộ nhỏ, sử dụng các giống bò địa phương hoặc lai tạo nhưng chất lượng thấp, năng suất không cao, nguy cơ dịch bệnh bùng phát luôn tiềm ẩn. DN hoạt động trong lĩnh vực chế biến các sản phẩm chăn nuôi ở quy mô vừa và nhỏ, công nghệ còn đơn giản và đa số mới dừng lại ở dạng sơ chế. Nhìn chung, khả năng cạnh tranh của sản phẩm bò thịt Việt Nam thấp khi tham gia hội nhập quốc tế.
Mặc dù nhìn nhận ngành chăn nuôi bò thịt còn nhiều yếu kém nhưng theo một số chuyên gia, chăn nuôi bò là ngành có khả năng tổ chức sản xuất tập trung lớn, ứng dụng công nghệ cao, có thị trường tiêu thụ tốt, hấp dẫn đối với các DN trong và ngoài nước. Nếu chú trọng đầu tư phát triển thì không những ngành chăn nuôi bò có thể góp phần hạn chế NK mà còn có cơ hội XK thịt bò và sản phẩm sữa.
Cụ thể, sự chú trọng đầu tư phát triển thể hiện ở chỗ, chuyển một phần đất sản xuất nông nghiệp sang trồng thức ăn chăn nuôi; ứng dụng khoa học công nghệ cao, nâng cao năng suất vật nuôi, tổ chức khép kín sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị; chú trọng đầu tư công đoạn giết mổ, chế biến, bảo quản sản phẩm, khống chế tốt dịch bệnh để tạo ra sản phẩm tốt, giá cả cạnh tranh…
Chính sách phải đi vào thực tiễn
Nhiều ý kiến cho rằng, muốn ngành chăn nuôi bò thực sự phát triển mạnh mẽ, hiện đại, thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của các DN, nhất là DN quy mô lớn đầu tư vào ngành rất quan trọng. Ông Uông Đình Hoàng, chuyên gia Vụ Kinh tế nông nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, điều quan trọng là Nhà nước phải xây dựng một “sân chơi” công bằng, lành mạnh đồng thời có những hỗ trợ để DN vượt qua những khó khăn đầu tư ban đầu.
Cụ thể, Nhà nước cần thường xuyên phổ cập thông tin về hội nhập như các quy định cụ thể của các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là TPP cho DN để tìm kiếm cơ hội đầu tư cũng như xây dựng phương án khi tất cả các loại thuế NK bị cắt giảm theo lộ trình. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố cần ban hành chính sách thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn phù hợp với điều kiện của địa phương.
Theo ông Hoàng Thanh Vân, suốt thời gian qua, các chính sách về hỗ trợ cho ngành nông nghiệp nói chung, chăn nuôi nói riêng đã tương đối đầy đủ, toàn diện, điển hình là Nghị định 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp. Tuy nhiên, việc triển khai các chính sách trong thực tế ở nhiều địa phương trên cả nước còn khá chậm.
Do đó, vấn đề cốt yếu trong thời gian tới là các bộ, ngành từ Trung ương tới địa phương phải nỗ lực vào cuộc hơn nữa để chính sách thực sự đi vào cuộc sống, tạo ra đổi thay. Đối với riêng Nghị định 210/2013/NĐ-CP, ông Uông Đình Hoàng góp ý, cần giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy định tại Điều 17 là dành một phần ngân sách địa phương (2-5%), để thực hiện chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016-2020.
Theo một số chuyên gia, giải pháp để ngành chăn nuôi bò vững vàng hội nhập còn là tận dụng cơ hội từ hội nhập quốc tế, các hiệp định thương mại song phương, đa phương, nhất là TPP, đẩy mạnh quá trình chuyển giao ứng dụng công nghệ, công nghệ hiện đại trong các khâu sản xuất, chế biến, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi bò ngay thị trường trong nước cũng như nước ngoài.
Đứng từ góc độ DN lớn đầu tư vào ngành chăn nuôi, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai khẳng định: Hiện nay, Tập đoàn đang NK khá nhiều bò thịt từ Úc về và tiêu thụ tại thị trường trong nước nhưng đó là hướng đi không bền vững. Bền vững là các DN cũng như phía Chính phủ Úc (đất nước có ngành chăn nuôi bò khát phát triển) phải có sự hợp tác thật sự, hỗ trợ cho các DN Việt Nam trong các khâu từ công nghệ đến con người, chuyên môn kỹ thuật để ngành chăn nuôi bò tại Việt Nam thực sự phát triển.
“Trong phát triển ngành chăn nuôi bò cũng nên nghiên cứu, đi sâu hơn về phát triển bò sinh sản chứ không chỉ bò thịt. Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cũng đang hướng tới điều này. DN mong muốn phía Úc có chương trình dài hạn hỗ trợ Việt Nam về công nghệ, chương trình nuôi bò sinh sản. Còn nếu không có chương trình hành động gì lớn thì Việt Nam vẫn mãi là đất nước nhập siêu bò thịt”, ông Đức nhấn mạnh.
Ông Patrick Underwood, Công ty Chăn nuôi Bắc Úc: Việt Nam là thị trường XK bò lớn thứ hai của Úc Hiện nay, Việt Nam là thị trường XK bò lớn thứ hai của Úc, sau Indonesia. Việc ký kết TPP lại càng mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy sự giao thương, hợp tác giữa DN hai quốc gia. Tuy nhiên, thách thức hiện nay đối với việc thúc đẩy giao thương này là rào cản ngôn ngữ, dẫn tới khó chia sẻ. Hiện nay, giống bò Úc rất được người nông dân Việt Nam ưa chuộng. Công ty nhận định, Việt Nam là thị trường tuyệt vời. Tuy nhiên, khó khăn nảy sinh là chi phí bò Úc còn khá đắt so với mức chi trả của người nông dân Việt Nam. Xuất phát từ những khó khăn trên, DN mong muốn thời gian tới Việt Nam và Úc sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa trên nhiều phương diện để có thể giúp DN đôi bên tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy kinh doanh. Ông Hà Quang Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sữa Hà Nội (Hanoi milk): Khó khăn lớn khi đầu tư vào chăn nuôi là đất đai Hiện nay, các DN muốn đầu tư vào ngành chăn nuôi thường gặp khó khăn về đất đai. Việc tiếp cận được nguồn đất đai với quy mô đủ lớn tương đối chật vật, nếu tiếp cận được chi phí để được sử dụng đất khá cao. Nông nghiệp là một ngành đầu tư và thu hồi vốn với thời gian tương đối dài. Do vậy muốn phát triển chăn nuôi, Nhà nước phải quy hoạch vùng chăn nuôi đủ rộng, tại đó các DN có thể thuê đất một cách thuận tiện, dễ dàng hơn. Ngoài đất đai, đảm bảo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi cũng khá khó khăn. Đó là vấn đề mà nhiều DN, trong đó có Hanoimilk trăn trở quan tâm, mong muốn được Nhà nước hỗ trợ để giải quyết hiệu quả trong tương lai. |