Cứ 5 năm, số vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hóa Việt Nam lại tăng lên gấp đôi. Điều này có gì bất thường không, thưa ông? Việt Nam hội nhập sâu rộng với nền kinh tếthế giới, với 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đang thực thi, quy mô xuất nhập khẩu tăng nhanh, năm 2022 đã vượt 700 tỷ USD, trong đó xuất khẩu cả năm chạm mốc 370 tỷ USD. Khi một lượng hàng hóa lớn được xuất khẩu đi các thị trường thì nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại tăng lên, do các quốc gia bảo vệ sản xuất của nước họ. Nguy cơ cao và khó lường hơn khi Việt Nam tập trung xuất khẩu vào những thị trường thường xuyên sử dụng các biện pháp phòng vệ như Hoa Kỳ, EU, hay những thị trường hàng hóa Việt Nam đang gia tăng xuất khẩu như Canada, ASEAN. Vì lẽ đó, số lượng vụ việc phòng vệ thương mại đã tăng nhanh trong những năm gần đây. Đến thời điểm tháng 10/2022 đã có 224 vụ việc nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Những năm tới, sẽ còn nhiều vụ việc nữa. Đây là điều bình thường trong thương mại quốc tế, không có gì bất thường cả. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục có nguy cơ là đối tượng bị điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài, vậy các doanh nghiệp, ngành hàng cần chuẩn bị gì cho thực tế này? Đây là điều không thể tránh khỏi khi chúng ta hội nhập, trở thành một địa chỉ cung cấp hàng hóa lớn, với vài chục ngành hàng có quy mô trên 1 tỷ USD. Bên cạnh những bất lợi khi vướng kiện tụng, thì cũng là một dấu hiệu rất đáng mừng cho thấy hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ngày càng có chỗ đứng vững chắc hơn tại các thị trường nước ngoài, được thừa nhận về chất lượng và có thể cạnh tranh tạo ra sức ép đối với hàng hóa của nước nhập khẩu. Trước sức ép cạnh tranh đó, điều dễ hiểu là các doanh nghiệp ngành sản xuất của nước nhập khẩu sẽ phải tìm đến những công cụ phòng vệ thương mại. Vấn đề là doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu quy định cơ bản về phòng vệ thương mại tại các quốc gia nhập khẩu, thường xuyên theo dõi tình hình phòng vệ thương mại trên thị trường thế giới để có sự chuẩn bị ứng phó với nguy cơ bị điều tra. Còn có những bất thường nào trong diễn biến các vụ việc phòng vệ thương mại thời gian gần đây không, thưa ông? Ngoài những biện pháp truyền thống (chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ), hiện nay các quốc gia còn tiến hành điều tra và áp dụng biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại. Đây là cách thức điều tra mới của cơ quan điều tra nước ngoài, nhằm mở rộng các biện pháp phòng vệ thương mại, không chỉ áp dụng với những nước ban đầu, mà có thể áp dụng với các nước khác. Chẳng hạn, danh sách cảnh báo sản phẩm từ Việt Nam có nguy cơ bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại sang thị trường Mỹ hiện có: gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng (hardwood plywood); tủ gỗ (wooden cabinets and vanities); đá nhân tạo (quartz surface products); gạch men (ceramic tile); xe đạp điện (electric bicycles); thép các-bon chống ăn mòn. Đặc điểm nữa khi tiếp cận với từng vụ việc, tôi quan sát thấy là các tiêu chuẩn điều tra, yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài đối với các doanh nghiệp về thủ tục cũng chặt chẽ hơn, khắt khe hơn. Từ đó, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp, cơ quan quản lý để có thể đáp ứng được những yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài, đảm bảo được lợi ích tốt nhất cho các doanh nghiệp của Việt Nam trong quá trình theo đuổi vụ việc. Khi phải đương đầu giải quyết nhiều vụ việc phòng vệ với hàng hóa xuất khẩu, năng lực, kinh nghiệm ứng phó của doanh nghiệp Việt đã tăng lên nhiều và thực tế đã có nhiều vụ việc đạt được kết quả hơn kỳ vọng? Đúng vậy. Thời gian gần đây, chúng ta đã đạt được một kết quả khả quan, nhiều mặt hàng không bị áp thuế hoặc bị áp ở mức thuế rất thấp. Lấy ví dụ, các sản phẩm như cá tra, tôm, mật ong của Việt Nam trước kia bị áp thuế chống bán phá giá nhiều nhất, điển hình là mật ong có thời điểm Mỹ áp thuế chống bán phá giá sơ bộ lên tới 400%. Tuy nhiên, Bộ Công thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành xử lý hiệu quả, nên mức áp dụng chống bán phá giá mật ong giảm 7 lần, xuống 58-62%, tùy doanh nghiệp. Riêng với cá tra và tôm, tới nay nhiều doanh nghiệp đã không còn bị áp dụng chống bán phá giá. Ông đánh giá ra sao về Hệ thống cảnh báo sớm, theo dõi những biến động xuất khẩu của Việt Nam để doanh nghiệp, ngành hàng chủ động hơn trong công tác điều chỉnh xuất khẩu và ứng phó hiệu quả? Hệ thống cảnh báo sớm được hình thành theo Đề án 316 của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2020, thực tế đang phát huy tác dụng đáng kể cho doanh nghiệp xuất khẩu. Trong khả năng, nguồn lực cho phép, kỳ vọng hệ thống này cảnh báo được càng nhiều thị trường càng tốt và cảnh báo được càng nhiều mặt hàng càng tốt. Tất nhiên, cảnh báo cũng giống như dự báo thời tiết, nó có thể có một xác suất nào đó, nên không phải là khi cảnh báo thì chắc chắn việc đó sẽ xảy ra. Vấn đề là doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực ứng phó, không chỉ chủ động ứng phó khi vụ việc xảy ra, mà có thể xây dựng các lộ trình phát triển, xuất khẩu phù hợp, để giảm thiểu nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại trong tương lai. Doanh nghiệp cần cân nhắc đa dạng hóa thị trường, tránh lệ thuộc quá nhiều vào một thị trường xuất khẩu. |