Tuy nhiên, không thể ỷ lại vào ngân sách, trong khi nhu cầu cần nguồn lực lớn, sự đột phá, đặc biệt trong một số lĩnh vực mũi nhọn, trọng điểm. Do đó, cần khơi thông các nguồn lực, tăng cường nguồn lực xã hội đầu tư cho KHCN, nhất là từ doanh nghiệp.
Đã giao 9.866 tỷ đồng cho các bộ, ngành
Năm 2019, ngân sách nhà nước (NSNN) dành cho hoạt động sự nghiệp KHCN đã được Quốc hội phê duyệt là 12.825 tỷ đồng, xấp xỉ 0,79% tổng chi NSNN, trong đó kinh phí sự nghiệp KHCN trung ương: 9.895 tỷ đồng (chiếm 77,15%); kinh phí sự nghiệp KHCN địa phương là 2.930 tỷ đồng (chiếm 22,85%). Ngoài ra, NSNN cũng dành khoảng 19.841 tỷ đồng để chi đầu tư phát triển cho KHCN trong các lĩnh vực an ninh - quốc phòng, dự phòng và an sinh xã hội.
Theo thống kê mới đây của Bộ KHCN, tính đến hết tháng 9/2019, tổng vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương đã bố trí cho ngành KHCN năm 2019 là hơn 1.869 tỷ đồng, trong đó có hơn 1.169 tỷ đồng vốn trong nước và hơn 699 tỷ đồng vốn nước ngoài. Tổng vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho các khu công nghệ cao và khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hơn 102 tỷ đồng.
Tính đến tháng 9/2019, Bộ KHCN đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ giao dự toán và hướng dẫn cho các bộ, ngành và địa phương thực hiện 12.796,8 tỷ đồng (đạt 99,76%) dự toán chi sự nghiệp KHCN năm 2019. Số kinh phí 28,2 tỷ đồng còn lại để dự phòng thực hiện những nhiệm vụ cấp bách, phát sinh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Dự toán chi sự nghiệp KHCN năm 2019 đã được phân bổ cho các nhiệm vụ KHCN khi đã được cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt nhiệm vụ. Trong đó, ưu tiên bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ kết thúc năm 2019, nhiệm vụ chuyển tiếp đảm bảo phù hợp với tiến độ, khả năng giải ngân kinh phí và khả năng cân đối của NSNN; kinh phí còn lại phân bổ cho các nhiệm vụ mới năm 2019. Thực hiện nguyên tắc nêu trên, đến nay tổng số kinh phí đã được phân bổ và giao trong dự toán NSNN năm 2019 cho các bộ, ngành là hơn 9.866 tỷ đồng.
Dự toán chi sự nghiệp KHCN của ngân sách địa phương năm 2019 đã được Quốc hội thông qua và Thủ tướng Chính phủ giao là 2.930 tỷ đồng (tăng 5,8% so với dự toán năm 2018). Đây là mức tăng khá trong bối cảnh thu ngân sách địa phương không tăng lớn, phải dành để tăng chi đầu tư phát triển, trong khi chi thường xuyên chỉ tăng 2,8% và phải đảm bảo không có địa phương nào giao thấp hơn so với dự toán năm 2018.
Phân bổ ngân sách theo kết quả đầu ra
Nguồn lực NSNN đầu tư cho nghiên cứu KHCN đang chuyển động tích cực hơn theo hướng tăng đầu tư cho các đề tài cấp quốc gia; tăng đầu tư vào khu vực trọng điểm gắn với doanh nghiệp, với cơ chế đối tác công tư để tăng cường hiệu quả. Bên cạnh đó, sự tham gia của xã hội, huy động nguồn lực xã hội cũng được quan tâm.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2016 - 2019, mặc dù điều kiện NSNN còn gặp nhiều khó khăn, nhưng bố trí chi NSNN cho phát triển hoạt động KHCN luôn ưu tiên năm sau tăng cao hơn so với năm trước. Tổng dự toán chi NSNN sự nghiệp KHCN giai đoạn 2016 - 2019 đã được Quốc hội thông qua là 46.729 tỷ đồng. Ngoài ra, hàng năm chi cho KHCN còn được bố trí trong chi quốc phòng, an ninh, đặc biệt và chi từ nguồn ưu đãi thu nhập tính thuế để trích lập Quỹ phát triển KHCN của các doanh nghiệp theo quy định hiện hành. Nguồn lực tài chính cho phát triển KHCN đã được bố trí tăng dần trong những năm gần đây. Theo đó trong năm 2019, tổng chi sự nghiệp cho KHCN đạt 12.825 tỷ đồng, tăng khoảng 22% so với năm 2016.
Tuy nhiên, không thể ỷ lại mãi vào ngân sách, trong khi nhu cầu đầu tư cho phát triển KHCN cần nguồn lực lớn, sự đột phá, đặc biệt trong một số lĩnh vực mũi nhọn, trọng điểm. Do đó, cần khơi thông các nguồn lực, tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho KHCN và đổi mới sáng tạo, nhất là từ doanh nghiệp. Thu hút chọn lọc, có hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài trong tình hình mới thông qua các dự án, nhiệm vụ hợp tác KHCN, ưu tiên dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường, tiềm năng đóng góp, lan tỏa, chuyển giao công nghệ, liên kết với doanh nghiệp trong nước để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, chúng ta cần tiếp tục đổi mới cơ chế huy động và sử dụng NSNN cho phát triển KHCN.
Tăng đầu tư cho KHCN cũng là mối quan tâm của các đại biểu Quốc hội. Theo đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Long An), hàng năm, mặc dù ngân sách còn hạn hẹp nhưng đã dành một khoản nhất định trong tổng chi NSNN ưu tiên cho KHCN. Hoạt động KHCN đã đạt được nhiều kết quả tích cực và làm thay đổi diện mạo nền kinh tế. Tuy nhiên, theo đại biểu này, cần xây dựng một bộ chỉ tiêu có tính khoa học, hệ thống để đánh giá đúng và đầy đủ mức độ đóng góp của KHCN cho phát triển kinh tế - xã hội, tức là hiệu quả đầu ra của KHCN. Đây là cơ sở để đầu tư và phân bổ ngân sách, xây dựng kế hoạch phát triển KHCN cũng như để cử tri giám sát hoạt động KHCN một cách hiệu quả hơn.
Minh Anh