(CMO) Chỉ tính riêng trong năm 2016, MTTQ các cấp thông qua hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã giám sát 1.232 công trình xây dựng lộ giao thông nông thôn, xây dựng nhà cho người nghèo, nhà ở cho người có công… Từ đó góp phần nâng cao chất lượng của các công trình.
Theo Phó chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Cái Nước Nguyễn Hữu Thích, kết quả bước đầu thực hiện Quyết định 217 của Bộ Chính trị cho thấy MTTQ và các đoàn thể chính trị đã nắm được nội dung, phương pháp giám sát. Thông qua đó, các cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở địa phương, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân cao hơn. Đồng thời, nâng cao vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc xây dựng, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.
Năm 2016, Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp phân công cán bộ giám sát công tác vận động bầu cử của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. (Trong ảnh: Cử tri xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước kiến nghị tại buổi tiếp xúc).
"Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn còn nhiều hạn chế trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ thời gian qua. Việc xác định nội dung, hình thức giám sát còn lúng túng, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu, mong mỏi của người dân… Hoạt động phản biện chủ yếu vẫn là kiến nghị, đề xuất với lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền chứ chưa tổ chức phản biện theo đúng nghĩa và mang tính chất khoa học cao đối với các chủ trương, đề án của địa phương...", ông Nguyễn Hữu Thích nhìn nhận.
Do đó, để đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ, nhất là công tác giám sát và phản biện xã hội, ông Nguyễn Hữu Thích cho rằng, thời gian tới, MTTQ các cấp sẽ phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, tập trung giải quyết kịp thời, dứt điểm những vấn đề bức xúc của Nhân dân. Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện xác định 3 nội dung giám sát: Việc triển khai thực hiện Luật Hoà giải ở cơ sở; giám sát đầu tư của cộng đồng; giám sát về tổ chức, hoạt động của hợp tác xã và tổ hợp tác theo Luật Hợp tác xã. Thông qua các hoạt động giám sát theo chuyên đề nhằm phát huy dân chủ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân và thực hiện đúng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình kinh tế - xã hội của huyện. Qua công tác giám sát, kịp thời phát hiện những sai sót, yếu kém để khắc phục, kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Theo nhìn nhận của Phó chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau Đoàn Tấn Sỹ, công tác giám sát và phản biện xã hội là một chủ trương mới nên cán bộ làm công tác giám sát của MTTQ và các tổ chức thành viên còn bị động, chưa có nhiều kinh nghiệm. Các cơ quan được giám sát chưa hiểu nhiều về chức năng giám sát của MTTQ, các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội theo Quyết định 217 của Bộ Chính trị khoá XI. Để nâng cao hiệu quả công tác này, các ý kiến của mặt trận khi giám sát, phản biện cần được các đối tượng được giám sát, phản biện ghi nhận, tiếp thu, hồi âm kịp thời, tạo được dư luận 2 chiều. Có như thế công tác giám sát và phản biện xã hội mới đạt hiệu quả như mong muốn./.
Thanh Phương
Năm 2017, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh xác định nhiệm vụ giám sát với các nội dung: việc triển khai thực hiện Luật Hoà giải ở cơ sở; giám sát đầu tư của cộng đồng; việc thực hiện Luật Phổ biến và giáo dục pháp luật; giám sát thực hiện bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới; thực hiện giảm nghèo bền vững; giám sát về tổ chức, hoạt động của hợp tác xã, tổ hợp tác theo Luật Hợp tác xã. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và hoàn toàn đúng đắn, cần thiết.