Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2018,ôngdựavàokhaithácdầuthôđểtăngtrưởchaves – sporting Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, kinh tế- xã hội 8 tháng chuyển biến khá tích cực và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực
Về tình hình kinh tế vĩ mô, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 ước tăng khoảng 0,45% so với tháng trước, tăng 2,59% so với tháng 12/2017 và tăng 3,98% so với cùng kỳ năm 2017.
Chỉ số CPI 8 tháng tăng 3,52% so với cùng kỳ. Lạm phát bình quân 8 tháng năm 2018 tăng 1,38% so với bình quân cùng kỳ 2017, đảm bảo dưới 4% so với mục tiêu.
Thị trường tiền tệ, tín dụng tương đối ổn định, tín dụng tăng trưởng hợp lý, ở mức 8,18%, đáp ứng yêu cầu về vốn của nền kinh tế. Mặt bằng lãi suất tương đối ổn định so với cuối tháng 7/2017.
Trước đó, báo cáo của Bộ KH&ĐT cũng cho biết, trong tháng 8, thị trường tiền tệ, tín dụng chịu nhiều sức ép từ tỷ giá và lãi suất của thế giới, tuy nhiên, nhờ điều hành linh hoạt các chính sách, đã giữ được sự ổn định. Thị trường chứng khoán đã có tín hiệu phục hồi rõ rệt, VN-Index ngày 24/8 đạt 987 điểm, tăng 3,2% so với tháng trước.
Về thu, chi ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, tính đến hết tháng 8, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước ước đạt 871,8 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 66,1% dự toán, tăng 13,8%. Tổng chi cân đối ngân sách nhà nước ước đạt 873,5 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 57,3% dự toán, tăng 10,2%.
Thông tin về đầu tư phát triển, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ cho biết giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 176,835 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 45,57% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.
Về thu hút FDI, tính đến ngày 20/8/2018, tổng vốn đầu tư đăng ký ước đạt 24,35 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2017, số vốn giải ngân ước đạt 11,25 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2017. Mức tăng của thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là ở lĩnh vực góp vốn mua cổ phần, theo ông Mai Tiến Dũng là rất ấn tượng.
Về tình hình sản xuất kinh doanh, cụ thể là lĩnh vực công nghiệp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, sản xuất công nghiệp tháng 8 ước tăng 13,4% so với cùng kỳ, tính chung 8 tháng chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11,2% so với cùng kỳ (cùng kỳ 2017 chỉ tăng 8,2%), trong đó công nghiệp chế biến chế tạo duy trì đà tăng trưởng cao, đạt 13,3%, tiếp theo đó là lĩnh vực sản xuất và phân phối điện tăng 10,4%. Đáng chú ý, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, công nghiệp khai khoáng giảm 0,3%.
Tính chung 8 tháng năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 2,86 triệu tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Du lịch tiếp tục khởi sắc, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 8 tháng ước đạt 10,4 triệu lượt, tăng 22,8% so với cùng kỳ, bình quân mỗi tháng ước đạt 1,3 triệu lượt.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết, trong 8 tháng, cả nước có 87.448 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.
Khống chế tăng trưởng tín dụng dưới 17%
Về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 8 tháng ước đạt 155,4 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước ước đạt 45,11 tỷ USD, tăng 17,4%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 110,3 tỷ USD, chiếm 71% tổng kim ngạch XK và tăng trưởng 13,4%. “Mức tăng khu vực kinh tế trong nước cao hơn so với mức tăng của các quý trước, nếu như trước đây chũng ta vẫn nói kinh tế trong nước phụ thuộc vào FDI thì với mức tăng này của kinh tế trong nước là rất mừng”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 152,66 tỷ USD, tăng 11,6%, trong đó, khu vực kinh tế trong nước ước đạt 61,85 tỷ USD, tăng 11,8%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng vẫn duy trì xuất siêu với 2,8 tỷ USD.
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết, trong 8 tháng qua, Thủ tướng Chính phủ luôn đặt vấn đề kiểm soát chặt chẽ kinh tế vĩ mô, đặc biệt là các chỉ số nợ công, CPI, nợ chính phủ.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua chúng ta cũng đã “tập trung tái cơ cấu nền kinh tế, không lệ thuộc, không lấy tăng sản lượng dầu thô để tăng trưởng”.
“Điều đó thể hiện qua những con số. Ví dụ, năm 2015 chúng ta khai thác 16,88 triệu tấn dầu thô, nhưng năm 2016 là 15,2 triệu tấn, năm 2017 là 13 triệu tấn và năm nay dự kiến là khoảng 11 triệu tấn”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Bên cạnh đó, cho biết năm 2017 tăng trưởng tín dụng là 18,13%, năm nay sẽ khống chế dưới 17%, lãnh đạo Văn Phòng Chính phủ khẳng định, như vậy, tăng trưởng kinh tế sẽ không dựa vào tăng trưởng tín dụng, nhưng vẫn phải đảm bảo vốn cho sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh các vấn đề đều phải phải đúng thẩm quyền, cân nhắc kỹ, ngay cả lĩnh vực y tế, giáo dục… cũng đều phải xem xét kỹ. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ vẫn kiên quyết không điều chỉnh tăng giá điện làm ảnh hưởng đến các chỉ số chung, để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong chỉ đạo, Thủ tướng cũng chỉ đạo quyết liệt những vấn đề mà nhân dân quan tâm. Đặc biệt, tinh thần Chính phủ kiến tạo càng rõ nét hơn, thay vì là Chính phủ kiểm soát, sẽ chuyển sang kiểm soát một phần, đảm bảo từ tiền kiểm sang hậu kiểm, chuyển nhiều sang Chính phủ phục vụ, lấy lợi ích của DN làm mục tiêu, tháo gỡ cơ chế, khó khăn phải nhanh hơn.
Không lơ là, chủ quan
Về các nhiệm vụ - giải pháp thời gian tới, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ yêu cầu từ nay đến cuối năm, để đạt được các mục tiêu kế hoạch năm 2018, các Bộ ngành, địa phương không được lơ là, chủ quan; tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
Giải pháp thực hiện đã khá đầy đủ, đồng bộ (nhất là cắt giảm các thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh), cần tập trung chỉ đạo vào khâu thực thi, kỷ luật kỷ cương hành chính, thực hiện nghiêm và tăng cường vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu.
Về tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao, tính chung 8 tháng năm 2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao 15.028 nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan, địa phương. Trong đó, có 6.973 nhiệm vụ đã hoàn thành, 7.858 nhiệm vụ đang thực hiện trong hạn, 197 nhiệm vụ chưa hoàn thành quá hạn (chiếm 2,74%, giảm 1,6% so với tháng trước).
Về cắt giảm các điều kiện đầu tư, kinh doanh, trong tổng số 6.213 điều kiện, các bộ, ngành dự kiến sẽ đơn giản, cắt giảm 3.807 điều kiện. Đến nay đã chính thức cắt giảm được 968 điều kiện (đạt 31,6% so với dự kiến) của các ngành: Công Thương, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, VHTT&DL...
“Còn 2.839 điều kiện đã có phương án tiếp tục cắt giảm nhưng chưa có văn bản quy định cụ thể, thuộc trách nhiệm của 14 Bộ”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Về các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, có tổng số 9.936 dòng hàng phải kiểm tra, các Bộ dự kiến sẽ đơn giản, cắt giảm 6.003 dòng hàng.
Đến nay đã chính thức cắt giảm, đơn giản hóa được 1.689 dòng hàng (đạt 34% so với yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ).
“Nhìn chung, tỷ lệ cắt giảm danh mục sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành đã cải thiện hơn so với tháng trước (tăng 18,9%) nhưng tỷ lệ cắt giảm đạt thấp so với phương án dự kiến và tiến độ còn chậm so với yêu cầu đặt ra”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo đó, Văn phòng Chính phủ kiến nghị các Bộ cần tập trung cao độ cho việc xây dựng, hoàn thiện, ban hành các văn bản để chính thức áp dụng phương án đơn giản, cắt giảm điều kiện kinh doanh và danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành.
Việc cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và đơn giản, cắt giảm điều kiện kinh doanh phải thực chất, khắc phục triệt để những bất cập hiện nay, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, giảm tối đa chi phí cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.