Vimedimex hợp tác ứng dụng liệu pháp trị liệu phóng xạ tại Việt Nam(Dân trí) - Vimedimex, Cermed GmbH đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với các tập đoàn dược phẩm, y tế hàng đầu của châu Âu về việc ứng dụng liệu pháp trị liệu phóng xạ trong chăm sóc sức khỏe.Đẩy mạnh ứng dụng dược chất phóng xạ Với kinh nghiệm hơn 40 năm trên thị trường, Vimedimex nhận thức sâu sắc về tính hiệu quả ứng dụng lâm sàng của y học hạt nhân. Y học hạt nhân đã đóng góp đáng kể vào việc vận dụng khoa học tiên tiến, hiện đại, nâng cao chất lượng trong chẩn đoán và hiệu quả điều trị, nhất là với một số chuyên ngành như ung thư, tim mạch, tiết niệu và nội tiết. Hoạt động ký kết thỏa thuận nhằm kết nối hệ thống chăm sóc sức khỏe của Việt Nam với nền y khoa tiên tiến của thế giới, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của người dân. Với sự phát triển của dược chất phóng xạ phù hợp cho các ứng dụng chẩn đoán và điều trị theranostics, việc sử dụng dược chất phóng xạ mới đã trở nên rộng rãi trên thế giới và đang được đẩy mạnh ứng dụng trong lâm sàng tại Việt Nam. Vì vậy, Vimedimex, Cermed GmbH cùng với Công ty RadioVaxx GmbH, Wiesbaden ký kết hợp tác liên danh với Công ty Eczacibasi Monrol (Eczacıbaşı-Monrol) của Thổ Nhĩ Kỳ. Mục tiêu là sản xuất, bào chế dược chất phóng xạ điều trị thụ thể Pepti và kháng nguyên màng đặc hiệu tuyến tiền liệt PSMA. Các phương pháp này có thể kết hợp với các hạt nhân phóng xạ phát tia β (Lu-177, Y-90) hoặc các hạt nhân phát tia α (Ac-225, Bi-213) trong điều trị bệnh lý u thần kinh nội tiết với 177Lu-Dotatate và ung thư tiền liệt tuyến di căn. Cùng với đó, các đơn vị liên danh cũng hướng tới sản xuất dược chất phóng xạ ghi hình phỏng đoán Ge68/Ga68. Đây là một đồng vị phóng xạ có nhiều ứng dụng mới tiềm năng, nhất là trong việc đánh dấu phóng xạ. Điều này giúp ghi hình chẩn đoán xác định giai đoạn bệnh, theo dõi đáp ứng sau điều trị của các bệnh lý ung thư thần kinh nội tiết, ung thư tuyến tiền liệt,… Theo thống kê của WHO, ung thư tuyến tiền liệt đứng thứ tư trong các loại ung thư phổ biến với số lượng gần 1,3 triệu ca mắc mới và đứng thứ 8 về tỷ lệ tử vong trong các loại ung thư. Do vậy, đồng vị phóng xạ Ge68/Ga68 được chỉ định dùng trong chụp cắt lớp phát xạ positron (PET), giúp xác định các tổn thương dương tính với kháng nguyên màng đặc hiệu của tuyến tiền liệt (PSMA) ở bệnh nhân ung thư. Phối tử đích PSMA lần đầu tiên được nghiên cứu kết hợp với nuclit phóng xạ technetium-99m và được biến đổi để dẫn xuất gali-68 tương ứng. Dược chất này hiện được kiểm chứng tính hiệu quả trong chẩn đoán và độ nhạy phóng xạ đối với các khối u thần kinh nội tiết và tuyến tiền liệt, qua đó nâng cao cơ hội chữa khỏi hoặc kiểm soát được bệnh lâu dài cho các bệnh nhân. "Với sự hợp tác chiến lược của Vimedimex, người bệnh tại Việt Nam sẽ sớm được thụ hưởng thành quả y học hạt nhân tiên tiến trên thế giới, trực tiếp sản xuất, bào chế và ứng dụng trị liệu tại Việt Nam", đại diện Vimedimex nói. Ra mắt trung tâm trị liệu xạ trị phân tử hạt nhân tại Việt Nam Mở đầu cho các hoạt động hợp tác chiến lược toàn diện giữa các bên là chuyến thăm và làm việc của GS Richard Baum với Vimedimex từ ngày 4-6/2 tại Hà Nội. GS Richard Baum được cộng đồng khoa học trên toàn thế giới biết đến là một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực y học hạt nhân, đã có nhiều năm công tác với vai trò lãnh đạo tại các Ủy ban về y học hạt nhân và phân tử phóng xạ. Đại diện Vimedimex cho biết, thành lập trung tâm trị liệu xạ trị phân tử hạt nhân ở Việt Nam là một trong những hoạt động nổi bật của lần hợp tác này. Trung tâm sẽ được điều hành bởi GS Richard Baum. Theo đó, quy mô của trung tâm sẽ từ 10 đến 12 giường, trị liệu bằng liệu pháp trị liệu phóng xạ thụ thể peptide (PRRT). Đây là liệu pháp liên quan đến phân tử (liệu pháp đồng vị phóng xạ) được sử dụng để điều trị cụ thể các loại ung thư, khối u carcinoid, ung thư biểu mô tế bào tuyến tụy, tế bào nhỏ ung thư phổi, u tế bào sắc tố (một khối u hiếm hình thành trong tuyến thượng thận), u dạ dày - ruột - tụy, các khối u thần kinh nội tiết. Giáo sư Richard Baum cho biết: "Thỏa thuận hợp tác chiến lược không chỉ là sự hợp tác kinh tế đơn thuần giữa những tập đoàn đa quốc gia phát triển trong lĩnh vực y học hạt nhân, mà còn là sự kết hợp sâu sắc giữa nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ vào thực tế - một mô hình đã thành công trên thế giới trong nhiều năm qua". Cùng với đó, đại diện Vimedimex cũng chia sẻ thêm, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Nguyên giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Tư vấn Nghiên cứu IQ Việt Nam (công ty thành viên của Vimedimex) sẽ chỉ đạo, hỗ trợ chuyên môn trong nghiên cứu lâm sàng tại các cơ sở khám chữa bệnh tại Việt Nam đối với các loại thuốc ung thư trong hợp tác này. |