Đồng thời, cần tiếp tục cải cách thể chế để phát triển bền vững và là nền tảng cho các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh. Các giải pháp này sẽ giữ vai trò quan trọng trong việc định hình hướng phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024.
Tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô Đánh giá về những khó khăn hiện tại của kinh tế Việt Nam, TS. Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng điều hành Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, trong giai đoạn 2023-2024, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia, khu vực trên phạm vi toàn cầu. Các yếu tố bất định đối với kinh tế Việt Nam có thể kể đến là tác động tiêu cực từ 3 “cơn gió ngược” bên ngoài. Đó là sự suy giảm tăng trưởng ở nhiều đối tác kinh tế lớn Việt Nam, nhất là Trung Quốc, thậm chí suy thoái tăng trưởng ở Đức và một vài nước EU, sự suy giảm thu nhập khả dụng ở các nước phát triển ảnh hưởng tiêu cực đến XK của Việt Nam. Chính sách thắt chặt tiền tệ ảnh hưởng tới tỉ giá, qua đó ảnh hưởng tới thương mại và đầu tư trong nước. Theo đó, giá cả quốc tế, nhất là giá dầu và các mặt hàng liên quan vẫn còn nhiều bất định, giá đầu vào nhiều sản xuất tuy giảm, song vẫn còn ảnh hưởng. Ngoài ra, khó khăn còn đến từ sự bất định về tình hình thực thi chính sách trong nước và tình hình biến động của thị trường bất động sản trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, theo Phó Viện trưởng điều hành Viện Kinh tế Việt Nam, bên cạnh những yếu tố bất lợi, kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng tạo nền tảng cho triển vọng phát triển của năm 2024 như: nền tảng kinh tế vĩ mô được giữ ổn định, lạm phát thấp, tỷ giá biến động nhỏ, thu chi ngân sách ổn định, đầu tư nước ngoài tăng mạnh... Thực tế cũng cho thấy, kinh tế Việt Nam quý 1 đã có những chỉ số phục hồi và phát triển khá tốt, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 1 các năm 2020-2023.
Theo TS Võ Trí Thành, việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô thời gian qua đã có nhiều nỗ lực. Đó là việc ổn định kinh tế vĩ mô, kích cầu tiêu dùng, du lịch và hỗ trợ người lao động, tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý với một nhiều luật “cũ” được cải thiện và xây “mới”, đáp ứng xu thế số, xanh, dịch chuyển chuỗi cung ứng,… cùng nhiều chính sách hiệu quả khác. Ba nhóm giải pháp định hình hướng phát triển Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) tháng 4/2024 đã nhận định, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng đạt mức tăng trưởng 6% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025. Để thúc đẩy tăng trưởng, ADB cho rằng, cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết những yếu kém về cơ cấu của nền kinh tế trong nước như: sự phụ thuộc nhiều vào ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI; mối liên kết lỏng lẻo giữa các ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu và phần còn lại của nền kinh tế; thị trường vốn non trẻ; sự phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng ngân hàng cũng như các rào cản pháp lý phức tạp đối với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ADB tin rằng, đầu tư công vẫn là một động lực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, và việc triển khai hiệu quả đầu tư công có ý nghĩa quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng. Cũng theo TS. Võ Trí Thành, Chính phủ Việt Nam cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kích thích tiêu dùng, đầu tư phát triển hạ tầng, thu hút FDI chất lượng qua tận dụng việc nâng cấp quan hệ đối tác với Hoa Kỳ, Nhật Bản và tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời, cần tiếp tục cải cách thể chế để phát triển bền vững và là nền tảng cho các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh. Ba nhóm giải pháp này sẽ giữ vai trò quan trọng trong việc định hình hướng phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024. “Phía trước còn nhiều khó khăn, song chúng ta vẫn có lý do để tin vào một kết quả tích cực hơn trong phát triển kinh tế năm 2024. Quan trọng hơn, hy vọng Việt Nam tạo dựng được những nền tảng cơ bản tốt hơn, chất lượng hơn, cả về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực, để bứt phá phát triển trong giai đoạn tới”, TS. Võ Trí Thành khẳng định. Đồng tình với quan điểm trên, theo TS. Trần Đình Thiên, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cần nhìn thẳng vào những thực chất của kinh tế Việt Nam. Bởi nền kinh tế Việt Nam đang gặp vấn đề không chỉ ở thị trường bất động sản mà là ở cấu trúc toàn thể của thị trường tài chính. Về mặt tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang có một nghịch lý thành công với việc GDP tăng trưởng cao nhưng lạm phát thấp, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng thị trường, doanh nghiệp, ngân hàng vẫn đối diện nhiều rủi ro. Điểm đặc biệt ở đây là hiện tượng tiền không thể chuyển thành vốn khả dụng để đóng góp cho tăng trưởng. “Nền kinh tế mở nhưng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm 2/3 kim ngạch xuất nhập khẩu. Nền kinh tế dồi dào tiền nhưng doanh nghiệp ‘khát’ vốn. Quy mô doanh nghiệp mới thành lập càng ngày càng nhỏ, dù số doanh nghiệp có tăng lên nhưng tuổi thọ thực sự của doanh nghiệp lại ngắn”, TS. Trần Đình Thiên phân tích. Cũng theo TS. Trần Đình Thiên, nước ta đang dần ổn định kinh tế vĩ mô, lãi suất huy động và cho vay duy trì xu hướng giảm. Do vậy, để biến thách thức thành cơ hội, cần khai thác hiệu quả động lực từ Quy hoạch quốc gia, các luật mới như Luật Đất đai và có cơ chế trao quyền cho các địa phương để gia tăng cơ hội thu hút đầu tư; có cách tiếp cận mới trong phát triển thị trường tài chính - tiền tệ; nghiên cứu xây dựng mô hình các khu sinh thái công nghiệp, khu thương mại tự do thế hệ mới... Bên cạnh đó cần nỗ lực khai thông nền kinh tế trên ba tuyến: hạ tầng giao thông, các kênh dẫn vốn, các cơ chế và thủ tục. |