Xuất hiện từ nhiều năm nay,ôđơnhiệpsĩltđ tbn họ là những “hiệp sĩ” đường phố xuất phát tự tâm. Trước thực trạng trộm cướp diễn ra nhiều nơi, ngày càng manh động, họ đã ra tay để bảo vệ cộng đồng, hỗ trợ cơ quan chức năng bảo vệ sự bình an của xã hội. Hoạt động của những “hiệp sĩ” đường phố đã phần nào khiến các đối tượng trộm cắp, cướp giật ở các đô thị chùn bước. Những “hiệp sĩ” đường phố hoàn toàn “tay không bắt giặc”, họ không hề có công cụ hỗ trợ khi săn bắt, trấn áp những đối tượng trộm cắp luôn có hung khí nguy hiểm và liều lĩnh chống trả. Họ làm hoàn toàn không công vì không ai trả thù lao, dù hầu hết những người này đều là người lao động nghèo, gia đình khó khăn. Đặc biệt, những “hiệp sĩ” đường phố không được bất cứ một quy định pháp luật nào bảo vệ.
Cũng chính vì những “hiệp sĩ” đường phố “cô đơn”, phải đối mặt với hiểm nguy như vậy nên những rủi ro đã xảy ra với cái giá là cả tính mạng của họ. Những “hiệp sĩ” có lường trước được những rủi ro như vậy không? Dĩ nhiên là có, nhưng mục đích cao cả đã thôi thúc họ. Còn chính quyền địa phương, cơ quan chức năng có nhận ra điều đó không? Không thể nói là không. Nhưng chính quyền các địa phương hầu như không có những hỗ trợ gì để bảo vệ họ ngoài những sự động viên về tinh thần.
Nhìn thẳng thực tế, để những “hiệp sĩ” đường phố “cô đơn” đối mặt với sự manh động của bọn trộm cướp phần nào đó do có sự thiếu trách nhiệm của chính quyền các địa phương; sự chưa làm hết trách nhiệm của cơ quan Công an trong việc trấn áp tội phạm. Khi những người nghĩa hiệp ngã xuống có lẽ sẽ làm những người có trách nhiệm động lòng, thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình để những “hiệp sĩ” có “manh áo giáp” tự bảo vệ mình. Và những lực lượng chức năng làm tròn nhiệm vụ để xã hội bớt đi những bất an, nguy hiểm mà từ đó không cần đến lực lượng “hiệp sĩ” tự phát.