Lời hiệu triệu doanh nhân
Theịthếcủadoanhnhacircntrongnềnkinhtếtruc tiep miamio các tư liệu lịch sử, sau Cách mạng tháng Tám giành chính quyền và Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945, ngân quỹ Trung ương của Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam chỉ còn vẻn vẹn 1,25 triệu đồng Đông Dương, trong đó có 580 ngàn đồng rách nát chờ tiêu hủy, nhưng các khoản nợ lại lên đến 564 triệu đồng Đông Dương.
Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành lập “Quỹ Độc lập” và “Tuần lễ Vàng”, nhằm thu nhận hiện vật nhân dân quyên góp cho Chính phủ. Đặc biệt, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay sau đó các doanh nhân, nhà tư sản dân tộc đã đóng góp vào “Quỹ Độc lập” và “Tuần lễ Vàng” hơn 20 triệu đồng Đông Dương và khoảng 370kg vàng, bảo đảm hoạt động cho chính quyền cách mạng những ngày đầu thành lập, trong đó vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ đã đóng góp 5.000 lượng vàng.
Trong giai đoạn hội nhập, vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong xây dựng và phát triển đất nước ngày càng quan trọng. Trong ảnh: Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Anh Minh cùng đại diện các sở, ngành làm việc với Công ty cổ phần sản xuất - xây dựng, thương mại và nông nghiệp Hải Vương về các dự án đầu tư tại tỉnh (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021)
Ngày 13-10-1945, trong bức thư động viên và khẳng định vai trò, sứ mệnh của doanh nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân đang phải cố gắng nỗ lực để giành lấy hoàn toàn nền độc lập, thì giới công thương cũng phải cố gắng nỗ lực để xây dựng nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng. Việc nước, việc nhà bao giờ cũng đi liền với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong cuộc kiến thiết này…”. Tư tưởng đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiệu triệu giới doanh nhân thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời điểm đất nước đầy khó khăn đó.
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đánh giá vai trò quan trọng của các nhà tư sản qua việc bổ nhiệm một nhà tư sản yêu nước, kinh doanh sách báo tiến bộ, kinh doanh lương thực, hàng nông sản trước Cách mạng tháng Tám là ông Lê Văn Hiến làm Bộ trưởng Tài chính đầu tiên của nước ta. Từ một nền tài chính kiệt quệ của một nhà nước non trẻ, Bộ trưởng Lê Văn Hiến đã lãnh đạo ngành tài chính vượt qua khó khăn, góp phần to lớn vào thành công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Vai trò ngày một lớn
Đại hội lần VI của Đảng năm 1986 tiếp tục khởi xướng công cuộc đổi mới với chính sách kinh tế nhiều thành phần, gồm kinh tế xã hội chủ nghĩa, kinh tế cá thể, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước và kinh tế tự nhiên ở vùng núi cao. Từ đó đến nay, 35 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã nhất quán chính sách phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đặc biệt, ngày 3-6-2017, Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Điều đó cho thấy kinh tế tư nhân ngày càng giữ vai trò quan trọng hơn, cũng có nghĩa giới doanh nhân ngày một vinh dự hơn, giữ vai trò cũng ngày một to lớn hơn.
Không khó nhận ra điều đó, với mọi nền kinh tế, tầng lớp doanh nhân luôn đóng góp vai trò vô cùng quan trọng. Họ là những người khởi xướng tạo ra sản phẩm mới, dịch vụ mới hay phương thức sản xuất mới. Từ đó thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp và thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Họ cũng là những người mở rộng thị trường, đẩy mạnh giao thương kinh tế giữa các quốc gia, tham mưu chiến lược kinh tế tốt nhất cho đất nước.
Mặc dù có sự phát triển mạnh mẽ thời gian qua cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, một thực tế là số lượng doanh nghiệp, doanh nhân và tỷ lệ doanh nghiệp/1.000 dân của Việt Nam còn khá thấp so với mặt bằng chung của các nước phát triển. Cũng vì thế, đóng góp của doanh nhân, doanh nghiệp đối với nền kinh tế nước ta chưa phát huy hết tiềm năng và chưa đạt được như kỳ vọng. Bên cạnh nhiều doanh nghiệp tư nhân đóng góp to lớn cho nền kinh tế, vẫn còn nhiều doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ hay hơn 5 triệu hộ gia đình kinh doanh “không muốn lớn”. Một bộ phận rất lớn trong đó tham gia kinh doanh chỉ nhằm mưu sinh và chỉ làm cầm chừng, cốt cho “đủ ăn” chứ không dám làm ăn lớn hay làm ăn dài hạn.
“Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2021” do Tổng cục Thống kê công bố năm 2020, tính đến ngày 31-12-2020, cả nước có 811.538 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó TP. Hồ Chí Minh đứng đầu với 254.669 doanh nghiệp, Hà Nội đứng thứ 2 với 165.875 doanh nghiệp. Tiếp đến, thứ 3 là Bình Dương với 34.836 doanh nghiệp, thứ 4 là Đồng Nai với 24.270 doanh nghiệp, thứ 5 là Đà Nẵng với 23.666 doanh nghiệp, thứ 6 là Hải Phòng với 20.195 doanh nghiệp, thứ 7 là Quảng Ninh với 165.875 doanh nghiệp, thứ 8 là Thanh Hóa với 13.152 doanh nghiệp, thứ 9 là Bắc Ninh với 12.769 doanh nghiệp, thứ 10 là Nghệ An với 11.636 doanh nghiệp. Trong sách trắng này, đến ngày 31-12-2020, Bình Phước được ghi nhận có 5.831 doanh nghiệp. Mật độ doanh nghiệp bình quân, cao nhất cả nước cũng là TP. Hồ Chí Minh với 27,6 doanh nghiệp/1.000 dân, tiếp đến là Hà Nội với 20,1, Bình Dương 13,5, Hải Phòng 9,8, Bà Rịa - Vũng Tàu 9,4... Bình Phước là 5,8 doanh nghiệp/1.000 dân. |
Ngày 20-9-2004, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg lấy ngày 13-10 hằng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam. Một trong những mục tiêu của Đảng và Nhà nước ta là xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, giác ngộ chính trị, văn hóa kinh doanh, có trách nhiệm xã hội cao, có đủ năng lực, trình độ để vươn tầm thế giới. Sau 17 năm lấy ngày 13-10 là “Ngày Doanh nhân Việt Nam”, trong giai đoạn hiện nay - giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, việc tôn vinh, khẳng định vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong xây dựng và phát triển đất nước ngày càng trở nên quan trọng. Cũng vì thế, ngay lúc này, rất cần một giải pháp căn cơ, đồng bộ để hàng triệu hộ gia đình kinh doanh có thể trở thành những doanh nghiệp đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước.
Hưng Nguyên