Thời gian qua, thị trường bán lẻ trong nước chứng kiến các thương vụ M&A, góp vốn rầm rộ của các nhà đầu tưnước ngoài. Các thương vụ điển hình là nhà đầu tư gốc Thái Lan mua lại toàn bộ Metro, Big C; hoặc mua lại một phần vốn góp trong Điện máy Nguyễn Kim, hệ thống siêu thị Lan Chi; các nhà đầu tư Nhật Bản mua phần vốn góp, cổ phần trong Điện máy Trần Anh, Citimart.... Ở góc độ quản lý ngành, Bộ Công thương cho rằng, những diễn biến của xu hướng này và những tác động tới thị trường trong nước trong thời gian qua chưa thực sự đáng lo ngại. "Không có chuyện hệ thống bán lẻ trong nước có nguy cơ bị các doanh nghiệp nước ngoài thao túng và chiếm lĩnh thị trường. Nhìn vào thị phần của khối doanh nghiệp vốn nước ngoài trong khu vực thị trường bán lẻ, dễ dàng nhận thấy điều này", đại diện Bộ Công thương khẳng định. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ, thành phần kinh tếcó vốn đầu tư nước ngoài hiện nay chiếm khoảng 3,5 - 4%. Doanh nghiệp vốn nước ngoài tham gia thị trường bán lẻ Việt Nam chủ yếu ở phân khúc thị trường bán lẻ hiện đại và chiếm khoảng 25-30% thị phần, trong đó vốn ngoại chiếm khoảng 15% thị phần của phương thức bán lẻ qua trung tâm thương mại, siêu thị có diện tích trên 500m2; 50% thị phần của phương thức bán lẻ qua cửa hàng tiện lợi, 10% thị phần của phương thức bán hàng qua siêu thị mini và khoảng 50% thị phần của phương thức bán lẻ không thông qua cửa hàng. Bộ Công thương cho rằng, thực tiễn cho thấy việc thích nghi và phát triển tại thị trường Việt Nam của các nhà bán lẻ nước ngoài trong thời gian qua thường không được như kỳ vọng ban đầu của họ. Điển hình Metro Cash & Carry của Đức đã bán lại cả chuỗi 19 siêu thị Metro cho TC Land của Thái Lan vào năm 2015 và từ đó đến nay, TC Land vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình hình doanh mà chưa mở mới được siêu thị nào. Casino- Pháp bán lại chuỗi 66 siêu thị Big C cho BJC Thái Lan và hiện nay vẫn đang trong quá trình ổn định tổ chức, mới chỉ mở thêm được duy nhất một siêu thị tại Hà Nội. Parkson đến nay đã đóng cửa 5/9 trung tâm thương mại và báo lỗ liên tiếp 8 năm gần đây. Aeon phải chuyển lại 30% cổ phần trong hệ thống 23 siêu thị Fivimart - Aeon cho Vingroup vào cuối năm 2018 để Vingroup sở hữu 100% hệ thống này và đến nay, sau 8 năm hoạt động tại Việt Nam Aeon cũng mới mở được 04 Trung tâm thương mại Aeon thay vì kỳ vọng vài chục trung tâm thương mại như ban đầu. Gần đây nhất, ngày 16/5/2019, Tập đoàn Auchan Pháp tuyên bố sẽ rút khỏi thị trường Việt Nam sau 5 năm hoạt động và dự kiến sẽ chuyển nhượng lại chuỗi 18 siêu thị cho một doanh nghiệp nội. Trong khi đó, mặc dù chỉ mới diện diện trên thị trường 4 năm, nhưng đến hết 31/12/2018, Vimart và Vinmart+ của Tập đoàn Vingroup đã có 1.700 siêu thị mini và hơn 100 siêu thị trên 44 tỉnh, thành phố trên toàn quốc (trong đó bao gồm 2 thương vụ mua lại 23 siêu thị Fivimart và 87 cửa hàng tiện lợi Shop & Go) và trở thành nhà bán lẻ đứng đầu ở Việt Nam. Theo kế hoạch phát triển của Vinmart và Vinmart+, đến năm 2020, hệ thống sẽ có 200 siêu thị và 4.000 siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi tại khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Các doanh nghiệp bán lẻ khác như Saigon Coop, Satra cũng đều có những bước phát triển rất đáng khích lệ và lần lượt xếp vị trí thứ 3 và thứ 7 trong top 10 nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Trong bối cảnh thị trường bán lẻ có sự thoái lui của không ít nhà đầu tư sau một thời gian kinh doanh không như kỳ vọng, nhưng Bộ Công Thương vẫn khẳng định, thị trường bán lẻ Việt Nam với gần 100 triệu dân vẫn luôn là một điếm đến hấp dẫn đối với các nhà bán lẻ nước ngoài. "Ngày càng có nhiều nhà bán lẻ nước ngoài muốn gia nhập thị trường và dự báo với đà phát triển hiện nay, nếu không được kiểm soát, định hướng tốt trong trung và dài hạn, mức độ và khả năng tác động, chi phối của khối doanh nghiệp vốn ngoại đến thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ ngày càng gia tăng, đặc biệt ở phân khúc thị trường bán lẻ hiện đại và ở địa bàn đô thị, tác động trực tiếp tới sự phát triển của sản xuất, phân phối trong nước", Bộ Công thương khuyến cáo. |