Theo đó, Thông tư số 112 quy định người nộp phí là tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thẩm định trong lĩnh vực quản lý nuôi trồng thủy sản. Đơn vị thu phí là Tổng cục Thủy sản; Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản và cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Mức phí thẩm định cấp giấy chứng nhận vật tư thủy sản (thẩm định cấp giấy chứng nhận thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản nhập khẩu) là 470.000 đồng//lần/sản phẩm; phí thẩm định kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực thủy sản (thẩm định kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản đối với cơ sở sản xuất) có mức phí là 5.700.000 đồng/lần; phí thẩm định công nhận hoặc chỉ định, giám sát phòng kiểm nghiệm, phòng thử nghiệm trong lĩnh vực thủy sản (thẩm định công nhận hoặc chỉ định, giám sát phòng kiểm nghiệm, phòng thử nghiệm trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản) là 5.700.000 đồng/lần. Tại Thông tư, Bộ Tài chính quy định, chậm nhất là ngày 5 hàng tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách mở tại Kho bạc Nhà nước. Tổ chức thu phí thực hiện kê khai, nộp số tiền phí thu được theo tháng, quyết toán năm theo quy định tại Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/2/2022, đồng thời bãi bỏ Thông tư số 284/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực quản lý chất lượng vật tư nuôi trồng thủy sản và Thông tư số 09/2018/TT-BTC ngày 25/1/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 284/2016/TT-BTC. |