Thăng trầm “vị cay”
Từng là một trong những vựa tiêu lớn nhất tỉnh,ướngđbảng xep hạng tbn cây tiêu đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho các gia đình ở Bù Đốp. Tuy nhiên, những năm gần đây, năng suất các vườn tiêu liên tục giảm sút, cây tiêu chết hàng loạt, khiến nhiều nông hộ nơi đây bỏ vườn hoặc đầu tư cầm chừng. Nguyên nhân được xác định, ngoài yếu tố do biến đổi khí hậu, mưa, nắng trái mùa, dị thường tác động đến năng suất cây tiêu, còn có yếu tố con người. Giá tiêu giảm sâu, trong khi giá vật tư nông nghiệp, thuê nhân công thu hái, chăm sóc không giảm. Chính điều này đã khiến nông dân thiếu đầu tư chăm sóc và đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến năng suất vườn tiêu giảm mạnh.
Trong khi những vườn tiêu khác mất mùa, sâu bệnh, vườn tiêu của gia đình ông Nguyễn Văn Đô ở xã Thanh Lương, TX. Bình Long vẫn cho thu hoạch vụ năm 2020với trái sai, nặng hạt - Ảnh minh họa: Ngọc Bích
Ông Trần Văn Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Đốp cho biết: “Tiêu là một trong những loại cây trồng khó tính, rất dễ phát sinh dịch bệnh, nhất là bệnh chết nhanh, chết chậm. Những năm trước, do giá tiêu tăng đột biến, nhiều nông hộ chạy theo lợi nhuận, trồng ồ ạt trên diện tích không phù hợp hoặc đã xảy ra dịch bệnh nhưng không được xử lý đúng quy trình trước khi trồng. Vì vậy, hiện nay rất nhiều vườn tiêu bị dịch bệnh, năng suất thấp. Tiêu ra bông nhiều nhưng không đậu trái”.
Dạo quanh các xã Phước Thiện, Thiện Hưng, huyện Bù Đốp những ngày này, điều dễ nhận thấy là những vườn tiêu xanh tốt một thời nay đã không còn. Thay vào đó là những vườn điều non đang lấn dần các trụ tiêu hoặc là những vườn tiêu vàng úa, cỏ mọc um tùm. Một vài vườn đang được xen canh trồng bưởi da xanh. Một số hộ tận dụng nọc tiêu trồng hoa thiên lý. Lác đác vài vườn tiêu non xanh mướt đang trong giai đoạn kiến thiết, được trồng và đầu tư chăm sóc bài bản theo hướng hữu cơ sinh học với mục tiêu đón đầu cơ hội ở phía trước…
Hướng đến sản xuất bền vững
Nhận định những khó khăn của thị trường và biến đổi khí hậu, kỹ thuật đầu tư, chăm sóc đối với cây tiêu những năm gần đây, ngành nông nghiệp huyện Bù Đốp đã tập trung định hướng nông dân đầu tư tái canh hoặc thâm canh đối với những diện tích hội đủ các điều kiện. Ngành cũng định hướng nông dân chuyển đổi những diện tích không phù hợp hoặc đã xảy ra dịch bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu sang trồng các loại cây khác phù hợp hơn, hoặc trồng cỏ chăn nuôi.
Phó chủ tịch UBND xã Thiện Hưng Nguyễn Mạnh Cường (bìa phải) thăm vườn tiêu hữu cơ của gia đình anh Phương Thành Danh
Ông Trần Văn Thành cho biết thêm: “Hiện nay, rất nhiều nông hộ ở Bù Đốp một thời trồng tiêu nay chuyển sang trồng cỏ nuôi bò hoặc dê mang lại hiệu quả kinh tế cao. Một số hộ chuyển sang trồng điều, cây ăn trái. Đặc biệt, thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện cũng đã định hướng nông dân giải quyết một cách đồng bộ từ sản xuất đến bảo quản, chế biến và thực hiện tốt công tác thị trường trong sản xuất tiêu. Đồng thời hướng dẫn bà con đăng ký thương hiệu, mẫu mã sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, tìm đầu ra ổn định”.
Trên cơ sở định hướng của ngành, thời gian gần đây, nhiều nông hộ ở Bù Đốp đã chuyển sang tái canh vườn tiêu theo hướng an toàn sinh học. Cây hồ tiêu được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, nhờ sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt và phân bón hữu cơ vi sinh nên vườn tiêu luôn xanh tốt, cho năng suất cao và được thị trường đón đợi.
Hơn 20 năm gắn bó với nghề trồng tiêu, hiện gia đình anh Phương Thành Danh ở thôn 10, xã Thiện Hưng đang có 9 ha tiêu. 3 năm trở lại đây, hộ anh đã chuyển sang trồng tiêu hữu cơ, sử dụng hệ thống tưới phun tự động nên các vườn tiêu xanh tốt và cho năng suất trung bình từ 4-5 tấn/ha. Bởi vậy, dù giá trên thị trường giảm nhưng gia đình anh luôn có sản lượng bù lại và không lo đầu ra sản phẩm.
“Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng an toàn, bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp là một trong những chương trình đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI. Đối với cây tiêu, huyện cũng đã xác định, tập trung phát triển theo chuỗi giá trị hữu cơ và mở rộng chuỗi cung ứng “Hồ tiêu bền vững đạt tiêu chuẩn Rain Forest”. Đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan tạo liên kết vùng sản xuất tiêu Bù Đốp - Lộc Ninh”. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Đốp Trần Văn Thành |
Anh Phương Thành Danh cho biết: “Trong giai đoạn hiện nay, muốn bền vững thì phải sản xuất theo xu thế thị trường. Thị trường thế giới hiện nay luôn có nhu cầu về tiêu sạch. Bởi vậy, các công ty gia vị liên kết với mình và yêu cầu sản xuất theo đơn đặt hàng. Làm được điều này thì mình không lo đầu ra cho sản phẩm và giá thị trường”. Nhờ chủ động nắm bắt thị trường, tham gia chuỗi liên kết sản xuất tiêu theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học, các vườn tiêu của gia đình anh Danh luôn đạt năng suất cao. Đây cũng là mô hình, điểm đến tham quan, học tập kinh nghiệm của nhiều nông hộ trồng tiêu trong bối cảnh hiện nay.
Hồ tiêu là loại cây công nghiệp dài ngày, chu kỳ kinh doanh cả chục năm, vốn đầu tư ban đầu lớn. Tuy nhiên, việc nông dân phát triển ồ ạt, không theo quy hoạch, quy trình kỹ thuật canh tác và chất lượng cây giống, vật tư nông nghiệp “mạnh ai nấy làm” đã để lại hệ quả nhãn tiền. Vấn đề đặt ra hiện nay là sự định hướng của ngành nông nghiệp, cần thiết phải hình thành các vùng chuyên canh hồ tiêu, sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học có sự liên kết, bao tiêu, ổn định đầu ra cho sản phẩm.