Gói hỗ trợ này cũng nhằm mục đích giúp giảm bớt tác động của đợt tăng thuế tiêu dùng gần đây và giúp đất nước trụ vững trước nguy cơ kinh tế giảm sút sau khi chính phủ chi tiêu “mạnh tay” cho Thế vận hội Tokyo 2020. Theo kế hoạch, Chính phủ Nhật Bản sẽ chi khoảng 6.000 tỷ Yên cho đầu tư công sau khi một loạt thảm họa thiên nhiên, trong đó có siêu bão Hagibis, đã gây thiệt hại lớn cho cơ sở hạ tầng. Nền kinh tế Nhật Bản ghi nhận tăng trưởng từ đầu năm đến nay, một phần nhờ nhu cầu tăng mạnh liên quan đến các hoạt động chuẩn bị cho Thế vận hội, sẽ bắt đầu vào tháng 7/2020. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cảnh báo Tokyo có thể hứng chịu ảnh hưởng hậu Thế vận hội. Bên cạnh đó, gói hỗ trợ trên cũng giúp giảm bớt tác động của việc tăng thuế tiêu dùng từ 8% lên 10%, có hiệu lực vào ngày 1/10/2019, và giúp các công ty Nhật Bản chuẩn bị cho sự suy giảm kinh tế toàn cầu do tranh chấp thương mại Mỹ-Trung. Tuy vậy, chuyên gia kinh tế Yusuke Shimoda thuộc Viện Nghiên cứu Nhật Bản cảnh báo ảnh hưởng của gói hỗ trợ này có thể “bị giới hạn". Theo ông Shinmoda, gói hỗ trợ này có khả năng thúc đẩy các doanh nghiệp liên quan đến cơ sở hạ tầng, nhưng không có khả năng hỗ trợ cải cách nền kinh tế tăng trưởng chậm này. Theo hãng tin Kyodo, gói hỗ trợ trên cũng sẽ bao gồm các biện pháp hỗ trợ mở rộng xuất khẩu nông sản của chính phủ khi thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Nhật Bản dự kiến sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2020. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản sẽ giúp người dân độ tuổi từ 30-40, vốn đang gặp khó trong tìm kiếm việc làm do kinh tế chậm lại, có được công việc mới. Phản ứng trước động thái này của Chính phủ Nhật Bản, trên thị trường chứng khoán Tokyo chỉ số Nikkei 225 tăng 0,71%, còn chỉ số Topix tăng 0,48%./. Theo TTXVN |