Khổ vì chấm, phẩy chưa đúng cách Phát triển doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam đang trở thành một xu hướng mạnh mẽ và có tiềm năng mang lại những giá trị đột phá cho quá trình phát triển kinh tế của đất nước trong thời gian tới. Nhận thức rõ về tầm quan trọng của kinh tế tư nhân, mới đây, Hội nghị lần thứ 5 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã quyết định sẽ ban hành nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân, coi đây là khu vực, động lực quan trọng của nền kinh tế. Theo ông Đào Huy Giám, Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF), để làm được điều đó, yếu tố quan trọng và cần thiết hàng đầu chính là sự sáng tạo, hay hiểu theo nghĩa rộng hơn đó là môi trường cho sự phát triển tri thức và công nghệ mới dựa trên những ý tưởng và khởi nghiệp sáng tạo chính là yếu tố cấu thành của sự phát triển đó. Muốn phát triển kinh tế tư nhân thì hoạt động sáng tạo phải được chú trọng hàng đầu và chọn khởi nghiệp sáng tạo là yếu tố ưu tiên trong thời gian tới. Thực tế cho thấy, dù cải cách thủ tục hành chính là một trong những công việc trọng tâm trong xây dựng Chính phủ kiến tạo với mục tiêu hướng tới phục vụ DN, nhưng thực tế, rào cản mang tên thủ tục hành chính vẫn là nỗi lo lớn nhất của các DN tư nhân trong quá trình khởi nghiệp, trong đó có các DN khởi nghiệp sáng tạo, là những DN khởi nghiệp dựa trên yếu tố công nghệ, đột phá. Chia sẻ về những khó khăn của các DN trong quá trình khởi nghiệp, đại diện một DN chuyên về tư vấn thủ tục pháp lý và môi trường tại Hà Nội cho biết, ngoài ý tưởng sáng tạo trong kinh doanh cũng như vấn đề vốn đầu tư thì vấn đề thủ tục hành chính cũng rất quan trọng đối với các DN khởi nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, hiện nay thủ tục hành chính liên quan đến cấp phép đang chậm trễ, có dự án thậm chí mất tới 3-4 năm vẫn chưa được cấp phép, như vậy có sáng tạo đến mấy mà không được cấp phép thì cũng không làm được gì. Cũng phản ánh về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Huyền, đại diện một DN khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực môi trường tại Bắc Giang- Công ty TNHH Dịch vụ giáo dục và môi trường STK cho biết, hồ sơ đăng ký thành lập DN, chuyển đổi lĩnh vực kinh doanh của DN đã bị giam nhiều ngày sau nhiều lần bị trả đi trả lại chỉ vì sai dấu chấm, dấu phẩy. “Nếu cơ quan chức năng linh động thì thủ tục đã nhanh hơn. Tuy nhiên việc thoàn thiện hồ sơ của chúng tôi đã bị kéo dài. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến công sức, làm cho DN phải đi lại nhiều, ảnh hưởng đến tài chính, thời gian của DN, trong khi nguồn vốn của DN ít, khả năng kêu gọi vốn kém… Thật sự những điều nhỏ như thế này nếu được tạo điều kiện thì sẽ cảm hứng cho DN, nhưng ngược lại cũng có thể làm cho các DN khởi nghiệp sáng tạo “mất hứng”, đại diện DN này cho biết. Chia sẻ này đã nhận được tràng pháo tay ủng hộ của tất cả các đại biểu có mặt tại hội trường. Những khó khăn trong việc xin giấy phép đăng ký kinh doanh cũng khiến cho nhiều DN khởi nghiệp sáng tạo phải “sáng tạo” để hoạt động. Chia sẻ về trường hợp của DN mình, đại diện một DN khởi nghiệp sáng tạo tại Thái Nguyên cho biết: “DN của chúng tôi áp dụng thực hiện một số biện pháp luyện tập và phương pháp yoga để chữa cận thị, tuy nhiên việc đăng ký kinh doanh và đăng ký sở hữu trí tuệ mất rất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý băn khoăn không biết lĩnh vực kinh doanh của DN thuộc về y tế hay thể thao. Trong quá trình đó ý tưởng kinh doanh có thể bị đánh cắp nên hiện tại chúng tôi cứ làm trước, sau đó sẽ xin cấp phép sau”, đại diện DN này cho biết. Tuột vốn vì thủ tục Không chỉ khởi nghiệp, hiện nay các DN tư nhân cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình tiếp cận vốn đầu tư. Với DN khởi nghiệp sáng tạo, nguồn vốn đầu tư hiện nay chủ yếu là vốn đầu tư đến từ nước ngoài. Việc kêu gọi, thuyết phục để được nhận các suất đầu tư này là rất khó khăn, song có trường hợp, dù đã kêu gọi được vốn đầu tư nhưng vì thủ tục phê duyệt từ phía Việt Nam quá chậm trễ đã làm cho họ mất đi cơ hội quý báu này. Ông Nguyễn Quốc Toán, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tiến Việt Thái cho biết, trong thời điểm giá thực phẩm xuống đáy, chúng tôi đẩy mạnh việc ứng dụng sản phẩm sạch trong chăn nuôi. DN đã xin được vốn tài trợ lớn từ Pháp để đầu tư nhà máy sản xuất sản phẩm thay thế thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, để DN kêu gọi được vốn đã khó, đưa nguồn vốn này về Việt Nam còn khó khăn hơn nhiều. DN đã phải đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trải qua 17 tháng và sau khi DN phải trực tiếp gửi công văn cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì vướng mắc của dự án mới được xử lý, tuy nhiên, thời gian đó là quá dài đối với đối tác Pháp. Họ đã không chấp nhận và DN lại phải làm lại từ đầu. Hiện nay, bên cạnh khó khăn đến từ khách quan, những khó khăn trong khởi nghiệp của DN cũng đến từ nguyên nhân nội tại của DN. Về vấn đề này, bà Nguyễn Diệu Tú, Phó Tổng giám đốc, cổ đông sáng lập Công ty Cổ phần BMSGROUP Global cho rằng, khởi nghiệp tại Việt Nam đang có xu hướng nở rộ thu hút sự quan tâm của nhiều cá nhân, đặc biệt là các bạn trẻ, các DN và các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, đa phần các DN khởi nghiệp tại Việt Nam chưa đi vào chiều sâu và phát triển bền vững, trong khi đó lại mong muốn gặt hái kết quả nhanh, điều này dẫn tới nhiều DN chưa kịp mừng sinh nhật lần thứ 2 đã gặp nhiều khó khăn, thử thách dẫn tới giải thể, dừng hoạt động. Đánh giá cao tinh thần của các DN khởi nghiệp Việt Nam, tuy nhiên bà Tú cho rằng, với sức ép thị trường gia tăng thì việc các dự án khởi nghiệp, từ ý tưởng đến hiện thực và để tồn tại, kinh doanh hiệu quả, phát triển bền vững thực sự là bài toán không dễ dàng. “Ngoài chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước và sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành, cần tạo ra nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ trực tiếp cho DN khởi nghiệp hơn nữa. Bản thân những cá nhân, DN khởi nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực quản trị điều hành, bổ sung kiến thức thực tế về DN, thị trường… tăng cường kỹ năng và trau dồi thái độ để có thể đưa DN khởi nghiệp của mình vượt qua những khó khăn thách thức từ thị trường cạnh tranh khốc liệt”, bà Nguyễn Diệu Tú nhấn mạnh. |