Đây là nội dung báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND thành phố về “Tình hình, kết quả công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố trong tình hình mới” trong buổi giao ban trực tuyến quý III/2017 với 30 quận, huyện về quản lý trật tự đô thị, công tác phòng cháy chữa cháy, vừa được tổ chức tại Hà Nội ngày 25/9. Theo báo cáo, Hà Nội hiện có khoảng gần 500.000 nhà ống, trong đó có trên 120.000 nhà có kết hợp kinh doanh dịch vụ, mặt tiền thường bị bịt kín, thiếu lối thoát nạn... khi xảy ra cháy, nổ sẽ gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. “Số liệu thống kê cháy nổ những tháng đầu năm 2017 cho thấy tình hình đang diễn ra nghiêm trọng, Sở Cảnh sát PCCC và các quận huyện cần có kế hoạch về công tác PCCC mạnh mẽ hơn. Mỗi hộ dân phải xây dựng phương án PCCC và phương án thoát hiểm. Vụ cháy tại thị trấn Xuân Mai sáng 25/9 cho thấy chỉ cháy 1 chiếc lốp cũng có thể gây chết người do khói rất độc. Khi xảy ra cháy, đơn vị PCCC, lãnh đạo phường xã, quận huyện cũng phải chịu trách nhiệm”. Cùng với việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về PCCC, Sở Cảnh sát PCCC tiếp tục công khai các trường hợp nhà chung cư chưa đảm bảo công tác PCCC. Thời gian qua, trong danh sách công bố 79 nhà chung cư vi phạm về PCCC, mới chỉ có 19 trường hợp chung cư vi phạm tự khắc phục, còn 60 trường hợp chưa khắc phục; yêu cầu, tới đây các đoàn kiểm tra của thành phố phải chỉ rõ lỗi vi phạm và xử lý kiên quyết đối với các trường hợp còn vi phạm. Sở Cảnh sát PCCC phải sớm hoàn thành quy chế cưỡng chế nếu các đơn vị không đảm bảo PCCC. Theo báo cáo PCCC, qua thống kê số vụ cháy hàng năm cũng như hậu quả thiệt hại về người và tài sản do cháy gây ra vẫn có dấu hiệu gia tăng (trung bình từ 600 - 800 vụ/năm). Địa bàn xảy ra cháy tập trung nhiều ở các quận nội thành (chiếm khoảng 75%); chủ yếu ở các doanh nghiệp kinh tế tư nhân và nhà dân (chiếm từ 75% - 80%). Số vụ cháy lớn chỉ chiếm từ 1 - 2%, nhưng thiệt hại chiếm khoảng 80 - 85% do xảy ra tại các địa điểm tập trung đông người như nhà cao tầng, quán karaoke, nhà hàng, quán ăn. Đáng chú ý là những vụ xảy ra tại loại hình nhà ở (dạng nhà ống) kết hợp kinh doanh dịch vụ, nhà kho, xưởng sản xuất, kho tạm… Nguyên nhân do sự cố chập điện chiếm tỷ lệ cao, chiếm 60 - 65%. Các vụ cháy do hàn cắt kim loại trong quá trình xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà, công trình chiếm tỷ lệ thấp, song gây hậu quả nghiêm trọng. Theo TTXVN |