Theo đó, ngành Thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra bằng phương thức điện tử; áp dụng việc phân loại doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin.
Tăng cường kiểm tra tại cơ quan thuế
Năm 2020 đã khép lại, đánh dấu những nỗ lực to lớn của ngành Thuế trong việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao. Năm 2020 cũng là năm cải cách hành chính mạnh mẽ của ngành Thuế trong điều kiện đại dịch Covid-19 bùng phát khắp thế giới, trong đó có Việt Nam.
Thực hiện Chỉ thị 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19; Nghị quyết 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19, công tác quản lý thuế nói chung và công tác thanh tra, kiểm tra thuế nói riêng cũng phải thay đổi cho phù hợp với tình hình mới. Vấn đề đặt ra là công tác thanh tra, kiểm tra thuế vừa phải đảm bảo một môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, vừa phải ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, gian lận, trốn thuế nhưng không ảnh hưởng đến điều kiện kinh doanh tốt nhất của doanh nghiệp.
Ông Vũ Mạnh Cường - Vụ trưởng Vụ Thanh tra, kiểm tra (Tổng cục Thuế) cho biết, để đảm bảo tất cả các mục tiêu trên đây, Tổng cục Thuế đã thay đổi phương thức thanh tra, kiểm tra thuế. Đó là tăng cường thanh tra, kiểm tra tại bàn, hạn chế tối đa thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở doanh nghiệp.
Báo cáo của Tổng cục Thuế cho thấy, kết quả thanh tra, kiểm tra thuế năm 2020 đã có những thay đổi theo hướng tăng mạnh tỷ lệ kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế. Toàn ngành đã kiểm tra được 819.726 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế, bằng 158,38% so với năm 2019, qua đó xử lý điều chỉnh thu vào ngân sách hơn 1.624 tỷ đồng, bằng 258,31% so với năm 2019; giảm khấu trừ hơn 175 tỷ đồng, bằng 103,34% so với năm 2019; giảm lỗ hơn 1.047 tỷ đồng, bằng 148,11% so với năm 2019.
Ứng dụng công nghệ thông tin mang lại kết quả tích cực
Cùng với việc tăng cường kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế, ngành Thuế cũng đã cải cách phương pháp thanh tra, kiểm tra thuế theo phương thức thanh tra, kiểm tra điện tử. Việc tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra thuế nhằm giảm thời gian thanh tra, kiểm tra, hạn chế tiếp xúc với người nộp thuế, cũng phù hợp với Chỉ thị 11 của Thủ tướng và Nghị quyết 84 của Chính phủ là không thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Tuy nhiên, để ngăn ngừa các doanh nghiệp lợi dụng dịch bệnh để vi phạm pháp luật thuế, ngành Thuế đã áp dụng công nghệ thông tin để phân tích rủi ro, lựa chọn các doanh nghiệp có rủi ro cao, có mức bình quân tăng trưởng không biến động so với năm 2019 để thực hiện thanh tra, kiểm tra thuế.
“Với số lượng cả gần 1 triệu doanh nghiệp, nếu không áp dụng công nghệ thông tin thì sẽ không lựa chọn được doanh nghiệp có rủi ro cao. Với yêu cầu đó, cơ quan thuế đã khai thác dữ liệu tập trung tại cơ quan thuế để phân tích một cách chuyên sâu tình hình kinh doanh của doanh nghiệp; ban hành quy trình thực hiện, nghiêm cấm việc yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dữ liệu đã có sẵn trên hệ thống thuế” - ông Cường nói.
Để công tác kiểm tra tại cơ quan thuế đạt hiệu quả, Tổng cục Thuế đã ban hành quy trình kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng có dấu hiệu gian lận trốn thuế. Quy trình này giúp thống nhất, công khai, minh bạch, phòng ngừa tiêu cực, nhũng nhiễu và hạn chế tối đa việc tiếp xúc với doanh nghiệp.
“Để thực hiện quy trình, cơ quan thuế đã tạo cổng thông tin trao đổi với doanh nghiệp. Mọi tài liệu, trao đổi, đánh giá, quyết định kiểm tra được thực hiện trao đổi qua cổng thông tin, hoặc số điện thoại của cơ quan thuế được công bố. Việc kiểm tra được giao cụ thể cho từng tổ, tối thiểu 2 người và được giám sát bằng quy trình nhật ký điện tử. Với việc áp dụng nhật ký điện tử này, lãnh đạo cơ quan thuế các cấp sẽ theo dõi và biết được hoạt động thanh tra, kiểm tra cụ thể hàng ngày của từng đoàn, từng tổ thanh tra, kiểm tra” - ông Cường chia sẻ.
Với những giải pháp quyết liệt, sự cải cách mạnh mẽ, thực tế kết quả thanh tra, kiểm tra thuế đạt được đã phản ánh đầy đủ việc đổi mới phương pháp thanh tra, kiểm tra thuế, mang lại kết quả rất tích cực, giúp ngành Thuế ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, gian lận, trốn thuế của doanh nghiệp. Đồng thời, Ngăn ngừa được hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu trong công tác thanh tra, kiểm tra thuế.
Tăng thu qua thanh tra, kiểm tra trên 72.686 tỷ đồng Do tăng cường thanh tra, kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế, nên số cuộc thanh tra, kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp năm 2020 giảm so với cùng kỳ. Báo cáo cho thấy, năm 2020 toàn ngành Thuế đã thực hiện được 85.059 cuộc thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế, đạt 91,98% kế hoạch năm 2020, bằng 88,38% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra (tại trụ sở cơ quan thuế và trụ sở người nộp thuế) năm 2020 là trên 72.686 tỷ đồng, bằng 112,65% so với năm 2019. |
Nhật Minh