Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Văn Chung |
Tích hợp định danh điện tử với các nền tảng thuế
Báo cáo tại Hội nghị chuẩn bị sơ kết 1 năm triển khai Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cho biết, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg, các bộ, ngành đã chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết với những nhiệm vụ cụ thể của từng bộ, ngành để triển khai theo chức năng nhiệm vụ, đồng thời cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài chính để phối hợp triển khai.
Kế hoạch triển khai của từng bộ, ngành đã được xây dựng cụ thể chi tiết theo từng nhóm công việc, phân công đơn vị chịu trách nhiệm triển khai, đơn vị phối hợp và thời hạn hoàn thành.
Ông Mai Sơn thông tin, hiện nay các bộ, ngành đã và đang triển khai các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị 18/CT-TTg, cơ bản đã đáp ứng đúng tiến độ đặt ra cho từng giai đoạn đến hết năm 2025. Với sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, theo đó một số nhiệm vụ đã được hoàn thành như: Bộ Công an đã hoàn thành triển khai hệ thống định danh điện tử trên toàn quốc. Cùng với đó, Bộ Công an và Bộ Tài chính đã hoàn thành việc kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư để thực hiện việc rà soát đồng bộ CSDL quốc gia về dân cư với CSDL về mã số thuế.
Đến nay, nếu tính trên số lượng mã số thuế không bao gồm người phụ thuộc và các mã số thuế không có nghĩa vụ thuế, hoặc không có thông tin giấy tờ (chứng minh nhân dân, căn cước công dân) thì đã hoàn thành trên 90% việc rà soát, đồng bộ CSDL của Bộ Công an với CSDL về mã số thuế để triển khai việc chuyển đổi sử dụng căn cước công dân làm mã số thuế theo quy định.
Bộ Tài chính đã hoàn thành việc tích hợp sử dụng tài khoản định danh điện tử (VneID) với các nền tảng quản lý thuế của cơ quan thuế. Kết quả đến nay có 663.157 lượt kết nối, tổng số công dân truy cập là 400.791 lượt.
Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước đã bước đầu hoàn thành việc chia sẻ CSDL cho Tổng cục Thuế, bao gồm: dữ liệu của 929 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (TMĐT); dữ liệu về 130 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực: viễn thông, quảng cáo, phát thanh truyền hình; dữ liệu về tài khoản thanh toán của trên 9 triệu tổ chức và trên 121 triệu cá nhân tại 96 ngân hàng thương mại.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết thêm, hiện nay cả 5 bộ, ngành đã hoàn thành việc thống nhất kế hoạch chi tiết để triển khai trong năm 2024 về việc kết nối, chia sẻ dữ liệu theo hình thức điện tử, thường xuyên, đảm bảo kịp thời hỗ trợ công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT.
Phân loại người nộp thuế theo 2 nhóm chính
Thông tin về kết quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cho biết, ngành Thuế đã tiếp cận hoạt động TMĐT theo các nền tảng có hoạt động TMĐT để áp dụng các biện pháp quản lý thuế phù hợp bao gồm 8 nhóm nền tảng gồm: nền tảng sàn giao dịch TMĐT: Shopee, Lazada, Tiki, Amazon, Alibaba...; nền tảng website/ứng dụng TMĐT: Abay.vn, Ahamove, Amway.com.vn, Bachhoaxanh.com, Đienmayxanh.com…; nền tảng mạng xã hội (Facebook, Zalo, Tiktok…; nền tảng giao thông, vận tải, giao nhận (Grab, Be, Foody, Giaohangtietkiem, Giaohangnhanh…); nền tảng đại lý (Booking, Agoda, Airbnb…); nền tảng thuê bao (Netflix, Spotify,…); nền tảng quảng cáo (Facebook, Google, Youtube,…); nền tảng kho ứng dụng (Apple Store, CH Play…).
Ngoài ra ngành Thuế cũng phân loại người nộp thuế tham gia hoạt động TMĐT theo 2 nhóm chính. Thứ nhất, nhóm cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong nước (bao gồm: chủ sở hữu nền tảng có hoạt động TMĐT, tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong nước thông qua sàn giao dịch TMĐT, mạng xã hội và các nền tảng khác).
Ứng dụng eTax Mobile mang lại nhiều tiện ích cho người nộp thuế. Ảnh tư liệu |
Thứ hai, nhóm cung cấp hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới (bao gồm: nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam; tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ hoạt động đăng tải sản phẩm, nội dung thông tin số trên các nền tảng nước ngoài; tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới thông qua sàn giao dịch TMĐT và các nền tảng khác).
Cùng với việc triển khai có hiệu quả công tác quản lý thuế, Tổng cục Thuế đã triển khai trong toàn ngành công tác thanh tra kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động TMĐT chưa tuân thủ nghĩa vụ thuế theo quy định.
Ông Mai Sơn cho biết, thời gian tới, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin giữa các bộ ngành trong khuôn khổ triển khai Chỉ thị 18/CT-TTg về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu để phục vụ phát triển TMĐT, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động TMĐT nói chung, công tác quản lý thuế nói riêng.
Đang kiểm soát 31,5 nghìn tổ chức, cá nhân Thông kê của Tổng cục Thuế cho thấy, trong 3 năm (2021, 2022 và 2023), tổng số các tổ chức, cá nhân đưa vào diện rà soát là 31.570 (trong đó: doanh nghiệp là 6.257, cá nhân là 25.313). Trong tổng số các trường hợp đưa vào diện rà soát đã xử lý kê khai, nộp thuế, truy thu thuế, xử lý vi phạm đối với 22.159 cơ sở kinh doanh (trong đó doanh nghiệp là 543, cá nhân là 21.616) với số thuế tăng thêm là 2.917,9 tỷ đồng (trong đó xử lý kê khai, truy thu, xử lý vi phạm là 1.818 tỷ đồng, giảm lỗ là 986 tỷ đồng, giảm khấu trừ thuế giá trị gia tăng là 113,9 tỷ đồng). |