(CMO) Bếp ăn bán trú được xem như câu chuyện đẹp, nó ví như chiếc phao cho học sinh vùng sông nước Năm Căn. Mặc dù chưa được xây dựng đồng bộ ở tất cả các trường trên toàn huyện, nhưng hiệu quả bước đầu mang lại ý nghĩa quan trọng, giúp trẻ em vùng sâu, vùng xa của huyện Năm Căn có điều kiện thuận lợi đến lớp và tiếp thêm sức mạnh trong hành trình đi tìm con chữ.Nói đến bếp ăn bán trú ở huyện Năm Căn không thể không nhắc đến hiệu quả của mô hình đầu tiên được thực hiện tại Trường Tiểu học xã Hàm Rồng. Xuất phát từ Chương trình Đảm bảo chất lượng giáo dục trường học giai đoạn 2010-2015, nhà trường được chọn tham gia chương trình áp dụng dạy học 2 buổi/ngày và tổ chức bếp ăn bán trú cho học sinh từ năm học 2011-2012, từ hiệp định tài trợ giữa Việt Nam và Hiệp hội Phát triển quốc tế thuộc Ngân hàng Thế giới. Sau khi chương trình kết thúc vào năm học 2015-2016, được sự quan tâm của các ngành, các cấp, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị nên mô hình duy trì và phát triển đến nay. Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Hàm Rồng Nguyễn Thị Kim Thoa phấn khởi: “Đến năm học này đã 8 năm liên tiếp nhà trường duy trì mô hình bán trú. Hiện nay, cơ sở vật chất, phòng nghỉ, nhà ăn, bếp ăn, đáp ứng yêu cầu mô hình bán trú, đảm bảo nhu cầu thực tế của học sinh. Nhà trường đã vận động hỗ trợ suất ăn trưa cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn từ nguồn xã hội hoá, vận động mạnh thường quân tài trợ”. Năm học 2019-2020, nhà trường có gần 400 học sinh, trong đó có 180 em tham gia bán trú, chiếm khoảng 45% tổng số học sinh theo học. Mức đóng tiền ăn buổi trưa được thoả thuận giữa nhà trường và phụ huynh học sinh, với mỗi suất ăn 20 ngàn đồng/em. Hiện tại, nhà trường đã hỗ trợ 50% suất ăn cho 35 em và 100% cho 4 học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ dân tộc Khmer có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Theo Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Năm Căn Hứa Trọng Nhơn, căn cứ vào đề án của Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau về tổ chức bán trú các trường thuộc hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025”, phòng đã tham mưu cho cấp trên chọn những trường dạy 2 buổi/ngày và có đủ điều kiện để xây dựng nhà bán trú. Kết quả, trong năm học này huyện Năm Căn tiếp tục có 2 trường là Tiểu học xã Hàng Vịnh và Tiểu học xã Hiệp Tùng được đầu tư đưa vào sử dụng bếp ăn bán trú. Như vậy, đến nay huyện Năm Căn có 4 trường tiểu học ở các xã Hàm Rồng, Hiệp Tùng, Hàng Vịnh và thị trấn Năm Căn thực hiện mô hình bán trú, đáp ứng cơ bản nhu cầu con em theo học ở các trường này. Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Hàng Vịnh Lý Thanh Tuấn phấn khởi: “Năm học 2019-2020 nhà trường đưa khu bán trú vào phục vụ các em học sinh. Về mặt thuận lợi đầu tiên là đảm bảo điều kiện cho các em ở các xã lân cận, ở xa, đi học bằng đường thuỷ, sau khi học buổi sáng các em ở lại nghỉ tại trường để học buổi chiều. Bên cạnh đó, phụ huynh giảm áp lực đưa đón các em học 2 buổi/ngày, chăm lo gia đình”. Chị Nguyễn Thị Bé Hai, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học xã Hàng Vịnh, bộc bạch: “Tôi thấy khu bán trú sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi, con em ở lại mình yên tâm hơn. Đôi lúc rước con về nắng, mưa, lại mất thời gian làm kinh tế gia đình”. Ông Hứa Trọng Nhân cho biết thêm: “Theo kế hoạch, phòng sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND huyện thực hiện thêm nhiềm điểm bán trú. Theo lộ trình, đến năm 2025 sẽ đầu tư thêm cho 3 trường xây dựng bán trú, đó là Trường Tiểu học Kim Đồng (xã Tam Giang), Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (xã Đất Mới) và Trường Tiểu học 3 (thị trấn Năm Căn). Đồng thời, sẽ mở rộng thêm 1-2 phòng nghỉ cho các trường bán trú đã xây dựng nhưng đến nay số lượng học sinh tham gia nhiều”. Xuất phát từ một chương trình thí điểm, giờ đây mô hình bếp ăn bán trú từng bước lan toả ở các địa phương trong huyện, góp phần mở ra cơ hội mới cho ngành giáo dục ở huyện Năm Căn tiếp tục phát triển. Bởi, được tham gia bán trú chẳng những thuận lợi cho các em học tập ở trường nhiều hơn mà còn giúp học sinh rèn luyện kỹ năng sống, phẩm chất, năng lực, tham gia các hoạt động xã hội, giáo dục ngoài giờ, rèn luyện năng khiếu... Qua đó, giúp học sinh phát triển toàn diện. Đây là điều kiện để các trường vùng sâu, vùng xa của huyện Năm Căn từng bước nâng cao chất lượng giáo dục và thực hiện đa dạng hoá các loại hình trường lớp trong giai đoạn hiện nay./. Văn Tưởng |