Cụ thể, đến nay 63/63 cục thuế địa phương đã có trang thông tin điện tử cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến lĩnh vực thuế phục vụ NNT. Điều này giúp cho ngành Thuế có thể đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách thuế đến với NNT được nhanh chóng và thuận tiện.
99,93% DN sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử
Bà Hoàng Thị Lan An - Phó Vụ trưởng, Phó Trưởng Ban cải cách và hiện đại hóa, Tổng cục Thuế cho biết, trong những năm qua, ngành Thuế đã có nhiều nỗ lực và cố gắng thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), hiện đại hóa công tác quản lý thuế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho NNT. Đây cũng là việc làm nhằm thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020.
Cụ thể, (tại Quyết định 732) Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2015, có 60% DN sử dụng các dịch vụ thuế điện tử; 50% DN đăng ký thuế, khai thuế qua mạng internet; 70% số NNT hài lòng với các dịch vụ mà cơ quan thuế cung cấp. Đến năm 2020, tối thiểu có 90% DN sử dụng các dịch vụ thuế điện tử; 65% DN đăng ký thuế, khai thuế qua mạng internet; 80% số NNT hài lòng với các dịch vụ mà cơ quan thuế cung cấp.
Đến cuối năm 2018, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc. Đến nay, đã có 99,93% số DN đang hoạt động sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử; số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận trong năm 2019 là trên 11,8 triệu hồ sơ.
Cùng với đó, ngành Thuế cũng đã kết nối với các ngân hàng thương mại (NHTM) triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử (NTĐT) bắt đầu từ năm 2013. Đến nay, ngành Thuế đã phát triển kết nối với 50 NHTM triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử. 63/63 cục thuế đã được triển khai dịch vụ NTĐT và tuyên truyền, vận động DN tham gia sử dụng dịch vụ. Số lượng DN đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ NTĐT với cơ quan thuế đạt tỷ lệ 98,19%. Số lượng DN hoàn thành đăng ký dịch vụ NTĐT với ngân hàng đạt 96,42% trên tổng số DN đang hoạt động.
Đáng chú ý, việc ngành Thuế triển khai dịch vụ hoàn thuế điện tử đã tạo thuận lợi cho cả NNT và cơ quan thuế. Theo đó, cơ quan thuế có cơ sở dữ liệu liên quan đến hồ sơ hoàn thuế một cách đầy đủ và kịp thời, cơ sở dữ liệu về hoàn thuế được liên kết với các dữ liệu tử khác mà cơ quan thuế đang quản lý.
DN chủ động trong hoạt động
Ghi nhận công tác cải cách TTHC đặc biệt là các dịch vụ thuế điện tử của ngành Thuế, bà Phạm Thị Nhung – Kế toán trưởng Công ty TNHH Ian Precision Việt Nam cho rằng, chưa bao giờ DN thực hiện pháp luật thuế lại được thuận lợi như bây giờ. Trước kia khi thực hiện pháp luật thuế, DN phải đi lại nhiều lần và mất khá nhiều thời gian để nộp và điều chỉnh hồ sơ thuế. Đến nay, hầu hết những hoạt động như kê khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế đã được cơ quan thuế triển khai thực hiện bằng phương thức điện tử. Điều này đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho DN.
“Đặc biệt, việc ngành Thuế triển khai dịch vụ hoàn thuế điện tử đã giúp DN có thể nộp hồ sơ nhanh chóng, nhận kết quả giải quyết hồ sơ, kết quả hoàn thuế hoặc tra cứu tình hình giải quyết hồ sơ hoàn thuế được thuận tiện ở mọi địa điểm chỉ cần máy tính có kết nối internet. Nhờ ứng dụng này, DN có thể chủ động, không phụ thuộc giờ làm việc hành chính hay ngày nghỉ, ngày lễ, không mất thời gian hay chi phí đi lại, chờ đợi... Đặc biệt hơn, việc hoàn thuế điện tử được nhanh chóng sẽ giúp các dòng vốn của DN được luân chuyển nhanh, qua đó giúp ổn định sức khỏe DN” – bà Nhung nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn – Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Sơn (Ninh Bình) cho biết, ngoài việc sử dụng các dịch vụ thuế điện tử, DN đã sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT). Khi mới triển khai sử dụng bước đầu không tránh khỏi những khó khăn vướng mắc, tuy nhiên đến nay, HĐĐT mang lại rất nhiều lợi ích cho DN.
“Là DN hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, với rất nhiều mặt hàng khác nhau, bình quân mỗi tháng DN phải xuất khoảng 700 đến 1.000 hóa đơn. Để xuất đủ 1.000 hóa đơn, DN phải bố trí 2 kế toán chuyên viết hóa đơn và làm các loại báo cáo liên quan đến hóa đơn. Từ khi chuyển sang sử dụng HĐĐT, DN đã giảm được 1 kế toán. Ngoài ra, HĐĐT còn giúp DN tiết giảm chi phí; giảm rủi ro khi sử dụng, lưu trữ hóa đơn…” - ông Sơn nói.
Mới đây, Tổng cục Thuế phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo công bố: “Báo cáo đánh giá cải cách TTHC thuế: Mức độ hài lòng của DN năm 2019”. Theo đó, kết quả đánh giá sự hài lòng của DN với cơ quan thuế là 7,79 điểm, tương đương gần 78%, tăng 3 điểm phần trăm so với cuộc khảo sát năm 2016 và tăng 7 điểm phần trăm so với năm 2014. Trong 9 thủ tục được khảo sát năm 2019 liệt kê, có 3 TTHC thuế được DN đánh giá là dễ và tương đối dễ dàng để thực hiện, cao nhất là nộp thuế đạt 98%; mua, đăng ký, báo cáo sử dụng hóa đơn thuế đạt 94%; khai thuế, khai quyết toán thuế đạt 92%. |
Nguyễn Duy An