Mới đây, căn cứ vào kết quả giám định của Viện Nghiên cứu công nghiệp rừng, lực lượng Hải quan xác định lô gỗ lậu ngụy trang bằng giấy phế liệu trị giá 792 triệu đồng.
Theo kết quả giám định, hơn 6.000 thanh, cục gỗ lậu giấu bên trong giấy phế liệu gồm: 5,794 m3 gỗ Cẩm lai và 37,722 m3 gỗ Giáng hương.
Cụ thể, gỗ Cẩm lai (Dalbergia oliver) và gỗ Giáng hương (Pterocarpus macrocarpus) có tên trong Phụ lục II tại “Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp” ban hành kèm theo Thông tư 04/2017/TT-BNNPTNT ngày 24/2/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Như Báo Hải quan đưa tin, trong quá trình làm thủ tục cho lô hàng phế liệu nhập khẩu, nhận thấy dấu hiệu nghi vấn, ngày 9/9, Chi cục Hải quan cửa khẩu La Lay chủ trì phối hợp Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay tổ chức thực hiện các biện pháp nghiệp vụ nhằm đấu tranh, xác định vi phạm.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện bên trong giấy phế liệu có giấu hàng nghìn thanh gỗ (nghi là gỗ Hương và Cẩm). Kết quả kiểm tra sơ bộ, lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện hơn 6.000 thanh, cục gỗ.
Theo Bộ Luật hình sự 2015: Điều 189. Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới: “...Phạm tội trong trường hợp hàng phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 5 năm đến 10 năm…”. Điều 232. Tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản: “Khai thác trái phép rừng sản xuất với khối lượng từ 40 m3 đến dưới 80 m3 gỗ loài thực vật thông thường; từ 25 m3 đến dưới 50 m3 gỗ loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA; Khai thác trái phép rừng phòng hộ với khối lượng từ 30 m3 đến dưới 60 m3 gỗ loài thực vật thông thường; từ 20 m3 đến dưới 40 m3 gỗ loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA; Khai thác trái phép rừng đặc dụng với khối lượng từ 30 m3 đến dưới 60 m3 gỗ loài thực vật thông thường; từ 10 m3 đến dưới 20 m3 gỗ loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA…". |