Phân tích này dựa vào số liệu về nồng độ bụi PM2.5 và chỉ số chất lượng không khí (AQI) được thu thập từ Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội và Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là 2 trạm cung cấp số liệu lịch sử theo giờ. Theo dữ liệu của Green ID, chất lượng không khí quý III/2018 ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nhìn chung ở mức trung bình và tốt hơn so với quý I và II. Điều này đúng với xu hướng diễn ra trong những năm qua, chất lượng không khí thay đổi ở những thời điểm khác nhau và thường diễn biến tốt lên vào quý II và III. Điều kiện thời tiết trong mùa mưa ở cả 2 thành phố là một trong những yếu tố lý giải sự cải thiện của chất lượng không khí trong quý này. Dữ liệu từ trạm quan trắc của Đại sứ quán Hoa Kỳ cho thấy Hà Nội, có chất lượng không khí khá tốt trong quý III năm nay với nồng độ PM2.5 trung bình ngày là 30,2 μg/m3. Mức này thấp hơn nhiều so với Quy chuẩn quốc gia về chất lượng không khí xung quanh - QVCN 05/2013/BTNMT (50 μg/m3), chỉ có 1 ngày Hà Nội có nồng độ PM2.5 trung bình ngày vượt quá quy chuẩn. Tuy nhiên, so với hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về chất lượng không khí, quý III năm 2018 Hà Nội có 41 ngày nồng độ PM2.5 trung bình vượt quá giới hạn cho phép (25μg/m3). Mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe của nồng độ PM 2.5 được thể hiện thông qua chỉ số chất lượng không khí (AQI) với 6 cấp độ. Nhìn chung, AQI của hầu hết các ngày trong quý đều ở mức trung bình, có nghĩa là chất lượng không khí ở mức chấp nhận được. Tuy nhiên, có thể nguy hiểm đối với một số người đặc biệt nhạy cảm với ô nhiễm không khí. Trong các giai đoạn báo cáo trước đây của GreenID, chất lượng không khí của TP.Hồ Chí Minh luôn tốt hơn Hà Nội. Điều này lại một lần nữa được khẳng định trong quý này. Nồng độ PM2.5 trung bình ngày của TP. Hồ Chí Minh trong quý này là 18,4 μg/m3 , trong khi Hà Nội là 30,2 μg/m3. So với Quy chuẩn quốc gia về chất lượng không khí xung quanh – QVCN 05/2013/BTNMT (50 μg/m3), TP. Hồ Chí Minh không có ngày nào vượt quá quy chuẩn. So với hướng dẫn của WHO cũng chỉ có 9 ngày vượt quá giới hạn cho phép (25 μg/m3). Mặc dù tổng quan chung chất lượng không khí của quý là khá tốt, nhưng dữ liệu của Green ID cũng cho thấy cho thấy xu hướng mức độ ô nhiễm tại 2 thành phố tăng nhẹ qua từng tháng của quý. Theo Green ID dự đoán, chất lượng không khí có thể xấu trở lại trong quý cuối cùng của năm. Đây cũng là xu hướng đã diễn ra trong 2 năm qua. Hơn nữa, với sự tiếp tục gia tăng của phương tiện giao thông, các hoạt động xây dựng và công nghiệp, đặc biệt là số lượng tăng lên của các nhà máy nhiệt điện than xung quanh 2 thành phố lớn này, vẫn còn quá sớm để kết luận rằng chất lượng không khí ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang thực sự được cải thiện./. Thảo Miên |