11 tháng qua,ủquantrongphngchốngdịchbệbd soi lac số ca sốt xuất huyết (SXH), tay - chân - miệng (TCM) trên địa bàn huyện Vị Thủy đều giảm so cùng kỳ, nhưng địa phương vẫn tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, không lơ là, chủ quan.
Các trường học trên địa bàn đều tăng cường rèn luyện các kỹ năng phòng TCM cho học sinh.
Theo dõi, quản lý chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại cộng đồng
Nhà có hai cháu nhỏ 5 tuổi và 2 tuổi nên bà Lý Thị Kim Anh, ở ấp 1, xã Vị Thanh rất quan tâm việc phòng bệnh nhất là SXH, TCM. Hàng ngày, bà tranh thủ lau chùi nhà cửa sạch sẽ, dọn dẹp cây cối xung quanh khu vực sinh sống tạo cảnh quan thông thoáng, thường xuyên kiểm tra các dụng cụ chứa nước không cho muỗi vằn đẻ trứng. Bà Kim Anh cho biết: “Tôi đốt nhang muỗi, cho các cháu ngủ mùng kể cả ban ngày, mặc quần áo dài tay để tránh bị muỗi cắn. Vệ sinh tay chân cho trẻ thường xuyên nhằm giảm tối đa nguy cơ mắc bệnh TCM”.
Tính đến ngày 26-11, huyện Vị Thủy ghi nhận 37 ca SXH, giảm 4 ca so cùng kỳ, 103 ca TCM, giảm 38 ca so cùng kỳ. Mặc dù số ca mắc SXH, TCM giảm so cùng kỳ năm trước nhưng lại xuất hiện ổ dịch nhỏ ở các xã, thị trấn. Nguy cơ số ca bệnh có thể tăng vào thời điểm cuối năm nay và đầu năm 2025 nếu không duy trì thường xuyên các giải pháp phòng, chống hiệu quả.
Do đó, trạm y tế các xã, thị trấn đều theo dõi, quản lý chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại cộng đồng để đưa ra hướng xử lý kịp thời. Tăng cường điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch, không để bùng phát, lan rộng. Phối hợp với ngành giáo dục thực hiện hoạt động phòng, chống SXH, TCM tại các điểm trường ngay từ đầu năm học, hướng dẫn giáo viên nhận biết những dấu hiệu trẻ mắc bệnh TCM…
Khi nghi ngờ học sinh bị bệnh sẽ vận động phụ huynh cho nghỉ học, theo dõi tình trạng sức khỏe và đưa đến thăm khám, điều trị tại các cơ sở y tế, hạn chế thấp nhất trường hợp bệnh nặng. Nếu điểm trường có từ 2-3 ca TCM, ngành y tế sẽ tiến hành phun hóa chất khử khuẩn.
Ông Cao Văn Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (xã Vị Bình), cho biết: “Trường đặc biệt quan tâm vệ sinh khuôn viên tạo môi trường thông thoáng, hạn chế mầm bệnh. Thực hiện lồng ghép tuyên truyền về dịch bệnh vào tiết sinh hoạt dưới cờ, hướng dẫn các em cách giữ gìn vệ sinh cá nhân. Nắm danh sách học sinh nghỉ học hàng ngày để kịp thời thông báo cho ngành y tế xử lý ca bệnh nếu có”.
Đồng loạt ra quân thực hiện chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt lăng quăng
Ngày 9-12 tới, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Vị Thủy sẽ đồng loạt ra quân thực hiện chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng, chống bệnh SXH, bệnh TCM đợt III. Mục tiêu kiểm soát, giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh; nâng cao nhận thức, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng; duy trì môi trường sống an toàn, lành mạnh; tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca bệnh.
100% hộ gia đình sẽ được vận động trong thời gian diễn ra chiến dịch. Thực hiện vãng gia từng hộ gia đình; truyền thông, kiểm tra các dụng cụ chứa nước trong và ngoài nhà; hướng dẫn người dân tổng vệ sinh, dọn dẹp loại bỏ các dụng cụ chứa nước có lăng quăng; phát động phong trào làm sạch môi trường; tăng cường kiểm tra, giám sát các ổ dịch,…
Mặc dù sự hiểu biết về SXH, TCM có được nâng lên nhưng ý thức và trách nhiệm phòng bệnh của một bộ phận phụ huynh chưa thực hiện tốt. Qua công tác truyền thông đồng loạt, sẽ đem nhiều thông tin hữu ích đến tận hộ gia đình, cung cấp kiến thức cho mỗi người dân thực hành thường xuyên để phòng dịch bệnh hiệu quả.
Ông Hứa Văn Soi, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vị Thủy, cho biết: “Để kiểm soát tốt, kéo giảm số ca SXH, TCM, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền, phát huy vai trò của người dân trong phòng, chống dịch. Trung tâm Y tế huyện cử cán bộ xuống kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc xử lý các ca bệnh tại địa phương nhất là ở các xã, thị trấn có số ca mắc tăng cao. Công tác dập dịch, quản lý, xử lý môi trường đều được triển khai ở 100% ca SXH và TCM. Ngoài phòng, chống SXH, TCM, chúng tôi đang rà soát lại số trẻ từ 1 đến dưới 10 tuổi chưa tiêm đủ liều vắc-xin phòng sởi để tiến hành tiêm”.
HỒNG NHUNG