Khởi sắc cả cung lẫn cầu Mục tiêu đề ra là năm 2018 tăng trưởng kinh tế ở mức 6,7-6,8% tuy nhiên kết thúc năm 2018 kinh tế Việt Nam đã đón nhận con số tăng trưởng GDP lên tới 7,08%. Kinh tế Việt Nam 2018 được đánh giá khởi sắc trên cả ba khu vực sản xuất, cung - cầu của nền kinh tế cùng song hành phát triển. Tăng trưởng kinh tế tích cực, cùng với đó là kinh tế vĩ mô ổn định khi lạm phát được kiểm soát dưới 4% đã góp phần thúc đẩy sức mua của nền kinh tế tăng, giá cả hàng hóa nói chung được kiểm soát ở mức hợp lý, kéo theo tiêu dùng có bước phát triển mạnh trong năm qua. Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho biết, tăng trưởng kinh tế tăng cao đồng nghĩa với việc giải quyết nhiều công ăn việc làm, thu nhập của người dân tăng lên. Số người có thu nhập cao tăng, thu nhập bình quân của người nông dân cũng tăng so với trước đây, đời sống nông thôn cũng được cải thiện.
Theo thống kê, thu nhập của nông dân đã tăng gấp 3,5 lần so với 10 năm trước… Điều đó dẫn tới nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tăng, tổng mức lưu bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng sẽ tăng theo. Năm 2018, tổng mức lưu bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã tăng lên trên 11% so với năm 2017, trong khi đó mức tăng chung của các năm trước là 8-10%. Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng cho biết, trong năm 2018 đời sống dân cư nhìn chung được cải thiện, thu nhập bình quân một người một tháng ước tính đạt 3,76 triệu đồng, tăng 660 nghìn đồng so với năm 2016, bình quân giai đoạn 2016-2018 tăng 10,2%/năm. Với quy mô dân số trên 95 triệu dân Việt Nam và số lượng khách quốc tế đến nước ta ngày càng tăng cao là thị trường tiềm năng tạo động lực cho khu vực sản xuất, dịch vụ và tăng trưởng năm 2019. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hiện nằm trong top 10 điểm phát triển du lịch nhanh nhất thế giới với số lượng khách quốc tế dự kiến tiếp tục tăng cao trong năm 2019. Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, tính chung cả năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 4.395.700 tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm trước. Đây là mức tăng cao so với một số năm gần đây, sức mua tăng lên, nền kinh tế đã có chuyển biến tích cực. Khu vực dịch vụ năm 2018 tăng 7,03%, cao hơn mức tăng các năm giai đoạn 2012-2016, trong đó các ngành dịch vụ thị trường như bán buôn, bán lẻ; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; dịch vụ lưu trú và ăn uống; vận tải, kho bãi... đều đạt mức tăng trưởng khá. Bên cạnh mức tăng của tổng mức bán lẻ hàng hóa, một yếu tố tích cực khác của tiêu dùng trong nước và cũng là thành công của công tác điều hành giá cả thị trường chính là lạm phát được kiểm soát tương đối ổn định khi chỉ tăng 3,54% so với bình quân năm 2017. Nhiều yếu tố kích thích tiêu dùng trong 2019 Theo các chuyên gia kinh tế, GDP tăng cao kéo theo mối quan hệ liên hoàn, hạ tầng cơ sở phát triển, xi măng, sắt thép… được đưa vào xây dựng, lao động, hàng hóa, doanh thu, thu nhập tăng theo. GDP tăng cũng có nghĩa là sức sản xuất của DN tăng, tạo ra sự lưu chuyển hàng hóa linh hoạt hơn, liên kết cung cầu tốt hơn, hàng hóa ứ đọng giảm và tâm lý tiêu dùng, cơ cấu tiêu dùng thay đổi. Đơn cử, nhóm người có thu nhập khá trở lên thì sẽ đi vào hàng có giá trị cao hơn với những sản phẩm hàng hóa đắt tiền… do đó các DN sản xuất cũng phải tìm hiểu nhu cầu tiêu dùng để nâng cao giá trị sản lượng lên. Liên quan đến vấn đề hàng tồn kho, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân năm 2018 là 64,4%, đạt mức tồn kho thấp nhất trong những năm gần đây. Còn theo Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây Dựng), tính đến tháng 11, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 22.976 tỷ đồng, so với lúc đỉnh điểm ở quý 1/2013 đã giảm 105.572 tỷ đồng. Dự báo về tăng trưởng tiêu dùng dịp Tết 2019 cũng như tiêu dùng cả năm 2019, ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh, thưởng Tết cao cũng là động lực để tiêu dùng dịp tết Nguyên đán tăng. Tết 2019, dự báo nhu cầu hàng hóa tăng khoảng 10-20%, nhưng xu hướng mua sắm tiêu dùng Tết người dân đang thay đổi khi người dân đi du lịch nhiều hơn, các tour du lịch dịp tết Nguyên đán ngày càng nhiều, không đặt sớm thì không có chỗ. Với năm 2019, chúng ta đã chủ động hơn trong phát triển kinh tế, chủ động, ít phụ thuộc vào FDI. Đơn cử, về dầu thô, sau khi Lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoat động đảm đương tới 70% lượng dầu thô chứ không chỉ 40% lượng dầu thô như Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Như vậy, chúng ta sẽ chủ động giá thành sản xuất nguyên liệu. Ngoài ra, hạ tầng phát triển mạnh với nhiều công trình hạ tầng quan trọng được đưa vào khai thác; Chính phủ cũng yêu cầu giảm 50% điều kiện kinh doanh…, tất cả những yếu tố này sẽ làm giảm chi phí cho DN trong sản xuất kinh doanh và từ đó góp phần làm giảm giá thành, kích thích sản xuất của DN và tiêu dùng trong dân cư. Về vấn đề này, ông Nguyễn Bích Lâm cũng cho biết, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV/2018 cho thấy, các DN đánh giá tích cực về xu hướng kinh doanh. Cụ thể, có 44,7% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý IV/2018 tốt hơn quý trước; 16,9% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 38,4% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Dự kiến quý I/2019 so với quý IV/2018, có 47,3% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 14,9% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 37,8% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định. Bên cạnh đó, với làn sóng khởi nghiệp tăng cao, đơn cử như Hà Nội và nhiều địa phương liên tiếp tổ chức các hội chợ giới thiệu sản phẩm của các địa phương… từ đó cũng sẽ kích thích tiêu dùng, kich thích sản xuất phát triển. “Đặc biệt, với nguồn lực tăng trưởng từ ngành du lịch, lượng khách nội địa cũng như khách quốc tế tăng mạnh trong năm 2018 với khoảng 15 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, dự báo ngành du lịch sẽ tăng trưởng mạnh trong 2019 cũng sẽ khuyến khích hoạt động bán lẻ, xuất khẩu tại chỗ phát triển tốt. Như vậy, khi việc làm, thu nhập, hàng hóa tăng, đời sống của người dân được tăng lên thì tăng trưởng bán lẻ cũng tăng lên và hy vọng có thể đạt trên 10%, ở mức 11-12% năm 2019”, chuyên gia Vũ Vinh Phú nói. |