(CMO) Thanh nhấc điện thoại bàn “A lô!” đến 3 lần nhưng phía đầu dây bên kia vẫn im lặng rồi tắt máy. Đến lần thứ 4 chuông reo thì Thanh không nghe nữa, một em gái văn phòng nhấc máy, nhỏ nhẹ: “Dạ, Văn phòng Phụ nữ tỉnh Cà Mau xin nghe” thì bên kia đầu dây mới bắt đầu câu chuyện. Thì ra, họ nghĩ mình gọi nhầm số, vì cơ quan phụ nữ sao nghe tiếng đàn ông?!
Sau lần đó, Thanh (Trần Tuấn Thanh, Văn thư Văn phòng Hội LHPN tỉnh) rất ngại nghe điện thoại. Sau thời gian công tác, cuối cùng anh cũng thay đổi suy nghĩ theo hướng tích cực. Thanh cho rằng: “Mọi người đã định kiến cơ quan phụ nữ không có đàn ông thì mình phải có trách nhiệm thay đổi suy nghĩ của họ”.
Những người đàn ông… đặc biệt
4 năm trước, sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành Xã hội học, Thanh chưa xin được việc làm. Cùng thời điểm này, tỉnh Cà Mau có tổ chức thi tuyển viên chức. Thấy hội, đoàn thể tỉnh có nhu cầu tuyển chức danh Văn thư phù hợp với trình độ được đào tạo nên chàng thanh niên quê xã Phong Điền, huyện Trần Văn Thời đăng ký dự thi và may mắn được tuyển chọn. “Khi được bố trí về làm việc tại Hội LHPN tỉnh, nói thiệt trong lòng tôi vừa mừng, vừa lo”, Thanh nhớ lại.
Cán bộ nam khẳng định tầm quan trọng tại Hội LHPN tỉnh. (Trong ảnh: Anh Huỳnh Hoài Hận (người chỉ tay) và Trần Tuấn Thanh trong giờ làm việc). |
Tại Hội LHPN tỉnh, ngoài Thanh còn có thêm 3 “đấng nam nhi” nữa. Trong đó phải kể đến anh Huỳnh Hoài Hận (Phó Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế Hội LHPN tỉnh) là người có thâm niên làm việc tại đây hơn 12 năm. Cũng do cơ duyên, năm 2005, Phụ nữ tỉnh được Tổ chức Bánh mì thế giới tài trợ dự án nâng cao năng lực cho cộng đồng nên anh Hận được mời thử việc với tư cách thành viên dự án. Khi dự án kết thúc, chị Phạm Hồng Nhân, nguyên Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, trả lời cái rụp: “Hội đã thống nhất chọn em vào làm việc lâu dài, còn đồng ý hay không là do em quyết định”.
Vậy là anh kỹ sư nông nghiệp Huỳnh Hoài Hận trở thành cán bộ của Hội LHPN tỉnh từ đó với hàng loạt chương trình, dự án do anh đảm nhiệm hỗ trợ phụ nữ như: thực hiện các dự án phi Chính phủ về hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ phụ nữ, vệ sinh môi trường, hỗ trợ sinh kế…; hỗ trợ phụ nữ kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; hỗ trợ xây dựng hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ; tham gia quản lý vốn uỷ thác của Ngân hàng Chính sách - Xã hội chi nhánh tỉnh Cà Mau… Công việc nào được phân công, anh Hận đều hoàn thành tốt.
Chị Đào Hồng Quyết, Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh, chia sẻ, hầu hết viên chức nam của hội đều thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao. Các anh được lãnh đạo hội quan tâm tạo điều kiện môi trường làm việc thân thiện, thoải mái, hoà đồng; được bảo vệ và chăm lo mọi quyền lợi như chị em phụ nữ; được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ.
Phụ nữ cũng làm được
Dù là phụ nữ nhưng bà Tăng Diệp Thuý, Phường 1, TP. Cà Mau, là người có thâm niên chạy xe ôm nhiều năm. Bà chia sẻ: “Nhà tôi làm điểm dừng chân đón khách tuyến Cà Mau - Đá Bạc nên có điều kiện chạy xe ôm. Nói thiệt, phụ nữ mà chạy xe ôm tôi cũng ngại, nhưng vì lo cho cuộc sống, lo cho 2 đứa con đang học đại học nên phải ráng. Mấy ông khách cũng ngại phụ nữ chở, chắc vì sĩ diện. Bù lại, mấy chị em phụ nữ thì thích được tôi chở hơn”.
Chị Nguyễn Diệu Hiền, ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, rôm rả: “Tôi là khách mối của cô Thuý, hễ xe ra tới Cà Mau mà không phải tài của cô Thuý thì tôi chờ vì cô chạy xe an toàn, giá cả hợp lý. Đặc biệt, tôi thương hoàn cảnh cô Thuý một mình bươn chải nuôi con ăn học nên tôi coi chuyện đi xe của cô cũng là góp phần giúp cô có thêm nguồn thu nhập”.
Ông Trương Chí Thiên, Tổ trưởng Tổ xe ôm ở đường Ngô Quyền, Phường 1, TP. Cà Mau, cho biết, phụ nữ chạy xe ôm ở TP Cà Mau không ít. Họ không thua đàn ông trong sự bền bỉ, kiên trì. Ở họ còn có sự cẩn thận, chu đáo, an toàn.
Lĩnh vực xây dựng dân dụng là nghề nặng nhọc lâu nay chỉ dành cho nam giới, nhưng hiện có không ít phụ nữ chọn nghề nặng nhọc này để mưu sinh. Hằng ngày chị em phải đội nắng để trộn hồ, bẻ sắt, xây tường... Ông Lê Bảo Sơn, thầu xây dựng ở Phường 5, TP. Cà Mau, cho biết: “Trước đây, do cùng lúc nhận thi công nhiều công trình nên thiếu công nhân tôi đành phải nhận thêm lao động nữ. Qua kiểm tra, nắm bắt tình hình tôi thấy phụ nữ làm việc không thua đàn ông, thậm chí còn hơn về sự bền bỉ, kiên trì và chấp hành nghiêm về bảo hộ lao động, thời gian lao động”.
Chị Trần Diễm Trang, Ấp 11, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, cho biết: “Đất đai bị nhiễm phèn khó trồng lúa, nuôi cá; còn trồng tràm thì không có vốn cải tạo đất. Vậy là vợ chồng bồng con ra TP. Cà Mau thuê nhà trọ đi làm nghề thợ hồ. Ban đầu chồng cầm tay chỉ việc, sau này quen dần, không khó lắm. Chỉ cần mình chịu cực, chịu khổ là làm được. Mỗi ngày vợ chồng làm công hơn 300.000 đồng, sau khi trừ hết chi phí cũng còn dư chút đỉnh”.
Hiện tại, dù xã hội có bước phát triển theo hướng hiện đại, song định kiến về nghề nghiệp vẫn còn hiện hữu trong suy nghĩ của nhiều người, trong đó có cả cán bộ, đảng viên. Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Cà Mau Đào Hồng Quyết chia sẻ: "Định kiến nghề nghiệp thường nhắm vào giới tính và việc làm. Về giới tính, mọi người thường hay đưa ý chí chủ quan của mình nhận định phụ nữ nên làm việc này, việc kia cho nhẹ nhàng, phù hợp với “phái yếu”, còn đàn ông nên làm những việc nặng nhọc, thiên về cơ bắp hoặc tư chất lãnh đạo, quản lý cho phù hợp với “phái mạnh”. Về việc làm thì còn nhiều ý kiến về nghề sang, nghề hèn. Họ gọi những lao động “dịch vụ gia đình” bằng nghề "ở đợ" hay ôsin, gọi công nhân công trình đô thị bằng nghề hốt rác… Suy nghĩ như vậy là sai, là vi phạm về Luật Bình đẳng giới"
Đỗ Chí Công
Luật Bình đẳng giới được Quốc hội khoá XI thông qua ngày 29/11/2006 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2007. Điều 4 của Luật Bình đẳng giới quy định: Mục tiêu bình đẳng giới là xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ, thiết lập mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. |