(CMO) Hà Nội, một sáng tháng 10/2020, trong lúc xếp hàng vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh trước giờ khai mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV, anh Lê Quân (lúc này là Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau), chia sẻ thông tin: Tỉnh Cà Mau đang kiến nghị Chính phủ mở đường bay thẳng Hà Nội - Cà Mau.
Kể từ ấy, người viết cứ khấp khởi mừng… Mừng và đợi, bởi nhiều lý do - chung có, mà riêng cũng có.
Một ngày trung tuần tháng 3/2023, đọc dòng tin mà oà vỡ niềm vui: “Theo báo Nhân dân, Hãng Hàng không Bamboo Airways đã chính thức mở bán vé đường bay thẳng kết nối Thủ đô Hà Nội - Cà Mau bằng tàu bay phản lực Embraer E190 từ ngày 17/3/2023”. Theo bài báo ấy, ban đầu sẽ có 3 chuyến khứ hồi/tuần, với mức giá từ 769 ngàn đồng/vé, bắt đầu từ ngày 29/4/2023; cất cánh từ Hà Nội lúc 7 giờ 5 phút, cất cánh từ Cà Mau lúc 9 giờ 55 phút, vào các ngày thứ Hai, Năm và Bảy. Thời gian di chuyển khoảng 2 giờ. Mỗi chuyến bay vận chuyển tối đa 98 hành khách.
Niềm vui oà vỡ. Cà Mau không còn xa ngái nữa rồi.
Tuyến bay thẳng Hà Nội - Cà Mau được khai mở sẽ là cơ hội vực dậy kinh tế du lịch cho Cà Mau, cho người dân ở hai đầu đất nước ngày càng gần nhau hơn. Ảnh: MỸ LINH |
“Ðường về nhà mình xa quá, má ơi!” - sau 21 năm đi tập kết, Nhà báo Trần Thanh Phương từ Hà Nội trở về quê nhà Cái Nước, Cà Mau, đã than thở như làm nũng với mẹ của mình như vậy. Câu nói ấy sau này được nhắc lại nhiều bận, trong nhiều tác phẩm báo chí, văn học nghệ thuật, ở nhiều ngữ cảnh khác nhau… Trong hồi ký báo chí “Ngòi bút và cây kéo”, ông mô tả: Ngày thứ nhất đi xe khách từ Hà Nội vào Quảng Bình; ngày thứ hai từ Quảng Bình vào Ðà Nẵng; ngày thứ ba đi xe “chạy suốt” Ðà Nẵng - Sài Gòn mà không ghi rõ đi mất bao lâu; ngày tiếp theo thì từ Bến xe miền Tây đi thị xã Cà Mau; ngày cuối cùng mới từ thị xã Cà Mau về được đến quê nhà - Phú Tân, Cái Nước.
“Xa quá, má ơi” là phải quá rồi!
Nhưng mà, đoán rằng do năm đó có lẽ ông được ưu tiên bởi có tấm thẻ nhà báo cùng phương tiện ưu tiên khác mới đi lẹ được vậy. Chứ người viết bài báo nhỏ này, năm 1979 theo mẹ đi bằng đủ loại phương tiện, trong đó có tàu hoả xuyên Việt, mất đúng 26 ngày trời mới từ thị trấn Phát Diệm, Kim Sơn, Ninh Bình đến được thị xã Bạc Liêu. Những năm 1995, 1996 công tác ở Tỉnh đoàn Minh Hải, đi dự hội nghị ngoài Hà Nội, sơ sơ tính thời gian ngồi xe đò và tàu hoả, nội đi và về chặng Cà Mau - Hà Nội - Cà Mau thôi cũng mất đứt cả tuần.
Ðường bay thẳng Hà Nội - Cà Mau không chỉ mang ý nghĩa riêng với Cà Mau, còn là đường bay đem những thuận lợi, cơ may cho cả bán đảo Cà Mau này. Ngẫm, những hành khách tiềm năng sử dụng đường bay ấy, trong đó có các cán bộ lãnh đạo, quản lý Trung ương, địa phương; công chức, chuyên gia, doanh nhân, khách du lịch trong và ngoài nước, bà con cô bác thăm người thân, một bộ phận sinh viên đi học - mỗi giờ của họ dư ra nhờ đường bay thẳng này là bao nhiêu của cải vật chất, chất xám... và cống hiến cho xã hội... Nghĩ hẹp chỉ mỗi vậy thôi, đã thấy món quà tặng mà đường bay thẳng ấy đem đến quý giá nhường nào.
Mũi đất cuối trời Tổ quốc sẽ không còn xa khi có đường bay thẳng nối liền với Thủ đô. |
Nói xa, rồi lại nói gần.
Ba vợ của người viết từ Cà Mau đi tập kết ra miền Bắc, gặp má vợ của người viết là người Hà Nội. Năm 1975 trở lại miền Nam, làm việc ở TP Hồ Chí Minh cho đến năm 1980 thì quyết định vượt tiếp đoạn đường 350 cây số nữa về sinh sống và làm việc tại Cà Mau. Nay đường bay thẳng ấy kết nối hai quê ở hai đầu đất nước, hẳn rằng nơi suối vàng - ông lão cán bộ tập kết đang ngậm cười mừng cho quê hương, mừng cho thế hệ con cháu; và bà lão 83 tuổi “chồng gần không lấy em lấy chồng xa”, từ mấy chục năm nay - vì vấn đề sức khoẻ mà không đi được tàu bay, chắc chắn cũng chẳng vì vậy mà không rạng rỡ nụ cười. Thì đó, bà con, cô bác, họ hàng bên nội, bên ngoại và sui gia, ngoài tình thân nghĩa cả tự nào giờ, nay lại được kết nối bởi những tiện ích như kéo không gian địa lý tuy xa nhưng cũng thiệt là gần - hỏi sao lại không mừng!
Cà Mau “không xa” Thủ đô đã bao trăm, bao chục năm rồi!!! Từ độ “mang gươm đi mở cõi/Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long"; từ hồi cây vú sữa Cà Mau ngày ngày luôn được Bác Hồ chăm sóc; trong mỗi trái tim những người con xa xứ từ Cà Mau đi tập kết luôn khắc khoải ngày Bắc, đêm Nam... Theo suốt dặm dài lãnh thổ với đặc thù trải dài theo trục Bắc - Nam, những con tàu không số kiên cường đã dệt nên con đường Hồ Chí Minh trên biển, đưa vũ khí từ đất Cảng Hải Phòng vào đến tận Mũi Cà Mau những năm kháng chiến; đường Hồ Chí Minh xuyên Việt, với một điểm đầu ở Pắc Bó, Cao Bằng và một điểm đầu ở Mũi Cà Mau đã được quyết tâm thông tuyến trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV.
Và, năm 2023 này - những cánh bay sẽ chở những niềm vui xuyên theo dọc dài đất nước, từ Thủ đô đến với rừng đước, rừng tràm... Nếu được phép, xin được gọi tên đây là "Ðường Hồ Chí Minh trên không", kết nối Thủ đô thân yêu với thành phố tận cùng cực Nam Tổ quốc. Cà Mau, ngón chân cái chưa bao giờ khô bùn vạn dặm, nhưng cái danh xưng “xứ u u minh minh” mịt mù kia đã được xếp gọn vào ngăn ký ức của thì quá khứ rồi. Cà Mau "tuy út mà sửa soạn đẹp hơn", đang "duyên dáng mời khách lạ ngàn phương", với sự tham dự và góp phần không hề nhỏ của đường bay thẳng nội địa dài nhất Việt Nam ở thời điểm này.
Nhà báo Trần Thanh Phương đang ở một nơi xa lắm, hẳn rằng sẽ lại lần nữa thầm reo, như lần ông reo mừng khi đường bay TP Hồ Chí Minh - Cà Mau quê ông được khai mở: “Về nhà mình, không xa nữa, má ơi!"./.
Y Lan