Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) mới ban hành Thông tư số 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN về việc gia hạn thời hạn trả nợ đối với những khoản nợ bị tác động bởi Covid-19, theo đó cho phép các ngân hàng thương mại trích lập dự phòng cần thiết đối với các khoản nợ này trong thời hạn 3 năm. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE), đây là động thái hợp lý nhằm hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp vay vốn trong nước trước những bất ổn của tình hình Covid-19. Đối với các ngân hàng nói riêng, Thông tư này cho phép ngân hàng quản lý gánh nặng trích lập dự phòng, bởi ngân hàng có thể cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các khoản vay bị ảnh hưởng bởi đại dịch mà không cần thay đổi nhóm nợ đối với các khoản vay này, đồng thời ngân hàng có thể dàn trải dự phòng cho các khoản vay nhóm 2-4 (nhóm dư nợ cần chú ý) trên 3 năm. Xét đến nền tảng nợ xấu thấp của các ngân hàng Việt Nam hiện tại và bộ đệm dự phòng, rủi ro hiện đã cao hơn nhờ sự hỗ trợ bởi quy định giãn nợ của Thông tư 14 , giúp các ngân hàng không có cú sốc về tỷ lệ trích lập dự phòng, phí suất tín dụng trong nửa sau năm 2021. Nhờ đó, MBKE dự báo, các ngân hàng duy trì tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong 6 tháng cuối năm và cả năm 2021 có thể đạt 37% so với năm trước trong kịch bản lạc quan, 33% trong kịch bản cơ sở và 25% trong kịch bản bi quan. Việc lợi nhuận của nhóm ngân hàng trong nửa sau năm 2021 tăng trưởng chậm lại là điều hoàn toàn hợp lý, sau khi đã tăng trưởng rất mạnh trong nửa đầu năm 2021.
Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết, một số ngân hàng đã được NHNN cấp thêm hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng lên trên 13% gồm: MSB (16%), MB (15%), VIB (14,1%), ACB (13,1%), LienVietPostBank (13,1%). Các ngân hàng còn lại được nới room lên mức từ 9,5-12,5% gồm: Vietcombank (12,5%), VPBank (12,1%), SHB (10,5%), Sacombank (10,5%), OCB (10%), VietinBank (9,5%). Các chuyên gia cho rằng, NHNN sẽ cần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng kể từ quý 4 năm nay để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Do đó, room tín dụng có thể được nới rộng, tương tự năm 2020 khi NHNN cũng đã tăng hạn mức tín dụng 2 lần. Đồng quan điểm, theo chuyên gia tài chính – ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu, nới room tín dụng sẽ có lợi cho khách hàng và doanh nghiệp vì ngân hàng dồi dào thanh khoản sẽ không dẫn đến tình trạng tăng lãi suất, đặc biệt là lãi suất cho vay. Ngược lại, nếu hạn mức tín dụng thấp, lãi vay tăng là điều tất yếu, từ đó các ngân hàng khắt khe hơn trong việc cho doanh nghiệp tiếp cận vốn. Vì thế, nhiều chuyên gia dự báo tín dụng ngân hàng năm 2021 tăng trong khoảng 10-13%. Trong đó, MBKE dự báo tín dụng toàn ngành sẽ tăng trưởng ở mức 12,5-13% năm 2021 và 14% năm 2022. Ở chiều ngược lại, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VnDirect lại hạ dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành cho năm 2021 xuống 10-12% từ mức 13% trước đó do đánh giá cầu tín dụng chưa phục hồi bởi ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch bệnh hiện nay. Nhưng cầu tín dụng sẽ tăng trở lại vào cuối quý 4, nên VnDirect tỏ ra lạc quan thận trọng về triển vọng trong năm 2022 do lãi suất thấp sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng khi tiêu dùng trong nước dần hồi phục sau đại dịch. Mặt khác, đầu tháng 9, một số ngân hàng thông báo tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hiện hữu và cho vay mới với người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo NHNN, tính đến 31/8, tổng số tiền lãi giảm theo cam kết của 16 ngân hàng lũy kế từ 15/7 - 31/8/2021 là 8.865 tỷ đồng, đạt 43,01% so với cam kết. Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 1,55%/năm so với trước dịch. Hơn nữa, trên thị trường hiện nay, lãi suất huy động tại các ngân hàng cũng đang có xu hướng giảm kể từ năm 2020 và đã giảm khoảng 10-50 điểm cơ bản ở các kỳ hạn so với đầu năm 2021. Lãi suất huy động giảm do thanh khoản dồi dào trong khi cầu tín dụng vẫn chưa phục hồi mạnh. Theo nhận định của VnDirect, nếu NHNN tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt hiện hành cho đến năm 2022, các ngân hàng sẽ sẽ tiếp tục hưởng lợi từ chi phí vốn thấp. |