【ket qua queretaro】Hệ thống thuỷ lợi chưa hoàn chỉnh: Cây lúa ngày một gặp khó
Tình trạng xâm mặn do hệ thống thuỷ lợi chưa được đầu tư hoàn chỉnh đã khiến sản xuất lúa ngày một khó khăn.
Cây lúa của tỉnh hiện nay chủ yếu tập trung tại vùng Bắc Cà Mau và vùng Quản lộ Phụng Hiệp, thuộc các huyện: Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời và một phần TP Cà Mau với 2 loại hình sản xuất chuyên lúa và tôm - lúa. Tuy nhiên, với nhiều nguyên nhân, trong đó có hạ tầng thuỷ lợi chưa được đầu tư hoàn chỉnh đã khiến diện tích canh tác lúa ngày một thu hẹp, nhất là đất lúa 2 vụ.
Theo quy hoạch, tại vùng Bắc Cà Mau, phần lớn diện tích đất canh tác theo hệ sinh thái ngọt với cây lúa và rừng tràm là chủ đạo, trong đó lúa 2 vụ chiếm diện tích lớn. Tuy nhiên, hiện trạng một số kinh trục chính đã bị nhiễm mặn nên sản xuất lúa - tôm chiếm diện tích đáng kể.
Theo ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Cà Mau, vài năm gần đây, tỉnh có chủ trương xây dựng hệ thống cống ngăn xâm nhập mặn từ biển Tây và Sông Ðốc vào trong nội đồng. Bước đầu các cống có hiệu quả nhất định, nhưng hệ thống này vẫn đang còn thiếu, chưa hoàn thành nên chưa phát huy tối đa hiệu quả.
Tình trạng xâm mặn do hệ thống thuỷ lợi chưa được đầu tư hoàn chỉnh đã khiến sản xuất lúa ngày một khó khăn. |
Tiểu vùng 1 Bắc Cà Mau nằm hoàn toàn ở huyện U Minh, ngoài 8.732 ha đất lúa và tôm - lúa, còn có 3.400 ha rừng sản xuất, 500 ha rừng phòng hộ. Trước đây, tiểu vùng được quy hoạch sản xuất theo hệ sinh thái ngọt, tuy nhiên, do chưa ngăn được nước mặn xâm nhập từ biển Tây vào, vì thế, hiện tại tiểu vùng đang sản xuất lúa - tôm và rừng tràm là chủ đạo, chỉ còn Liên Tiểu khu 30/4 là được ngọt hoá hoàn toàn. Các cống được xây dựng trước khi chuyển dịch năm 2001 đã hư hỏng. Còn hệ thống cống ngăn mặn điều tiết nước được xây dựng mới như: cống Tiểu Dừa, Hương Mai, Lung Ranh, Rạch Dinh, Biện Nhị… hiện từng bước phát huy được hiệu quả ngăn mặn. Tuy nhiên, hệ thống cống này vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ nên khi kết thúc mùa mưa vẫn không giữ ngọt được cho tiểu vùng, nước mặn vẫn còn xâm nhập từ hướng biển Tây và sông Cái Tàu.
Trong tiểu vùng hiện chỉ có 2 tuyến đê bao chính là: đê tả ven sông Cái Tàu, đê biển Tây. Tuy nhiên, theo ông Hoai, hệ thống đê và bờ bao hiện đã xuống cấp, không còn đủ cao trình, nhiều đoạn bị lún, sạt lở, không đáp ứng được cao trình chống chọi với thiên tai (tràn bờ) và nước biển dâng. Tiểu vùng có địa hình tương đối thấp nên vào mùa mưa kết hợp với triều cường gây ngập úng cục bộ và tràn bờ bao, thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản.
Tương tự, tại Tiểu vùng 2, nằm ở huyện U Minh và một phần huyện Trần Văn Thời có 15.280 ha đất lúa và tôm - lúa, 12.000 ha rừng sản xuất cũng là tiểu vùng được quy hoạch canh tác theo hệ sinh thái ngọt với nguồn ngọt chủ yếu lấy từ nước mưa. Bên trong tiểu vùng là hệ sinh thái rừng. Vườn Quốc gia U Minh Hạ. Vì vậy, việc bảo tồn hệ sinh thái rừng tràm ở đây có ý nghĩa hết sức quan trọng. Do đó, tiểu vùng đã lập dự án đầu tư xây dựng hệ thống thuỷ lợi và được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định 1616/QÐ-UBND ngày 21/10/2010 nhằm ngăn mặn, giữ ngọt, tiêu úng xổ phèn, trữ nước phục vụ sản xuất theo hệ sinh thái ngọt. Theo đó, hiện có hơn 25 cống nông nghiệp được xây dựng. Song, một số cống đã xuống cấp, hư hỏng hoặc không đủ khả năng phục vụ như: cống Khai Hoang, Chệt Tửng, Khu Thực nghiệm... Trong khi đó, các trục sông chính là Cái Tàu, Minh Hà, Biện Nhị đều bị xâm nhập mặn vào mùa khô nên nguy cơ xâm mặn của tiểu vùng là khá cao.
Do tình trạng xâm mặn ngày một nghiêm trọng nên diện tích đất trồng lúa cũng đang ngày một giảm dần. Nếu năm 2009 toàn tỉnh có 160.000 ha đất trồng lúa thì hiện nay chỉ còn khoảng 125.700 ha. Trong đó, đa phần là diện tích lúa - tôm tại một số vùng do nhiễm mặn cao nên người dân không thể sản xuất lúa. Ngoài ra, diện tích đất lúa 2 vụ cũng đang giảm đáng kể. Nếu năm 2014 diện tích đất lúa 2 vụ khoảng 36.692 ha thì hiện nay còn khoảng 36.000 ha. |
Là tiểu vùng hạ nguồn của rừng U Minh Hạ, Tiểu vùng 3 Bắc Cà Mau nằm hoàn toàn trên địa bàn huyện Trần Văn Thời, thuộc vùng ngọt hoá chuyên canh tác lúa 2 vụ với diện tích lên đến 23.510 ha và 3.670 ha nuôi thuỷ sản ngọt. Hệ thống thuỷ lợi đã xây dựng được khoảng 70% công trình theo Quyết định số 212/QÐ-UBND ngày 19/3/2007 của UBND tỉnh. Tuy chưa hoàn chỉnh nhưng đã có thể vận hành tốt, điều tiết nguồn nước đảm bảo sản xuất và phòng chống thiên tai. Tuy nhiên, do các kinh: Quảng Thép, Rạch Ruộng, Mười Thành vẫn còn hở, dẫn đến tình trạng người dân lấy nước mặn nuôi thuỷ sản ngay tại thị trấn Trần Văn Thời. Ngoài ra, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời Nguyễn Ðồng Khởi, hệ thống trạm bơm hiện rất thiếu, duy nhất chỉ có trạm vừa mới được xây dựng tại Cống Ðá nên vẫn thiếu so với nhu cầu hiện tại. Do đó, người dân còn thụ động trong sản xuất.
Tiểu vùng IV - Bắc Cà Mau nằm kẹp giữa sông Trẹm và sông Cái Tàu và giáp với địa phận tỉnh Kiên Giang thuộc huyện U Minh và một phần huyện Thới Bình, cũng là tiểu vùng được quy hoạch phát triển theo hệ sinh thái ngọt. Tuy nhiên, hệ thống công trình điều tiết kiểm soát nguồn nước hầu như bị bỏ ngỏ, chủ yếu là các cống đập thời vụ, không đáp ứng được nhu cầu sản xuất hiện tại. Ðể sản xuất, các hộ dân đã tự đắp bờ bao, trữ nước mưa phục vụ sản xuất cũng như tiêu úng trong các ô bao nhỏ lẻ, chỉ mang tính thời vụ. Hiện nay, do bị mặn xâm nhập từ Âu thuyền Tắc Thủ nên phần diện tích trồng lúa ven sông chính đã gần như chuyển sang tôm - lúa.
Vùng Quản lộ Phụng Hiệp gồm một phần diện tích nằm ở huyện Thới Bình và một phần ở TP Cà Mau. Vùng này có 5.422 ha đất lúa 2 vụ có năng suất cao. Tuy nhiên, đến nay, tiểu vùng này vẫn chưa có bờ bao, chỉ có bờ kinh kết hợp giao thông nông thôn. Hiện tại, ngoài sản xuất chủ yếu là tôm - lúa và tôm quảng canh, vùng còn một phần đất tại các xã Tân Phú, Tân Lộc Bắc, xã Tân Lộc, xã An Xuyên trồng lúa 2 vụ.
Đê biển Tây bị sạt lở nghiêm trọng nhưng chưa kịp thời nâng cấp, khắc phục khiến nước mặn xâm nhập ngày một sâu vào đất liền. |
Do tính phức tạp của hệ thống canh tác nên việc điều tiết nguồn nước trong vùng rất khó khăn. Hệ thống thuỷ lợi của vùng được đầu tư khá nhiều, kể cả Âu thuyền Tắc Thủ, các cống ven Quốc lộ 1 như: cống Cà Mau, Láng Trâm, Tân Thành, Tắc Vân, Bạch Ngưu, Ðường Xuồng… Nhưng hiện nay các cống này chưa có quy trình vận hành cụ thể, nước mặn vào ra thường xuyên, kể cả trong mùa mưa (trừ cống Cà Mau) nên không đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt cho vùng. Trong khi đó, hệ thống đê bao trong vùng hiện nay hầu như không có, chỉ có các tuyến lộ chính đóng vai trò là bờ bao: tuyến Quốc lộ 63 - Trí Phải - Thới Bình, tuyến Quản lộ Phụng Hiệp, tuyến Cà Mau - Bạc Liêu. Hệ thống bờ bao trên các sông trục hiện nay đã không còn đủ cao trình, vào mùa mưa thường bị tràn và ngập úng trong thời gian dài.
Những hạn chế của hệ thống thuỷ lợi là một trong những nguyên nhân chính khiến tình trạng sản xuất lúa ngày một khó khăn. Ðiều này thể hiện diện tích lúa 2 vụ giảm dần do tình trạng xâm mặn qua từng năm./.
Bài và ảnh: Song Nguyễn