Mấy cái bánh từ tên gọi dung dị,ữchthồgiải superettan thụy điển giá tiền... rất mềm và ít ai làm giàu được bằng nghề bán “bánh quê”, nhưng nhiều người vẫn làm, vẫn gắn bó, để giữ lại chút dư vị quê hương đã được tổ tiên mình truyền lại...
Với chị Tuyết Phân, làm bánh ú lá tre là cách giữ cái nghề mẹ chị đã truyền lại.
Nhanh tay sắp xếp lại mớ lá tre xanh mởn, ngồi bên thau nếp thơm nồng mùi nước cốt dừa, chị Trần Tuyết Phân, ở phường IV, thành phố Vị Thanh, bảo rằng: “Tôi coi làm bánh này cũng là cái nghề rồi, mà nghề được truyền lại hẳn hoi nghe. Nói chứ để gắn bó với nghề cũng gian nan lắm, mình bây giờ bán bánh truyền thống, phải cạnh tranh với đủ loại bánh khác mẫu mã đẹp, để được lâu, nhiều khi bán ế thấy chạnh lòng, nhưng cũng mừng là có nhiều người vẫn còn nhớ, còn thương, còn… thèm cái bánh tên gọi nghe quê một cục, bánh ú lá tre”.
Gắn bó với nghề gói bánh ú từ khi còn rất nhỏ, chị Tuyết Phân bảo rằng nhà chị có mấy đời bán bánh này, do bán cũng lâu nên được nhiều người biết đến, nói như doanh nghiệp, doanh nhân là có thương hiệu. Từ khi khoảng 10 tuổi, chị đã được bà ngoại cầm tay dạy gói bánh. “Hồi trước, ở nhà chỉ có mẹ tôi bán thôi, sau này mẹ truyền nghề cho hết mấy chị em tôi. Bán bánh này ngoài để kiếm thêm thu nhập, còn là cách giữ nghề của gia đình. Bánh ú lá tre thấy nhỏ nhắn vậy chứ gói được cũng cực lắm, từ chọn lá, ngâm nếp với nước tro gòn, rồi xào nhưn, hấp bánh. Trước đây, nấu bằng lò củi hơn 2 tiếng là bánh chín, giờ nấu bằng lò than đá khoảng 6 tiếng lận. Lá tre mùa này dễ kiếm chứ mấy mùa nghịch tìm cũng khó”, chị Phân chia sẻ. Vị dai ngon của nếp, hòa quyện vị đậm đà của đậu xanh khiến ai đã từng một lần nếm thử sẽ khó thể quên được loại bánh dân dã này.
Cứ mỗi sáng, mấy mâm bánh có phần dung dị lại ngược xuôi khắp nẻo. Có khi ở mấy cái chợ đông đúc, có lúc cùng người bán rong ruổi ở bến xe, ở khu nhà trọ hay một cái xóm nhỏ nào đó ở nơi quê nghèo. Phía sau những chiếc bánh thơm nức là cả những sự tâm huyết, hết lòng với cái nghề truyền thống, mà người ở quê hay gọi là bánh khéo. Tuy có ngày bán đắt, có ngày cũng ít khách mua, nhưng hễ còn khách là các bà, các chị lại miệt mài bên xấp lá, thau nếp.
Mỗi buổi sáng dạo quanh một vòng khu vực chợ Vị Thanh, không khó bắt gặp hình ảnh những chiếc “bánh quê” như bánh cam, bánh bò, bánh da lợn, bánh lá nước cốt dừa… Nói về cái nghề bán bánh cam đã hơn chục năm gắn bó với mình, bà Trương Kim Phượng, ở khu vực 1, phường V, thành phố Vị Thanh, tâm sự: “Trước đây, khi chưa có chợ nông thôn, tôi bán ở trên khu vực chợ Vị Thanh lớn. Sau này, nhiều người cũng ra bán nên tôi xuống đây bán cho dễ. Người đi chợ buổi sáng đông, nên bán từ 6 giờ sáng tới tầm 9 giờ là hết rồi. Ở đây tôi chỉ bán bánh cam mặn, ngọt. Nhìn thấy đơn giản vậy chứ chiên ra thành cái bánh cũng công phu lắm à. Bốn người nhà tôi phải dậy từ 1 giờ sáng mới làm được khoảng 300 bánh để bán kịp chợ sáng. Khi nguyên liệu còn rẻ, một cái bánh chừng khoảng 2.000 đồng, giờ thì 3.000-5.000 đồng/cái, nhưng bán cũng được. Có nhiều người nói, mấy cái bánh này là đồ ăn của người nhà quê, mà sao ngon quá trời đất”.
Mỗi loại “bánh quê” thành hình đã gói ghém trong đó cả tâm tư người bán. Nhanh tay lấy mấy miếng bánh da lợn bán cho khách, chị Huyền vui vẻ nói: “Mấy cái bánh này thấy vậy chứ bán được lắm. Lúc đầu sợ bán không được, tôi với mẹ chỉ làm mỗi thứ khoảng chục cái để bán thôi. Nhưng sau này, thấy mọi người thích ăn có khi khách ghé mua đã hết bánh nên tôi nói với mẹ chịu khó làm thêm. Ở đây, tôi bán từ 1 giờ chiều đến gần 4 giờ là hết bánh. Mỗi cái bánh ở đây chỉ từ 5.000 đồng nên học sinh, người làm việc, mấy anh chị công nhân cũng hay ghé”.
Ở đâu đó giữa bộn bề cuộc sống, những chiếc “bánh quê” vẫn còn níu chân được nhiều thực khách. Theo cô Thu Liễu, người hơn chục năm gắn bó với nghề làm bánh kẹp tại khu vực 1, phường IV, thành phố Vị Thanh, nhờ cái nghề làm bánh này mà hai đứa con được học hành đến nơi đến chốn. “Nhớ lúc trước, mỗi ngày hai khuôn tôi đổ được 3-4kg bánh. Do cũng lớn tuổi nên tôi chỉ làm được 2kg bánh thôi, chủ yếu để giữ chân thực khách về hương vị bánh quê, khi có khách đặt tôi mới làm nhiều hơn. Ngày xưa bánh kẹp được chuộng dịp tết nhứt lắm, còn giờ cũng ít người ăn rồi…”.
Mỗi loại bánh quê là một câu chuyện về hành trình sáng tạo ẩm thực của ông cha, đã trở thành một phần của đời sống, một nét văn hóa riêng và cứ mỗi lần nhìn hình ảnh các bà, các chị bên những mâm “bánh quê” chắc ai cũng thấy nhớ về tuổi thơ da diết…
Bài, ảnh: MỸ XUYÊN