Người cao tuổi tham gia đồng diễn nghệ thuật. Ảnh: M.N |
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chỉ cần con cháu thấu hiểu và quan tâm đúng cách, NCT sẽ có cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc hơn, đồng thời gìn giữ sự hòa thuận trong gia đình.
Những thay đổi tâm sinh lý của người cao tuổi
NCT, đặc biệt là những người mắc bệnh mãn tính, thường xuyên phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe. Theo bà Lưu Thị Hường - Trưởng Ban chăm sóc NCT, Trung ương Hội NCT Việt Nam, trung bình một NCT hiện nay mắc từ 3-5 bệnh mãn tính như tim mạch, xương khớp, tiểu đường hay tăng huyết áp. Những căn bệnh này đòi hỏi phải điều trị lâu dài thậm chí cả đời, khiến họ thường xuyên mệt mỏi, dễ cáu bẳn và khó tính.
Ngoài ra, sự thay đổi của thời tiết hoặc những cơn ho, cảm mạo thông thường cũng khiến NCT cảm thấy yếu ớt và vô dụng. Chính những cảm giác tiêu cực này dễ dẫn đến trạng thái tự ti, tủi thân, thậm chí trầm cảm. Một vấn đề khác cũng thường gặp là NCT hay bị mất ngủ hoặc trằn trọc lúc nửa đêm, dẫn đến suy giảm sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần.
Bên cạnh những thay đổi về sức khỏe, các chuyên gia cho rằng sự khác biệt về tư duy, lối sống giữa các thế hệ trong gia đình cũng là nguyên nhân chính gây ra xung đột. GS Nguyễn Đình Cử - nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội nhận định rằng bối cảnh kinh tế - xã hội khác biệt giữa hai thế hệ như chiến tranh và hòa bình, bao cấp và thị trường, thủ công và thời đại Internet là những yếu tố khiến quan điểm của NCT không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại. Nếu các thế hệ không thấu hiểu và chia sẻ, mâu thuẫn rất dễ nảy sinh.
Theo bà Lưu Thị Hường, ngoài vấn đề sức khỏe, một trong những yếu tố khiến NCT dễ tổn thương chính là sự thiếu quan tâm của con cháu. Nhiều NCT rơi vào cảm giác cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình, nhất là khi họ không được hỏi han, lắng nghe hoặc thậm chí bị coi là "người thừa".
Những suy nghĩ này khiến NCT dễ rơi vào trạng thái lo lắng, bất an, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần. Một khi bệnh tái phát hoặc xảy ra bất đồng trong gia đình, họ càng dễ cảm thấy bị bỏ rơi, dẫn đến những phản ứng tiêu cực như cáu gắt, tự ái hay trầm cảm.
Cách quan tâm đúng để người cao tuổi sống khỏe, sống vui
Theo các chuyên gia, để NCT có một cuộc sống vui vẻ và ý nghĩa, điều quan trọng nhất là sự thay đổi trong nhận thức của con cháu. Việc thường xuyên quan tâm, động viên tinh thần sẽ giúp cha mẹ già cảm thấy được yêu thương và trân trọng hơn.
"Con cháu hãy thể hiện sự quan tâm bằng những hành động cụ thể như chào hỏi, thăm nom, hỏi han thường xuyên. Điều này không chỉ giúp NCT cảm thấy hạnh phúc mà còn duy trì truyền thống tốt đẹp "kính già, già để tuổi cho" của người Việt" - bà Lưu Thị Hường nhấn mạnh.
Ngoài ra, con cháu cũng cần lắng nghe và thấu hiểu tâm lý của cha mẹ khi họ già đi. Nếu NCT tỏ ra cáu bẳn hoặc hay phàn nàn, hãy kiên nhẫn và tránh những lời nói, hành động làm họ tổn thương. Tạo không khí gần gũi trong gia đình, hỏi ý kiến và tham khảo kinh nghiệm của họ trong các vấn đề quan trọng cũng là cách để họ cảm thấy mình còn giá trị và được tôn trọng.
Đối với các NCT mắc bệnh mãn tính, con cháu nên chú ý sắp xếp đồ đạc trong nhà gọn gàng, dễ tìm, hoặc lập lịch cụ thể các sự kiện quan trọng để họ dễ theo dõi. Đồng thời, khuyến khích NCT tham gia các hoạt động xã hội, thể thao hoặc giao lưu với những người bạn đồng trang lứa. Những hoạt động này không chỉ giúp họ giải tỏa tâm lý mà còn cải thiện sức khỏe, khiến cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn.
Để xây dựng mối quan hệ hòa thuận giữa các thế hệ, GS Nguyễn Đình Cử khuyến nghị rằng cả NCT và thế hệ trẻ đều cần lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ với nhau. Con cháu nên học cách chấp nhận những quan điểm cũ của cha mẹ, đồng thời giải thích nhẹ nhàng những thay đổi của thời đại. Ngược lại, NCT cũng cần cởi mở hơn, sẵn sàng tiếp nhận cái mới để thích nghi với cuộc sống hiện đại.
Sự hòa hợp giữa các thế hệ không chỉ là yếu tố giữ gìn hạnh phúc gia đình mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của NCT. Bằng tình yêu thương, sự quan tâm và kiên nhẫn, con cháu có thể giúp cha mẹ già sống khỏe mạnh, vui vẻ và trọn vẹn hơn trong những năm tháng cuối đời.
Nỗ lực toàn diện vì chất lượng cuộc sống |