Kể từ đó, ngày này được ngành Thuế lấy làm ngày Truyền thống của ngành.
3 cuộc cải cách lịch sử của ngành Thuế
Ngay khi Sở Thuế quan và Thuế gián thu ra đời đã xây dựng, hoàn thiện lại hệ thống chính sách pháp luật thuế. Sở Thuế quan và Thuế gián thu đã trình Chính phủ lâm thời thông qua các chính sách thuế đầu tiên của Nhà nước ta. Theo chính sách thuế mới này, Nhà nước đã bãi bỏ các thứ thuế bất hợp lý và xây dựng chế độ thuế mới, xóa bỏ chế độ thuế khoá của chế độ thực dân phong kiến cũ quá hà khắc. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, sau này khi đất nước Việt Nam hoàn toàn thống nhất, ngành Thuế đã từng bước hoàn thiện bộ máy tổ chức và ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước.
Nói về quá trình phát triển của ngành Thuế những năm đầu cải cách, ông Cao Anh Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, ngành Thuế đã trải qua 3 cuộc cải cách lịch sử.
Bước cải cách đầu tiên là việc cải cách về chính sách thuế và tổ chức bộ máy quản lý thuế. Về chính sách thuế, để phục vụ cho quá trình đổi mới, mở cửa, chúng ta đã xây dựng một hệ thống chính sách thuế mới gồm 9 sắc thuế và một số lệ phí mới áp dụng cho tất cả các thành phần kinh tế. Về tổ chức bộ máy, ngày 7/8/1990, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 281 tổ chức lại cơ quan thuế theo ngành dọc: Trung ương có Tổng cục Thuế, địa phương có các cục thuế và chi cục thuế. Việc sắp xếp lại bộ máy ngành Thuế dựa trên cơ sở hợp nhất 3 cơ quan thu ngân sách là: Thuế Nông nghiệp, Thuế Quốc doanh và Thuế Công thương nghiệp.
Bước cải cách thứ hai, ngành Thuế xây dựng một hệ thống luật thuế hiện đại, phù hợp để phục vụ cho công cuộc đổi mới đất nước, công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, phục vụ cho hội nhập kinh tế của đất nước với khu vực và thế giới.
Sau cải cách bước 1 và bước 2, ngành Thuế chủ động hội nhập, thực hiện cải cách thuế bước 3, đó là ngày 1/7/2007 Luật Quản lý thuế có hiệu lực. Sự ra đời của Luật Quản lý thuế đã làm thay đổi hoàn toàn phương thức quản lý thuế, từ cơ chế thông báo thuế, chuyển sang cơ chế tự khai, tự nộp, nâng cao trách nhiệm của người nộp thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế. Đây là cơ sở, tiền đề cho hiện đại hóa các chức năng quản lý thuế. Cơ quan thuế chuyển từ cơ chế quản lý đối tượng sang cơ chế quản lý theo chức năng, đẩy mạnh 4 chức năng là: tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, thanh tra kiểm tra, kê khai kế toán thuế và chức năng quản lý nợ. Ngoài việc thay đổi phương thức quản lý thuế theo hướng nâng cao trách nhiệm của người nộp thuế, cơ quan thuế cũng đã triển khai bộ phận một cửa tại cấp cục và cấp chi cục thuế, từng bước hỗ trợ, cải cách thủ tục hành chính, mang lại sự thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Đổi mới, phát triển đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, cũng như để công tác thu thuế ngày càng hiệu lực, hiệu quả, Tổng cục Thuế đã từng bước tái cơ cấu bộ máy cơ quan thuế các cấp theo hướng tinh gọn. Thực hiện Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg ngày 25/9/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, cùng với việc sắp xếp lại các đơn vị thuộc Tổng cục Thuế, các chi cục thuế cấp huyện cũng được hợp nhất để giảm đầu mối.
Tổng cục Thuế đã hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo quyết định mới (không tổ chức cấp phòng thuộc vụ), theo đó giải thể 27 đầu mối cấp phòng, tương ứng giảm 27 trưởng phòng và tương đương; giảm 56 phó trưởng phòng.
Tại cấp cục thuế, đã hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm 62 đầu mối cấp phòng, tương ứng giảm 62 trưởng phòng và tương đương. Tại cấp chi cục thuế, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy theo mô hình mới, giảm 2.100 đầu mối cấp đội, tương ứng giảm 2.100 đội trưởng và tương đương; giảm số đội trong cả nước từ 5.073 đội thuộc 711 chi cục thuế, còn 2.973 đội thuộc 415 chi cục thuế (giảm 2.100 đội thuế).
“Tính đến hết tháng 2/2020, toàn hệ thống thuế đã hoàn thành việc hợp nhất các chi cục thuế, số lượng chi cục thuế sau khi hợp nhất còn lại 415 chi cục, giảm 296 chi cục thuế, đạt 102% kế hoạch và vượt thời gian trước kế hoạch 10 tháng” - ông Cao Anh Tuấn chia sẻ.
Không chỉ tổ chức lại bộ máy theo hướng tinh gọn, ngành Thuế cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Ngành Thuế đã đẩy mạnh triển khai cung cấp các dịch vụ thuế điện tử cho người nộp thuế, từ khâu đăng ký thuế, kê khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế và hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế, hóa đơn điện tử không có mã xác thực của cơ quan thuế. Hiện đã có 99,87% doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử; 99,15% doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử; 93,62% doanh nghiệp đề nghị hoàn thuế xuất khẩu, hoàn thuế dự án đầu tư có sử dụng dịch vụ hoàn thuế điện tử.
Ngành Thuế đã phối hợp với cơ quan đăng ký kinh doanh triển khai thực hiện đăng ký thuế điện tử cho 100% người nộp thuế là doanh nghiệp và hợp tác xã tại bộ phận “một cửa liên thông”.
“Để quản lý thuế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành Thuế đã thúc đẩy mạnh mẽ việc đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế. Nhờ ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin, nên đã giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân, góp phần quản lý, thúc đẩy số thu tăng trưởng nhanh và bền vững” - ông Cao Anh Tuấn cho biết.
Qua theo dõi tình hình thu cho thấy, số thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý liên tục tăng qua các năm, năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2018, thu ngân sách do ngành Thuế thực hiện đạt 1.146.933 tỷ đồng, lần đầu tiên ngành Thuế đã thu vượt 1 triệu tỷ đồng; năm 2019, tổng số thu ngân sách do cơ quan Thuế quản lý đạt 1.276.219 tỷ đồng; năm 2020 dự toán thu của ngành Thuế là 1.254.300 tỷ đồng. Dù gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, nhưng ngành Thuế phấn đấu thu đạt dự toán được giao.
Đáng chú ý là tỷ lệ thu thuế nội địa hiện nay đã chiếm trên 80% tổng số thu ngân sách của cả nước. Điều này đã giúp cho cơ cấu thu ngày càng bền vững, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ngành Thuế quyết liệt sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin Tính đến hết tháng 2/2020, toàn hệ thống thuế đã hoàn thành việc hợp nhất các chi cục thuế, số lượng chi cục thuế sau khi hợp nhất còn lại 415 chi cục, giảm 296 chi cục thuế, đạt 102% kế hoạch và vượt thời gian trước kế hoạch 10 tháng. Ngành Thuế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Hiện đã có 99,87% doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử; 99,15% doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử; 93,62% doanh nghiệp đề nghị hoàn thuế xuất khẩu, hoàn thuế dự án đầu tư có sử dụng dịch vụ hoàn thuế điện tử. |
Nhật Minh