Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt 15%, đến năm 2030, con số này đạt 20%. Để hiện thực hoá được điều này, địa phương đang đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, giảm dần những ngành lệ thuộc nhiều vào tài nguyên khoáng sản, tác động đến môi trường. Đồng thời, ưu tiên thu hút có chọn lọc các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, thông minh và thân thiện môi trường; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển chuỗi giá trị công nghiệp hỗ trợ, cụm liên kết ngành, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị theo hướng hiện đại, phát triển xanh... Với vai trò nòng cốt, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đã tích cực phối hợp cùng các sở, ban, ngành, UBND các địa phương thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng KCN: Đông Mai, Việt Hưng, Texhong - Hải Hà, Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong, Sông Khoai... đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng, đảm bảo đồng bộ, chuẩn bị sẵn sàng mặt bằng sạch, để giới thiệu cho các nhà đầu tư nghiên cứu đăng ký đầu tư các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo, tiếp tục nâng cao tỷ lệ lấp đầy các KCN. Tới nay, các chủ đầu tư hạ tầng các KCN cũng đang đẩy nhanh tiến độ GPMB và triển khai đầu tư hạ tầng, từng bước tiến tới đi vào sản xuất. Cụ thể, như: KCN Đông Mai đã hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN về san nền, đường giao thông, cây xanh, cấp nước, thoát nước..., hiện có khoảng 13,83ha đất công nghiệp có thể cho thuê. KCN Nam Tiền Phong đã GPMB được 296/487,4ha, hiện đang triển khai san lấp mặt bằng và đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, diện tích đất có thể có thuê khoảng 100ha. KCN Bắc Tiền Phong đã GPMB được 399,13/1.192,9ha, san lấp hoàn chỉnh diện tích khoảng 65ha, hiện đang triển khai đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật như: Đường giao thông, hệ thống công nghệ, tổng với diện tích có thể cho thuê là 68,4ha... Đặc biệt, việc huy động nguồn lực để tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại bảo đảm liên thông, tổng thể đáp ứng yêu cầu phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nhanh và bền vững được các ngành chức năng đôn đốc đơn vị triển khai thực hiện triệt để, kịp thời. Điển hình, như: Dự án Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 341 từ KKT cửa khẩu Móng Cái đến KKT cửa khẩu Bắc Phong Sinh (giai đoạn II); dự án Đường kết nối từ đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đến cảng Vạn Ninh (Vạn Gia) TP Móng Cái; dự án mở rộng tuyến đường tỉnh lộ 335 theo định hướng quy hoạch chung xây dựng KKT cửa khẩu Móng Cái; dự án nút giao cao tốc Đầm Nhà Mạc và tuyến đường trục Đầm Nhà Mạc; dự án nút giao và tuyến nhánh kết nối khu phía Đông và khu phía Tây KCN Nam Tiền Phong; dự án đường nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến đường tỉnh 338 (kết nối KCN Sông Khoai)... Cùng với đó, nhiều nhóm giải pháp để phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh cũng đã và đang được các sở, ban, ngành chức năng trên địa bàn thực hiện đồng bộ, hiệu quả, như: Đồng hành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch bệnh; thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số; đổi mới, nâng cao hiệu quả xúc tiến, hỗ trợ và thu hút đầu tư; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi... Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tới nay, nhiều dự án mới đã được thu hút vào các KCN, như: Dự án nhà máy sản xuất thiết bị gia dụng, xe đạp điện Multi Sunny Việt Nam tại KCN Đông Mai của Công ty Multi-Sunny Limited; dự án nhà máy Lioncore Việt Nam tại KCN Đông Mai của Công ty Singapore Lioncore Industries PTE. LTD; dự án đầu tư nhà máy may tại khu nhà xưởng tiêu chuẩn số 2 KCN Texhong Hải Hà của Công ty TNHH Khống chế cổ phần Hoa Lợi Đạt Quảng Ninh Việt Nam; dự án Công nghệ tấm silic jinko solar Việt Nam (Jinko 2) tại KCN Sông Khoai do Công ty TNHH Công nghệ Jinko Solar Việt Nam làm chủ đầu tư... Tính đến hết quý III/2021, tỉnh đã thu hút được 16 dự án đầu tư mới, trong đó có 10 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng vốn đầu tư đăng ký là 21.537 tỷ đồng, với 7 dự án FDI và 3 dự án vốn đầu tư trong nước. Cùng với đó, đã điều chỉnh tăng vốn cho 3 dự án FDI với vốn đầu tư tăng thêm đạt gần 103 triệu USD, trong đó 100% là các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo. Như vậy, tổng vốn đầu tư thu hút vào lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh quý III đạt 28.521 tỷ đồng, gấp 3,56 lần so với mục tiêu đặt ra (bình quân 8.000 tỷ đồng/năm). Tổng số lao động làm việc trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo toàn tỉnh đạt trên 30.000 lao động. Theo lãnh đạo Sở Công Thương: Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi, bám sát, nắm chắc tình hình đồng thời chủ động phòng, chống dịch bệnh theo các mức nguy cơ. Trong đó, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, linh hoạt, sáng tạo các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo phương châm "3 trước", "4 tại chỗ", tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, quyết tâm giữ vững thành quả phòng, chống dịch, giữ vững địa bàn an toàn - ổn định trong trạng thái bình thường mới, từ đó tạo tâm lý yên tâm cho các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai công tác rà soát các dự án tại địa bàn KCN, KKT; đôn đốc các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn triển khai dự án theo nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã cấp. Qua đó, kịp thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh nội dung cụ thể việc giải quyết khó khăn, vướng mắc hoặc đề xuất xử lý, thu hồi, hủy bỏ đối với các dự án chậm tiến độ, vi phạm pháp luật theo quy định để từng bước thực hiện mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt 15%, đến năm 2030 đạt 20%. Minh Đức(Báo Quảng Ninh) |