Ông Ngô Minh Hải-Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết: Trong danh mục văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK cần sửa đổi, bổ sung do Tổng cục Hải quan phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc một số bộ, ngành rà soát mới đây, hầu hết những kiến nghị sửa đổi là các bộ cần áp dụng quản lý rủi ro, tăng cường miễn, giảm kiểm tra; điện tử hóa và kết nối một cửa quốc gia trong việc đăng ký và trả kết quả kiểm tra. Trong quá trình triển khai các giải pháp, mặc dù, một số bộ đã ban hành các văn bản áp dụng nguyên lý quản lý rủi ro; kiểm tra giảm. Tuy nhiên các quy trình quản lý này mới chỉ thực hiện ở trong phạm vi của Bộ, chưa áp dụng đúng và đầy đủ nguyên tắc quản lý rủi ro, do đó hàng hóa thuộc các danh mục này khi làm thủ tục thông quan hàng hóa vẫn thuộc luồng Vàng.
Như vậy, về nguyên tắc, các hàng hóa dù ở mức độ kiểm tra chặt, hay kiểm tra giảm vẫn đều thuộc Danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, do đó tất cả hàng hóa đó khi mở tờ khai hải quan đều thuộc luồng Vàng. Chính vì vậy, theo ông Ngô Minh Hải, để giảm tỷ lệ hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành theo tinh thần của Nghị quyết 19-2016/NQ-CP, các bộ phải thu hẹp danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành. Đưa hàng hóa có độ rủi ro thấp chuyển sang kiểm tra sau thông quan, trước khi lưu thông, tiêu thụ trên thị trường. Ví dụ, trong lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế, danh mục hàng hóa và đối tượng phải kiểm tra an toàn thực phẩm trước khi thông quan còn rất rộng. Tại khoản 1b Điều 28 Luật An toàn thực phẩm quy định: Thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm NK phải kiểm tra trước khi thông quan. Theo quy định này, mặt hàng thuộc đối tượng phải kiểm tra an toàn thực phẩm khi NK là rất nhiều. Tổng cục Hai quan cho rằng, Bộ Y tế cần xác định rõ những đối tượng cần phải kiểm tra chặt và những đối tượng có độ rủi ro thấp. Quy định rõ danh mục hàng hóa NK phải kiểm tra an toàn thực phẩm có hai loại: Danh mục hàng hóa phải kiểm tra trước khi thông quan (mặt hàng có độ rủi ro cao) và danh mục hàng hóa kiểm tra trước khi đưa ra lưu thông, tiêu thụ (mặt hàng có độ rủi ro thấp). Hay với hàng hóa thuộc quản lý của Bộ Công Thương, theo Tổng cục Hải quan cần chuyển một số nhóm hàng có thời gian kiểm tra, thử nghiệm kéo dài sang Danh mục hàng hóa nhóm 1 (kiểm tra chuyên ngành trước khi đưa hàng ra lưu thông) để giảm thời gian thông quan hàng hóa. Với quy định về dán nhãn năng lượng và kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu của thiết bị sử dụng năng lượng cũng thực hiện sau khi thông quan (trước khi đưa ra lưu thông). Với lĩnh vực kiểm tra an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần quy định rõ danh mục hàng hóa NK phải kiểm tra an toàn thực phẩm có hai loại: Danh mục hàng hóa kiểm tra trước khi thông quan (mặt hàng có độ rủi ro cao) và Danh mục hàng hóa kiểm tra trước khi đưa ra lưu thông, tiêu thụ để thực hiện theo đúng yêu cầu tại Nghị quyết 19/2016/NQ-CP. Đồng thời, với những danh mục hàng hóa phải kiểm tra trước thông quan, các bộ cần ban hành chi tiết tên hàng và đầy đủ mã số HS.
|